Bao nhiêu sắc biếc đong đầy cho nhau

  • 07:18 | Thứ Sáu, 27/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian nghệ thuật thường không trùng với thời gian vật lý/tự nhiên. Thời gian vật lý/tự nhiên luôn đổi thay, vận động theo chiều quay của đồng hồ, theo thứ tự các mùa trong năm. Thời gian nghệ thuật lại chịu sự chi phối từ cảm xúc, tâm trạng chủ quan của tác giả cũng như chất liệu mà tác giả tổ chức tác phẩm. Không ai có thể làm đứt đoạn hay khôi phục thời gian vật lý/tự nhiên. Nhưng thời gian vật lý/tự nhiên có thể được tái dựng, đo lường, đứt rời, cách quãng hay lắp ghép, nhanh hay chậm, co lại hay giãn ra… khi đi vào tác phẩm. Ví như, thời gian thiên nhiên, đặc biệt là mùa xuân-đó là khoảng thời gian đầu tiên, khoảng thời gian đẹp nhất, sức sống nhất trong năm.
 
Đó cũng là khoảng thời gian tạo nên nguồn thi hứng dạt dào của nhiều thi sĩ. Mùa xuân là mùa đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, khắp nơi mướt xanh. Hòa với đất trời, lòng người trở nên nhẹ nhàng, yêu đời, tất cả cộng hưởng làm nên bản giao hưởng riêng khác của thơ xuân. Đến với một số bài thơ xuân của Hải Kỳ, Lê Xuân Đố, Hoàng Vũ Thuật, chúng ta sẽ thấy được khoảnh khắc hữu hình của thời gian và sự tương thích giữa thiên nhiên và con người, đều hướng về vẻ đẹp nguyên trinh.
 
Thuộc tính của thời gian là vận động, dịch chuyển không ngừng. Thông qua vạn vật, thời gian mới được xác định. Nếu vạn vật đứng yên, không thể cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian. Giữa thời gian và vạn vật vì vậy luôn có sự tương tác, đồng hành. Thời gian một đi không trở lại. Dẫu là giờ đó, ngày đó, tháng đó, mùa đó nhưng thuộc tính đã khác. Vạn vật cũng thế, đổi thay theo dòng trôi của thời gian.
 
Như thế, thời gian chỉ được xác định khi có sự tồn tại của vạn vật. Không có sự tồn tại của vạn vật, thời gian không có ý nghĩa gì. Nắm bắt khoảnh khắc giao thoa, chuyển đổi rất đỗi tự nhiên của thiên nhiên, nhà thơ Hải Kỳ đã khẳng định sức sống phồn thực, phồn sinh hằng cửu của vạn vật. Trong mắt ông, sự sống của vạn vật vẫn giữ nguyên vẻ đẹp ban sơ, vẫn tự cân bằng trên cơ sở hài hòa, dung nhập:
 
Cỏ là ngọn cỏ biếc xanh
Mùa xuân với đất thơm lành nhựa cây
Lặng im trong lớp vỏ dày
Bao nhiêu sắc biếc đang đầy cho nhau
(Bài thơ cỏ biếc-Hải Kỳ)
 
Lê Xuân Đố dùng Tết để nói về mùa xuân, đồng nhất sức sống mùa xuân với vẻ đẹp con người, tất cả vẽ nên bức tranh đầu năm tươi vui, ấm áp. Mùa xuân khoác tấm áo mới cho đất trời và vun đắp, lan tỏa tình yêu muôn người:
 
Bước đầu năm xông đất con đường
Con đường mừng tuổi bước chân
Lòng người thay áo mới
Tình rất vội
Má em bận thắm Xuân còn xôn xao
Môi hoa đào
Lời hay ý đẹp
Chỉ để chờ năm mới.
(Tết-Lê Xuân Đố)

Con người muốn tìm lại bản chất tự nhiên thuần khiết, nguyên sơ, thanh tĩnh của mình, không gì hơn là hướng về mùa xuân. Vì mùa xuân là thời điểm hợp lý nhất để thực hiện khát ước ấy. Và cũng chỉ đối diện với nhựa sống căng tràn của mùa xuân, con người mới thực sự quên đi tính chất hủy diệt của thời gian, biết sống đích thực và tận hưởng những gì đang hiện hữu.

Mượn hình ảnh "Khi lá giã từ cành/Vết thương nằm lại đó" và sự tái sinh "Nơi cành cây dầm dãi/Như phép lạ thần tiên/Chiếc lá xanh mềm mại/Chiều nay hiện dần lên" (Lá và cành), Hoàng Vũ Thuật nói đến vòng luân hồi của cuộc sống. Vạn vật có sinh có tử. Nhưng, mầm sống bao giờ cũng vận động, trôi chảy. Nhà thơ thấy được sự chuyển biến không ngừng đó trong thiên nhiên:

Mắt long lanh trời đất
Xuân đã về, mùa xuân
Thương cành khô năm trước
Từng chối từ, nát tan
(Lá và cành-Hoàng Vũ Thuật)
 
Nhà thơ Hải Kỳ thì đặt mùa xuân trong cái nhìn tương quan với tình yêu, nhưng tình yêu là chủ thể tác động làm cho mùa xuân nảy lộc đâm chồi. Đó là sự hòa điệu tuyệt diệu của con người và đất trời. Niềm hạnh phúc này của nhà thơ như một vườn xuân tràn ngập sự sống:
 
Đánh thức lên sự sống tiềm tàng
Đất ẩn chứa nào ai có biết
Chẳng vun trồng ngỡ là đất chết
Hạt đem ươm không thể nảy mầm
Em gieo xuống tình yêu tha thiết
Nhựa lên cành xanh lộc mùa xuân
Đất tươi rói tâm tình trở biếc
Sự sống tuần hoàn vĩnh cửu tháng năm
(Tâm tình trở biếc-Hải Kỳ)
 
Vạn vật sinh tử theo quy luật đào thải của thời gian. Trên đường ray mỏng manh phận số ấy, nhà thơ kề cận thời gian, xem thời gian như chính cõi lòng mình. Khoảnh khắc buồn vui, nhớ nhung mà nhà thơ ghi lại khẳng định sự nhập kết cái tôi hữu hạn của nhà thơ trong cái trường cửu của thời gian, chứ không phủ nhận hay phó thác hoàn toàn cho thời gian. Bởi lẽ, cuộc sống này không có gì tồn tại vĩnh hằng.
 
Mùa trôi đi rồi mùa sẽ về nhưng nội hàm, diện mạo của sự trở về này luôn luôn khác biệt, không còn y nguyên, lặp lại như thuở ban đầu. Cuộc sống luôn mang trong nó những giới hạn và không bao giờ thoát ra ngoài quỹ đạo của thời gian. Thời gian tồn tại mãi mãi, vĩnh hằng. Phận số con người tàn phai, ngắn ngủi. Nhưng tâm hồn con người không bị thời gian đào thải:
 
Đường xa nằm xuống bao người
Máu xương ấy nói thay lời bấy nhiêu
Lời thương như thế mà yêu
Mùa xuân có nói chi nhiều đâu em! 
(Lời thương-Hải Kỳ)
 
Thời gian vận hành từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Đặc tính “sinh khởi” và “kết thúc” của thời gian gắn liền với vũ trụ. Vũ trụ biến mất thì thời gian cũng biến mất. Sự chuyển động, trôi đi của lịch sử cũng là sự chuyển động, trôi đi của thời gian. Nhưng thi sĩ không chỉ thấy hành trình của thời gian và lịch sử mà còn đồng nhất hóa giữa thời gian và lịch sử. Thời gian trong thơ thường vượt lên trên phương diện vật lý, là sự hiện hữu của thân phận, dân tộc và lịch sử:
 
nhưng luật đất trời sao mà đảo ngược
thiên nhiên lừa dối ai đâu
trong cuộc chiến sáng tạo
tháng giêng
luôn
đứng đầu.
(Tháng giêng-Hoàng Vũ Thuật)
 
Thuộc tính của thời gian là vận động, dịch chuyển không ngừng. Thông qua vạn vật, thời gian mới được xác định. Nếu vạn vật đứng yên, không thể cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian. Con người luôn ý thức được sự tồn tại vĩnh hằng, không bao giờ già đi của thời gian, vì thế, khát khao, say đắm trong vườn xuân, trong sự khởi đầu cũng chính là ý thức về quyền làm chủ, tự do về thời gian. Quy luật đào thải của tự nhiên dẫu diễn ra hết sức khốc liệt nhưng nó không gây ra sự hỗn loạn mà luôn hướng đến sự ổn định, hài hòa. Đó là giá trị hằng thể của mùa xuân mà thơ của một số thi sĩ Quảng Bình đã xác tín và lưu giữ.
Tuệ Minh

tin liên quan

"Sao Mai" giữa đại ngàn

(QBĐT) - Sinh ra ở một bản làng nghèo khó giữa núi rừng Trường Sơn, không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, chàng trai Bru-Vân Kiều Hồ Văn Kãnh, ở bản Nước Đắng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đã chinh phục được giải thưởng danh giá "Thí sinh có giọng hát ấn tượng" tại Sao Mai 2022. Kãnh cũng là một trong hai thí sinh được đặc cách đào tạo chuyên ngành Thanh nhạc hệ quân sự tại Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Hơn 15.000 lượt người vãn cảnh, dâng hương chùa Hoằng Phúc

(QBĐT) - Đại đức Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã có hơn 15.000 lượt người đến vãn cảnh, dâng hương tại chùa Hoằng Phúc.

Ý nghĩ trước biển Vũng Chùa

(QBĐT) - Chúng tôi những cựu chiến binh
Kính cẩn dâng hương trước mộ Đại tướng
Một nấm cỏ xanh màu áo lính
Chứa chan rừng ngàn và biển cả uy linh
Trong lời ru quê mẹ Quảng Bình