Nhìn mai lại nhớ đến người
(QBĐT) - Nhắc đến các bậc danh nhân triều Nguyễn, không ai không nhớ câu truyền tụng: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán; Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” (Văn được như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì trước đời Hán cũng không tìm thấy ai; thơ đạt được bằng Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì đời Thịnh Đường cũng không có). Thế mà cả Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương đều rất quý trọng tài năng thơ Nguyễn Hàm Ninh.
Nhận xét nhiều bài thơ trong tập “Tĩnh Trai thi tập” của Nguyễn Hàm Ninh, Tùng Thiện Vương phê: “Thạnh Đường duy trứ bách đọc bất yếu” (Một bài thơ hay đời Thạnh Đường sót lại, đọc trăm lần không chán). Còn Cao Bá Quát thì phê: “Phi thiện học Thiếu Lăng yên đắc linh diệu nại dư” (Nếu không phải đã học được tài thơ của Đỗ Phủ thì làm sao mà linh diệu được đến thế?). Tài thơ là cái duyên để các cụ liên kết và tìm đến nhau nhưng tình thơ, tình đời, tình người mới là cái cốt để các cụ tâm đầu hợp ý, “đồng bệnh tương lân”.
Nguyễn Hàm Ninh ra đi để gặp các bạn thơ văn Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương vào năm Đinh Mão (1868), tính đến nay, năm Quý Mão (2023) đã trọn 155 năm. Nhân xuân đến, Tết về, mai vàng đã nở, nhớ về cụ, chúng ta lại nhớ về bài thơ “Ức mai” (Nhớ mai) nổi tiếng mà lúc sinh thời Nguyễn Hàm Ninh khi nhìn mai luôn nhớ một người! Người ấy là ai vậy?
Chúng ta biết, Nguyễn Hàm Ninh vốn là một người vui tính, hay đùa nghịch, đồng thời là một người sống rất đa tình.
Vì vậy, sau khi đã cáo quan về quê ở Quảng Lưu, Quảng Trạch và đã có vợ con nhưng thỉnh thoảng Nguyễn Hàm Ninh vẫn tìm cách vào Huế thăm lại các bạn thơ, và hơn thế là để thăm lại một người-một mối tình “thương thầm nhớ trộm”-người ấy là Mai Am (tên thật là Nguyễn Thị Trinh Thận, còn gọi là Diệu Liên công chúa, em gái của nhà thơ Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương) và là con gái thứ hai mươi lăm của vua Minh Mạng).
Mối tình của họ âm thầm nảy sinh từ sự tâm đầu hợp ý qua chuyện thơ văn “Chín tầng thấu hiểu mối thi dao”. Đó là sự gặp gỡ của “Người tài tử, khách giai nhân”, của những trái tim và tâm hồn đồng điệu. Yêu lắm, thương nhiều nhưng cứ phải “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Vì có ai dám thổ lộ cùng ai đâu. Đến như nhà thơ của đấng mày râu họ Nguyễn Hàm cũng chỉ nói bóng gió để thăm dò ý tứ “người đẹp” trong bài thơ “Vô đề” viết khá dè dặt như thế này:
Một dãy lan chờ khói tía tươi
Hoa như gấm trải cỏ chăn phơi
Rèm thưa chiếu sạch cờ vây nước
Tuyết mỏng mai đông tứ
vịnh trời
Trướng rũ chung lòng thơ
thoát tục
Chén vui bỏ giận rượu nâng mời
Gió xuân đi mãi không hơi dạng
Duyên cũ còn anh vẹt nhắc thôi.
Đã cố gắng dùng nhiều từ ngữ, điển cố để nội dung ý tứ có phần nhẹ bớt đi nhưng Nguyễn Hàm Ninh đã không thể nào che giấu được những tình cảm ẩn chứa đằng sau những lời thơ ấy. Có lẽ vì vậy khi đọc bài thơ này Miên Thẩm đã không khó khăn gì mà phát hiện ra ngay là một bài thơ “tỏ tình” rất đạt và “tỏ tình” ngay với đứa em gái của mình. Nhưng vì tấm lòng bạn bè chí cốt lại vốn phục tài nghệ của Nguyễn Hàm Ninh nên Miên Thẩm đã lờ đi việc đó. Thậm chí cả Miên Thẩm và Cao Bá Quát đã khen hết lời giá trị của bài thơ. Bài thơ “giữ kẽ” như vậy nhưng khi làm xong Nguyễn Hàm Ninh vẫn không dám gửi thẳng cho Mai Am mà ông đã phải gửi qua Huệ Phố (em gái của Mai Am) với hy vọng cuối cùng bài thơ sẽ đến tay nàng.
Dẫu biết rằng mối tình của mình là vô vọng, đã về quê, đã có vợ con nên khó lòng còn được nàng đáp lại nhưng Nguyễn Hàm Ninh đã không thể cưỡng nổi trái tim mình. Có lẽ chúng ta cũng phải thông cảm cùng ông, một người vốn sống phóng túng, đa cảm, mê rượu, mê cô đầu, ít chịu ràng buộc vào khuôn phép. Hơn nữa, hỏi ai thật lòng cấm đoán được “tình yêu”-cái sức mạnh tiềm ẩn vô biên trong mỗi con người?
Ba năm sau, ở chốn quê nhà, Nguyễn Hàm Ninh được tin Mai Am đã đi lấy chồng. Dẫu có lúc Nguyễn Hàm Ninh đã nghĩ đến chuyện đó nhưng giờ đây nỗi nhớ thương người tình cũ càng làm quặn nhói lòng nhà thơ. Nguyễn Hàm Ninh đành gửi gắm tâm sự của mình qua bài thơ “Ức mai” với lời thơ thật ngậm ngùi, buồn thương da diết:
Đêm qua, đến, gió bắc rì rào
Ngồi một mình lâu, gác lạnh sao
Tiếng sáo cách xa buồn khúc cũ
Bờ sông rào dậu ấy ngày nào
Hương nam tuyết bắc tin
không tới
Đất nguyệt thềm mây mộng
nhớ nhau
Muốn gửi bài từ xa đến tặng
Thướt tha người ngọc bến
hồ xao.
Nói là nhớ một cành mai nhưng thực ra là nhớ một người-người ấy không ai khác chính là Mai Am.
Đã biết không thể gặp nhau được nữa mà vẫn cứ thương, cứ nhớ. Khác với sự dè dặt nói kiểu bóng gió, lấp lửng ở bài thơ “Vô đề”, ý thơ ở bài “Ức mai” đã bộc lộ rõ ràng hơn, mạnh mẽ, sục sôi hơn. Phải chăng đó cũng chính là nỗi lòng, là tâm trạng mà Nguyễn Hàm Ninh không còn cách nào che giấu được nữa!
Mai Am nhận được bài thơ trong lúc tâm trạng của nàng cũng đang âm thầm, day dứt nhớ tiếc về một mối tình đã qua và vẫn vương vấn mãi hình ảnh của một người:
… Chào khách tiếng chim
ngoài cửa
Thoạt nhớ một người những bữa
Xoắn xuýt giống tơ vò…
Mai Am sống bên cạnh một người chồng vốn là một ông quan lớn, đời sống vật chất thật chẳng còn thiếu thứ gì nhưng tiếc rằng người chồng ấy không ham thích thơ phú nên càng làm cho Mai Am buồn hơn, nhớ tiếc mối tình xưa hơn. Thật nếu không phải là người trong cuộc dễ mấy ai đã thấu hiểu hết nỗi lòng này:
… Chuông bầu-giục sầu đòi khi
Chạnh vì-chạnh vì tình xưa
Màn loan bướm ong lửng lơ
Ngày dồn thoi én
Thu hết xuân về
Liễu giăng tơ
Nhạn thư vắng đưa
Biết ai có trông còn đợi?...
Lời thơ chân thực, cảm động, nếu không phải là một người vốn tài hoa và sống đa cảm như bà thật khó lòng hiểu nỗi, viết nỗi. “Biết ai có trông còn đợi?...”, câu hỏi ấy dường như đã đi suốt cả cuộc đời Mai Am…
Sau này, trong một lần vào thăm lại Huế, khi bắt gặp lại những kỷ niệm xưa nhưng giờ đây đã vắng bóng nàng, Nguyễn Hàm Ninh không còn đủ can đảm để ở lại được lâu hơn. Ông vội vàng từ giã đất Huế như để trốn chạy một sự thật đau buồn, nhớ tiếc đang dày vò tâm can ông. Nhưng tiếc thay, ông làm sao có thể trốn chạy được. Trở về quê hương khi đã ở vào tuổi xế chiều nhưng ông vẫn không thể giấu được nỗi niềm nhớ tiếc kỷ niệm xưa:
… Khúc tỳ bà bát ngát giữa
giang thiên
Cảnh lão đại luống đau lòng
tư mã
Trừ tịch chi dạ
Thị dạ phi da
Giữa vầng soi thấp thoáng mặt
hằng nga
Còn nhớ khúc kỳ đình năm nọ
Gẫm thân thế luống nực cười
sự cũ
Thôi thì thôi nhắc lại mà chi?…
Nhìn lại quãng đời làm quan của mình, Nguyễn Hàm Ninh tự nói: “Làm quan hai chục năm trời ấy/Được cái nghèo xơ buổi trở về”. Phải chăng từ một người xuất thân ở nông thôn Phù Kinh (nay là xã Phù Hóa, Quảng Trạch) nghèo khổ, sau mấy chục năm lăn lộn chốn quan trường cũng là một ông quan thanh liêm, nghèo đến lúc trở về “Được cái nghèo xơ…” đã đeo đẳng, níu kéo nhà thơ không dám thổ lộ tình yêu với nữ sĩ Mai Am-một công chúa, con vua, tài sắc vẹn toàn, để rồi day dứt, nuối tiếc.
Hơn mười lăm thập kỷ-trên một trăm năm mươi lăm mùa xuân đã đi qua, chuyện tình của Nguyễn Hàm Ninh và Mai Am đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhưng những dòng thơ của họ giờ vẫn còn lưu truyền hậu thế.
Tân Phương
(*) Các tài liệu trích thơ ông trong bài viết lấy từ tập “ĐỜI TÀI HOA” của Đẩu tiếp Nguyễn Văn Đề, bản chép lại vào mùa thu năm Mậu Ngọ 1978-Sở Văn hóa-Thông tin Bình Trị Thiên và Một mối tình trong những lời thơ ấy (Lương An, Tạp chí Sông Hương, số 6, tháng 4/1984). Tham khảo thêm tập tuyển thơ văn Việt Nam 1958-1920 (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1984).
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.