Thơ chọn-Lời bình:

Tháng giêng

  • 08:37 | Thứ Bảy, 18/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lụi tàn rồi mơn mởn
Thời gian như cánh đồng
Ngày xưa ta bé nhỏ
Tháng giêng còn nhớ không
 
Biết bao giờ trở lại
Màu trong vắt của trời
Khép làn mi trinh nữ
Tháng giêng tràn lên môi
 
Bông lay ơn ai tặng
Tháng giêng giấu nơi nào
Để màu hoa lửa cháy
Chập chờn trong chiêm bao
 
Tháng giêng đầu ngọn biếc
Ta phía cội cây già
Ngước nhìn bao thương mến
Quãng đời mình đã qua
 
Tuổi vèo bay cùng gió
Ta sắp qua tháng mười
Ngoảnh lại nhìn xa lắc
Một tháng giêng nhoẻn cười!
Lâm Thị  Mỹ Dạ
r
Lời bình:
 
Tháng giêng là tháng có nhiều dự cảm-Dự cảm bắt đầu cho một năm mới. Tháng giêng là tháng có nhiều nhung nhớ với bao kỷ niệm tháng ngày đã qua. Tháng giêng giao thoa, giao mùa giữa đông sắp qua và xuân sắp tới. Cái mơ hồ dùng dằng không rõ rệt này tạo ra bao cung bậc phấp phỏng, thảng thốt hoài niệm với bao lưu luyến. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một thi sĩ tài hoa nhiều trực cảm đã có một “Tháng giêng” giàu nữ tính và cá tính mang dấu ấn rất rõ chất thơ của nhà thơ sinh ra từ mảnh đất Quảng Bình nhiều nắng gió mà đằm thắm yêu thương, hồn hậu, thuần phác…
 
Không một người phụ nữ nào không nghĩ đến thời gian, không một người phụ nữ nào không nghĩ đến tuổi xuân của mình, không nghĩ đến những gì đã qua, những gì đã mất, những gì sẽ tới khi một mùa xuân lại về. Trong bài thơ này con mắt của thi sĩ luôn nhìn “Tháng giêng” trong sự vận động hướng về những non tơ, những tươi xinh: “Lụi tàn rồi mơn mởn-Thời gian như cánh đồng-Ngày xưa ta bé nhỏ-Tháng giêng còn nhớ không”. Một thủ thỉ tâm tình, một hoài niệm nhung nhớ, một lối rẽ cảm xúc tìm về neo đậu bao ký ức, đánh thức bao kỷ niệm mà chính tháng giêng đã khơi dậy, đã đồng hành, đã đồng cảm.
 
Đó là một tháng giêng của: “Màu trong vắt của trời-Khép làn mi trinh nữ-Tháng giêng tràn lên môi”. Ở đây vẻ đẹp nhan sắc của người thiếu nữ cũng chính là nhan sắc vẻ đẹp trong trẻo của tháng giêng. Ta lại nhớ đến một câu thơ rạo rực ấm nóng tình người thiết tha của Xuân Diệu: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Một sự bừng sáng khát khao dâng hiến của sức sống tháng giêng làm rạng rõ phồn sinh lan tỏa. Từ một mênh mông cánh đồng tháng giêng, ống kính tâm hồn của thi sĩ chợt thổn thức bắt cận cảnh: “Bông lay ơn ai tặng-Tháng giêng giấu nơi nào-Để màu hoa lửa cháy-Chập chờn trong chiêm bao”.
 
Cái màu đỏ của bông hoa là một điểm nhấn lung linh như một ánh lửa hồng trong cái se lạnh tháng giêng có gì đó mơ hồ không rõ rệt cứ “chập chờn” để bừng thức, bừng sáng để đắm đuối rạo rực như một tâm điểm. Chính sự nhạy cảm khá tinh tế đầy nữ tính của thi sĩ đã thắp cho “tháng giêng” một lung linh ảo ảnh để thăng hoa, để bay bổng, để hóa thân dịu dàng đằm thắm. Tôi rất thích hình ảnh và cao hơn đó là hình tượng, biểu tượng cái cây sự sống mà: “Tháng giêng đầu ngọn biếc-Ta phía cội cây già”. Một sự khiêm nhường tự biết, một sự chắt chiu gạn  lọc, một sự vững chải bình tâm để: “Ngước nhìn bao thương mến-Quãng đời mình đã qua”.
 
Thơ chính là sự trải nghiệm sống, đọc thơ là đọc một tâm hồn con người. Ở đây, chân dung thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ-một con người hồn nhiên chân thành, chu đáo trong cuộc sống đã hiện lên rất rõ trong khổ thơ cuối: “Tuổi vèo bay cùng gió-Ta sắp qua tháng mười”. Tháng mười là tháng của mẹ, một tháng mười bao lo toan vất vả đồng áng mùa vụ “Trời tháng mười chưa cười đã tối”.
 
Vì sao là tháng 10 mà không phải tháng nào khác? Có phải tháng 10 chưa phải là nơi kết thúc, nhưng nó cũng làm chậm những nhịp đi trong hành trình của một năm? Nếu ví cuộc đời như một năm thì hẳn tháng 10 cũng là lúc người phụ nữ “toan về già” mất rồi. Nhìn lại cuộc đời mình trải nghiệm, thấy xa lắc những dấu vết đầu tiên bởi những ngọn gió của tháng giêng đã thổi thời gian vèo trôi lúc nào.Một sự tự nhận, tự biết và cả tự hào nữa nhà thơ mới có động thái ứng xử rất nhân văn, nhân tình: “Ngoảnh lại nhìn xa lắc-Một tháng giêng nhoẻn cười!”.
Nguyễn Ngọc Phú 

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Vào ngày 16 tháng giêng hàng năm, trong tiết trời dịu nhẹ của mùa xuân, người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch) lại tất bật chuẩn bị cho lễ hội đập trống đậm đà bản sắc văn hóa dân gian truyền thống.

Phát hành cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Lâm Trạch giai đoạn 1930-2020

(QBĐT) - Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Trạch (Bố Trạch) cho biết, Đảng bộ xã vừa phát hành cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930-2020.

Tiêu chuẩn xét chọn tác phẩm báo chí dự Giải báo chí Quảng Bình lần XVII-năm 2022

(QBĐT) - Tiêu chuẩn xét chọn tác phẩm báo chí dự Giải báo chí Quảng Bình lần XVII-năm 2022.