Cọ vẽ nuôi dưỡng tâm hồn…

  • 09:23 | Thứ Hai, 23/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Căn nhà nhỏ trên con phố sầm uất Trần Hưng Đạo của TP. Đồng Hới như vẫn vẹn nguyên không gian sống ngày nào của gia đình có truyền thống hội họa, vẫn mùi thơm ngai ngái của giấy, mùi mực hòa lẫn mùi màu vẽ của những bức tranh treo tường tuổi đời ngót nghét gần 45 năm. Ở đó, cha con họa sĩ Lê Anh Tân đã góp phần làm nên sự rực rỡ của một dòng họ tỏa sáng về mỹ thuật hiếm có của đất Quảng Bình.
 
Nhắc đến họa sĩ Lê Anh Tân (SN 1950, quê gốc ở làng Văn La xưa, Lương Ninh, Quảng Ninh) có lẽ hiếm người dân Quảng Bình thập niên 80, 90 của thế kỷ trước không biết đến, ông là tác giả nổi tiếng của một loạt bức tranh cổ động đoạt các giải lớn, nhỏ trong nước và quốc tế.
 
Có thể kể đến tác phẩm đầu tay năm 1978: “Nhanh chóng cải tạo mặt bằng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp” đạt giải A cuộc thi vẽ tranh cổ động về “Tiết kiệm xây dựng quê hương giàu đẹp” do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức; 2 tác phẩm “Hòa bình” và “Không được sản xuất bom” được vinh dự tham gia triển lãm tại Liên Xô trong đợt thi tranh cổ động quốc tế… Những bức tranh được treo trang trọng trong ngôi nhà như minh chứng về một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi, sáng tạo của người nghệ sĩ tài hoa Lê Anh Tân. 
 
Tranh của họa sĩ Lê Anh Cẩn.
Tranh của họa sĩ Lê Anh Cẩn.
 Và nay các con trai của ông, họa sĩ Lê Võ Tuân (SN 1981), Lê Võ Tuyển (SN 1983) và Lê Anh Cẩn (SN 1985) lại tiếp tục khai phá những chân trời hội họa, trở thành những họa sĩ tiếp bước với chân lý nghệ thuật và cách thức tiếp cận hoàn toàn mới. Người con trai út Lê Anh Nhân (SN 1991) dù không theo đuổi nghệ thuật nhưng cũng rất tài hoa. Ngoài ra, hai người cháu của ông (con của anh trai ông) là cặp đôi họa sĩ song sinh tài năng Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải cũng gặt hái nhiều thành công, tạo nên phong cách hoàn toàn khác biệt trong sáng tạo, được công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao.
 
Họa sĩ Lê Anh Tân chia sẻ, cha ông hy sinh sớm nhưng cũng là người rất có năng khiếu về nghệ thuật, ông mở xưởng mộc, quy tụ các nghệ nhân tài năng, từ đó đã gieo cho ông và các anh chị em của mình tình yêu với nghệ thuật dù đơn sơ, chất phác ngay từ thuở thiếu thời. Anh trai của ông dù không theo nghệ thuật nhưng lại rất có tài, thường xuyên vẽ tranh, ngắm nhìn những bức tranh của người anh, ông bắt đầu nhen nhóm cho mình tình yêu và quyết tâm theo đuổi hội họa.
 
Ông kể bức tranh đầu tiên của ông là những nét vẽ nguệch ngoạc bằng phấn trắng hay gạch non trên con đường đầu làng, để rồi từ đó, những nét vẽ, hình ảnh chập chờn theo ông trong cả những giấc mơ. Lớn lên, cuộc sống khó khăn, những tưởng ông sẽ rời xa hội họa, nhưng rồi duyên nợ chưa hết, ông làm việc tại Phòng Văn hóa TX. Đồng Hới, được cử đi học lớp mỹ thuật khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế và miệt mài theo đuổi dòng tranh cổ động với nhiều thành công.
 
Với các con trai của mình, ông chia sẻ, tình yêu mỹ thuật được hun đúc tự nhiên như một dòng suối nghệ thuật trao truyền thong thả chảy. Trong đó, người con cả, họa sĩ Lê Võ Tuân được ông nhận xét có nhiều nét tương đồng và gửi gắm trọn vẹn tình yêu của ông với nghệ thuật. Từ nhỏ, các con không bị cha thúc ép, hay bắt buộc theo nghệ thuật mà ngược lại ông để các con tự đi tìm bản ngã của chính mình và theo đuổi con đường riêng.
 
Họa sĩ Lê Võ Tuân.
Họa sĩ Lê Võ Tuân.
 
Họa sĩ Lê Võ Tuân tâm sự: “Thực ra tôi không có lựa chọn nào cả, như duyên trời, duyên người, khi được sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật. Từ nhỏ, tôi luôn thấy những sách ảnh, tạp chí về nghệ thuật từ Liên Xô, những bức ảnh nghệ thuật về lịch sử chiến tranh Việt Nam… Tôi nhớ ngày xưa nhà có một phòng như một thư viện sách ảnh nghệ thuật, đời sống… Giấy ngày xưa cũng hiếm, nên tôi và 2 em cứ lật mặt sau những tài liệu đó và vẽ, vẽ hết mặt sau thì vẽ chồng lên mặt trước… rất tự nhiên-và rồi cả thư viện, tài liệu sách ảnh cũng “tan tành”.
 
Vẽ gần như là một cái gen, mà cha tôi không dạy ngày nào-chỉ thấy toàn khen đẹp! Thỉnh thoảng, cha lại vẽ cho anh em tôi xem. Tôi cũng thường xuyên được cha chở xuống cơ quan và thấy cha vẽ những bức tranh cổ động, áp phích lớn… Những bức tranh treo dọc đường khi những ngày lễ đến… Trước khi quyết định thi vào trung cấp mỹ thuật Trường đại học Nghệ thuật Huế năm 15 tuổi, cha tôi chỉ dạy luyện thi vẽ chì và trang trí đúng 1 tuần-tôi thi đậu á khoa. Giống như tôi sinh ra chỉ để vẽ, không có lựa chọn ngành nghề!”. 
 
Họa sĩ Lê Võ Tuyển lại có những chia sẻ khác: “Đối với tôi, việc sinh ra trong gia đình có truyền thống mỹ thuật tác động rất lớn đối với công việc của mình. Đó là nền tảng khi tôi đặt chân vào làm nghệ thuật, trải nghiệm nghề nghiệp cũng như giúp tôi nỗ lực hơn khi gặp những khó khăn trong công việc. Có thể nói, cha và mẹ là những người ảnh hưởng trực tiếp, luôn động viên, dõi theo và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi và các anh em của mình cả về nghề nghiệp và tinh thần. Vì vậy, trong cuộc sống và nghề nghiệp, tâm niệm của anh em chúng tôi là luôn cố gắng, nỗ lực hết mình”.
Họa sĩ Lê Võ Tuyển
Họa sĩ Lê Võ Tuyển
“Cha tôi là họa sĩ, và cũng nổi tiếng ở mảng tranh cổ động thời kỳ những năm 80, với nhiều giải thưởng và triển lãm quốc tế… Ở Quảng Bình thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi khi nói về họa sĩ người ta thường nhắc đến cha tôi. Mặc dù tôi cũng biết ngoài cha tôi ở Quảng Bình chỉ có thêm 3 đến 4 họa sĩ thôi (cũng là bạn cha cả)… Dù vậy, tôi rất tự hào là con của cha, là họa sĩ nổi tiếng… Điều này cũng thôi thúc tôi trở thành một họa sĩ.
 
Sau hơn 20 năm làm nghệ thuật chuyên nghiệp, nhìn lại những tác phẩm của cha, tôi vẫn ngưỡng mộ, những tác phẩm cổ động phản chiến, rồi đến bộ tranh ký họa thời kỳ còn bom đạn ác liệt… Kỹ thuật vẽ hình họa rất chắc và đẹp-điều mà thế hệ trước được đào tạo và học tập nghiêm túc… Những bức tranh của tôi hiện tại cũng mang âm hưởng nét cọ của cha, những cong tua đen, mạnh mẽ và dứt khoát. Tranh của em tôi, Lê Võ Tuyển thì cũng phát triển theo hướng kết hợp tính biểu hiện của nghệ thuật cổ động với hơi thở đương đại…”, họa sĩ Lê Võ Tuân xúc động chia sẻ.
Họa sĩ Lê Anh Cẩn
Họa sĩ Lê Anh Cẩn
Năm 2018, ba anh em nhà họ Lê bất ngờ được mời tham dự hai cuộc triển lãm ở Pháp. Triển lãm đầu tiên là triển lãm quốc tế lưỡng niên lần thứ 19 (International Biennale) ở Châlon em en Champangne. Triển lãm thứ 2 là triển lãm của 3 anh em tại Viện Văn hóa Arcades (Arcades Institute). Trước chuyến đi, nhà tài trợ (Lotus gallery) đã tổ chức một buổi triển lãm chung của 3 anh em tại L’Uisine (TP. Hồ Chí Minh) với sự tham gia của Tổng lãnh sự Pháp và lượng khách mời được giới hạn.
 
“Rất vui và xúc động khi đây cũng là lần đầu tiên 3 anh em tôi được triển lãm cùng nhau. Đặc biệt, triển lãm tại Viện Văn hóa Arcades, tranh của chúng tôi được bán gần hết”, họa sĩ Lê Võ Tuân nhớ lại.
 
Miệt mài với nghệ thuật, nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, những người con phương xa của họa sĩ Lê Anh Tân đều trở về quê hương sau một năm dài sáng tạo. Năm nào cũng vậy, những bữa cơm đoàn viên của gia đình họa sĩ luôn tràn ngập tiếng cười bên những câu chuyện nghề, chuyện đời. Với đại gia đình yêu hội họa, đó cũng là dịp để họ chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, hun đúc thêm tình yêu nghề và cả gợi mở cho lớp con cháu kế cận tiếp bước những thành công nghệ thuật của các bậc cha anh.
 
3 người con của họa sĩ Lê Anh Tân đều đang hoạt động nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh và mỗi người gặt hái những thành công nhất định trên chặng đường sáng tạo của mình. Trong đó, họa sĩ Lê Võ Tuân không chỉ được biết đến như một trong những họa sĩ thế hệ “8X” nổi bật, mà còn là một nhạc sĩ tài năng. Chia sẻ về ý định mở một cuộc triển lãm của anh em nhà họ Lê ở Quảng Bình, họa sĩ Lê Võ Tuân cho biết: “Đi đâu cũng nhớ về quê hương, chắc rồi, đây cũng là ước muốn của tôi và anh em tôi Lê Anh Cẩn, Lê Võ Tuyển. Nhưng như tôi đã nói: Duyên thôi! Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực sáng tạo tác phẩm mình tốt hơn để khi được trưng bày tại quê hương Quảng Bình, tôi cũng sẽ thấy tự hào”.
 
Mai Nhân

tin liên quan

Cùng xuân tiếp bước

(QBĐT) - Bàn chân nhẩm tính tuổi xuân
Bao mùa mai nở mấy tuần trăng lên

Dư vị Tết

(QBĐT) - Ngày còn bé, chỉ mong sểnh ra để đi chơi, chẳng đoái hoài mẹ với ngổn ngang công việc. Đến lúc lớn, lập gia đình riêng, Tết ở phố đơn giản, nhàn rỗi lại thấy nhớ thương hình ảnh tất bật của mẹ, chỉ muốn chạy ào về đỡ mẹ một tay và cũng là để hưởng chút không khí bận rộn, dư vị yêu thương của những ngày Tết năm nào.

Hàng nghìn người dân đón xem pháo hoa chào năm mới Quý Mão 2023

(QBĐT) - Vào lúc 00 giờ 00 phút đến 00 giờ 15 phút ngày 22/1, tại cầu Nhật Lệ 1 (phường Đồng Hải) và công viên hồ Đồng Sơn (phường Đồng Sơn), TP. Đồng Hới đã tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới Quý Mão 2023.