Dư vị Tết

  • 09:22 | Thứ Hai, 23/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cuối tháng Chạp năm nào cũng vậy, hễ gọi điện về kiểu gì cũng biết mẹ đang tất bật với bao việc soạn sửa ngày Tết. Nhớ đến dáng mẹ tất bật, lo toan, thương mà dặn: Tết giờ đơn giản rồi, mẹ làm in ít thôi, để thời gian nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Mẹ cười trừ, bảo: Mệt mới là Tết.

Mẹ bao giờ cũng vậy: Vừa mong Tết đơn giản để đỡ vất vả nhưng rồi lại bày biện ra bao nhiêu việc để làm.
 
Từ trước đó cả tháng, mẹ đã sắm nắm lo chuẩn bị nếp, đỗ xanh… chăm bẵm đàn gà cùng những luống rau trong vườn cho kịp ăn Tết. Ngay cả khi hoạt động buôn bán, giao thương thuận lợi như bây giờ, chỉ cần nhấc điện thoại gọi đã có người “ship” đến nhà, mẹ vẫn còn giữ thói quen ấy.
 
Khi những bông cúc mặt t­rời cuối đông bên hiên nhà thôi thắp lửa, những cơn mưa chuyển mùa chợt tới, vạt ngò, vạt cải, xà lách… trong vườn mẹ cũng bắt đầu lấm chấm chuyển xanh. Tiết trời những ngày chuyển mùa cuối năm đỏng đảnh, vậy mà trong nắng hanh hao, dưới làn mưa bụi, những luống rau của mẹ vẫn cứ lớn nhanh như thổi. Chỉ cần dạo một vòng quanh vườn, mùi ngò, cải,… ngan ngát, cay nồng vướng vít theo bước chân. Để rồi sau này xa quê, mỗi lần “va” phải mùi hương giản dị quen thuộc, tôi lại nhớ mẹ vô cùng.
Mùi ngò, cải,… ngan ngát, cay nồng vướng vít theo bước chân và len vào ký ức tôi những ngày xa quê.
Mùi ngò, cải,… ngan ngát, cay nồng vướng vít theo bước chân và len vào ký ức tôi những ngày xa quê.
Còn nhớ, những ngày bố công tác ở huyện, ngày Tết, nhà tôi đã trở thành điểm hẹn của các đồng nghiệp cùng cơ quan với bố. Dạo một vòng thăm thú, chúc Tết, họ lại hẹn nhau về nhà tôi để thưởng thức những món đặc trưng của mẹ như thịt đông kèm dưa cải, rau sống nhà trồng, riềng,…
 
Riềng là một món ăn thật lạ. Nếu như riềng là thứ gia vị trong rất nhiều món khác, thì ở món này, nó là thành phần chính. Riềng đã được cạo vỏ, thái lát, thêm ít xương cùi heo và mật mía, ruốc (mắm tôm), hầm kỹ trong nhiều giờ đồng hồ. Thành phẩm là món riềng thơm lừng, đậm đà, thịt ở xương mềm rục, những miếng riềng bùi, ngấm. Đơn giản vậy thôi nhưng món này vô cùng bắt miệng khi ăn cùng bánh chưng hay cơm trắng. Mẹ kể, trước chỉ nấu mỗi riềng với mật mía và ruốc, nay có điều kiện mới thêm xương cho món ăn tròn vị hơn.
 
Ngược lại, món thịt đông của mẹ lại cầu kỳ, phức tạp vô cùng đối với tôi. Công thức nấu thịt đông của mẹ gồm rất nhiều loại thực phẩm: Thịt heo, da heo, thịt bò, thịt gà, mộc nhĩ, nấm hương… với một tỷ lệ nhất định nào đó mà bao lần hỏi, xong tôi lại quên. Khi nồi thịt đông đã lên khuôn gọn gàng thì đám cải rễ trong vườn cũng kịp già để mẹ muối dưa chàm (một kiểu muối xổi) ăn kèm.
Mỗi món ăn ngày Tết được chuẩn bị kĩ lưỡng, mang theo dư vị yêu thương của mẹ.
Mỗi món ăn ngày Tết được chuẩn bị kĩ lưỡng, mang theo dư vị yêu thương của mẹ.
Bố bận việc Nhà nước nên Tết hàng năm, mẹ con tôi lại rửa, hong khô lá dong, chuẩn bị thịt, nếp, hành, đỗ xanh… mang ra nhờ bác gói bánh dùm. Được hầu việc bác gói bánh chưng Tết, với tôi lúc ấy, như thể một “ân huệ”. Vẫn còn như in trong ký ức, những nếp lá trên chiếc bánh nằm ngay ngắn, vuông vức dưới đôi bàn tay chắc nịch của bác. Anh trai tôi đã qua mấy mùa học gói bánh với bác nên động tác cũng đã thuần thục. “Thợ học việc” là tôi bấy giờ, luống cuống mãi mới gói được một chiếc bánh tàm tạm, được bác động viên: “Cháu mới học gói như vậy là giỏi đấy!” mà tự hào, vui sướng, khoe khắp nơi.
 
Trong tâm trí non nớt của đứa trẻ lúc bấy giờ, tôi không hiểu vì sao việc nấu bánh chưng, hầu như người ta chỉ dành vào ban đêm. Đám trẻ con quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa, nghe người lớn kể chuyện năm nảo, năm nào. Lũ trẻ được giao canh lửa, lâu lâu lại hỏi: Lúc nào thì bánh ro (bánh chưng nhỏ, được gói từ phần nguyên liệu dư để dành cho trẻ con) chín?
 
Nhưng bao nhiêu sự háo hức cũng không thể dập tan được cơn buồn ngủ, để rồi sáng hôm sau tỉnh giấc, thấy bánh chưng đã được bố mẹ vớt ra, mang ép nước; trên cao là 2 chiếc bánh ro treo lủng lẳng đầy khiêu khích. Cảm giác tiếc nuối chẳng khác gì bao lần chờ đón giao thừa và tỉnh giấc, thấy mình đã ở ngày mồng 1 của năm mới rồi.
 
Những ngày áp Tết, mẹ cứ bị cuốn vào việc soạn sửa cho Tết, cảm giác như việc này chưa xong, việc khác đã đến. Mọi thứ dường như chỉ gọn gàng khi giao thừa sắp sang, cả nhà thảnh thơi, quây quần bên nhau đón năm mới với bao kỳ vọng. Sự tỉ mẩn, lo lắng của mẹ lúc ấy làm tôi thấy Tết là cái gì đó quan trọng, thiêng liêng lắm!
 
Ngày còn bé, chỉ mong sểnh ra để đi chơi, chẳng đoái hoài mẹ với ngổn ngang công việc. Đến lúc lớn, lập gia đình riêng, Tết ở phố đơn giản, nhàn rỗi lại thấy nhớ thương hình ảnh tất bật của mẹ, chỉ muốn chạy ào về đỡ mẹ một tay và cũng là để hưởng chút không khí bận rộn, dư vị yêu thương của những ngày Tết năm nào.
Hương Lê

tin liên quan

Nao nao mùi Tết

(QBĐT) - Tết đọng lại trong tôi cái mùi xưa cũ bâng khuâng vốn có của nó. Như một phần ký ức không phai trong nỗi nhớ quê dằng dặc.

Mùa xuân

(QBĐT) - Nhận ra mùa xuân qua ánh mắt trao nhau
Qua hơi thở ấm nồng giao duyên trời đất
Gió đại ngàn về vườn quê tấu nhạc
Tiếng chim ồn ào trước ngõ gọi bình minh...
 

Hàng nghìn người dân đón xem pháo hoa chào năm mới Quý Mão 2023

(QBĐT) - Vào lúc 00 giờ 00 phút đến 00 giờ 15 phút ngày 22/1, tại cầu Nhật Lệ 1 (phường Đồng Hải) và công viên hồ Đồng Sơn (phường Đồng Sơn), TP. Đồng Hới đã tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới Quý Mão 2023.