Đọc lại "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu

  • 08:00 | Thứ Sáu, 12/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nguyễn Đình Chiểu, sinh năm 1822, tại Tân Thới, Tân Bình, Gia Định (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, thân sinh là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, Phong Điền, Thừa Thiên (nay là xã Phong An, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Nhà thơ mất tại huyện Ba Tri, Bến Tre năm 1888. Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao “có ánh sáng khác thường” trên bầu trời văn chương Việt Nam “càng nhìn càng sáng” (lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
 
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bài văn Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của tuần phủ Đỗ Quang, để tế những nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận tập kích đồn quân Pháp ở Cần Giuộc vào đêm 16/12/1861. Việc nhận lời viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc do tuần phủ Đỗ Quang yêu cầu, ngoài lòng cảm phục, xót thương các nghĩa sĩ, cụ Đồ Chiểu còn có chủ ý riêng.
 
Trước đó, trong bài Chạy Tây cụ từng đánh tiếng: Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này?. Bởi vậy, khi  được tuần phủ Đỗ Quang yêu cầu viết bài văn tế, cụ nhận lời ngay. Đây là cơ hội để cụ gián tiếp bày tỏ chính kiến của mình. Thể hiện lòng căm thù quân xâm lược không khó, khó nhất là phê phán sự hèn nhát của triều đình. Cụ Đồ Chiểu thừa biết tuần phủ Đỗ Quang nhất định sẽ “kiểm duyệt” kỹ lưỡng, khắt khe trước khi công bố. Vậy phải viết thế nào để có thể qua mặt tuần phủ Đỗ Quang?
Khu
Khu Di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre (Ảnh: Internet)
Với quân xâm lược, cụ nói thẳng thừng, chẳng cần úp mở, nhưng với triều đình cụ rất thận trọng. Cụ phải tìm cách nói bóng gió, nửa kín, nửa hở. Cụ dồn nén sự căm ghét của mình đối với triều đình trong hai câu song quan: Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa/ Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ. “Tiếng phong hạc” lấy từ thành ngữ “phong thanh hạc lệ, thảo mộc giai binh” (Nghe tiếng gió thổi, hạc kêu, thấy cây cỏ cứ ngỡ giặc đến). “Mùi tinh chiên”, là mùi tanh hôi của máu người bị giặc Pháp giết “vấy vá” khắp nơi. Nhân dân cả nước lo lắng, bất an, chờ đợi tin tức từ triều đình đã “mươi tháng”, tội ác của giặc Pháp gieo rắc cho nhân dân Nam Bộ cũng đã ngót nghét “ba năm”, mà triều đình vẫn cứ “án binh bất động”.
 
Cụ Đồ Chiểu đã khôn khéo mượn lời ăn tiếng nói của các nghĩa sĩ “trông tin quan như trời hạn trông mưa”, “ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ” để bày tỏ sự bất bình của mình đối với thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của triều đình. Lẽ ra phải nói trông tin vua, vì vua mới có quyền quyết định đánh hay hàng. Cụ Đồ Chiểu nói tránh thành “trông tin quan”, nhưng những ai tinh ý đều thừa hiểu cụ mượn quan để nói vua. Câu tiếp theo “Ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ” (có bản chép “ghét thói mọi”). “Thói mạt” là thói hèn nhát, bạc nhược của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, được tác giả nói tránh.
 
Mượn cớ ca ngợi các nghĩa sĩ, cụ Đồ Chiểu kín đáo phê phán bản chất hèn nhát, bạc nhược của vua quan nhà Nguyễn. Có lẽ do cách nói bóng gió, nửa kín nửa hở mà qua mặt được tuần phủ Đỗ Quang? Qua việc can đảm phê phán bản chất hèn nhát, bạc nhược của vua quan nhà Nguyễn, giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn cốt cách của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu.
 
Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc không chỉ thể hiện cốt cách mà còn là một minh chứng hùng hồn về tài năng văn chương hiếm có của cụ Đồ Chiểu. Văn tế có thể được viết theo nhiều thể: Văn xuôi, thơ lục bát, song thất lục bát, phú… Trong các thể văn tế thì thể phú Đường luật có những quy định chặt chẽ, khắt khe hơn cả. Ngoài quy định về luật câu (song quan, gối hạc…), luật đối (đối lời, đối ý, đối thanh…) thì quy định độc vận (cả bài chỉ gieo một vần) là hóc búa nhất. Độc vận là một kiểu chơi thơ khá độc đáo, đòi hỏi người viết phải có biệt tài gieo vần. Chỉ gieo một vần trong cả bài văn tế mà vừa bảo đảm nguyên tắc hiệp vần vừa diễn đạt thông suốt nội dung, cảm xúc là điều không phải ai cũng làm được. Những bậc cao thủ mới dám lựa chọn viết thể văn tế hóc búa này.
 
Văn tế Trường Lưu nhị nữ của Nguyễn Du chỉ gieo mỗi vần “a” (… đôi ngả/… buồn bã/… ẻo lả/… hèn hạ/… nhân quả/… ra rả/… suồng sã/… chung chạ/…).  Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu có đến 30 câu, 60 dòng mà tác giả chỉ sử dụng mỗi vần “o” được gieo một cách hết sức tự nhiên, không hề có chỗ nào gò ép, gượng gạo (… lòng dân trời tỏ/... tiếng vang như mõ/... mắt chưa từng ngó/... nhà nông ghét cỏ/... treo dê bán chó/... dao tu nón gõ/... đầu quan hai nọ/... liều mình như chẳng có/… xác phàm vội bỏ/... hai hàng luỵ nhỏ/... mắc mớ chi ông cha nó/... xiêu mưa, ngã gió/... một phường con đỏ/...”.
 
Từ trước đến nay đã có hàng chục bài nghiên cứu phê bình Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhưng chưa thấy ai phát hiện cái tài gieo vần đặc biệt này của cụ Đồ Chiểu. Ta tưởng như nhà thơ viết liền một mạch, khi cảm xúc dâng trào, vần điệu cứ gọi nhau đến. Toàn bài là những cặp song hành tương phản giữa nghĩa sĩ với triều đình, giữa nghĩa sĩ với giặc Pháp, giữa sống và chết, giữa hùng và bi.
 
Vì viết văn tế thể phú Đường luật cực khó nên số người viết, số lượng bài chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đại thi hào Nguyễn Du có mỗi bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ. Chí sĩ Phan Bội Châu có 2 bài: Văn tế Phan Chu TrinhVăn tế đồng bào chết vì nạn bão lụt ở Nghệ-Tĩnh. Riêng Nguyễn Đình Chiểu có đến 3 bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh.
 
Với những đóng góp xuất sắc của mình, trong đó có tuyệt phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng được UNESCO vinh danh: Danh nhân văn hóa thế giới.                                                           
 
                                                                         Mai Văn Hoan

tin liên quan

Mùa Vu Lan, nhớ mẹ…

(QBĐT) - Thử hỏi trên cõi đời này, có điều gì thiêng liêng hơn, còn ai cao quý hơn và tiếng gọi nào trìu mến hơn mỗi khi ta cất lời? Chỉ có thể là mẹ, duy nhất mẹ mà thôi.

Rộn ràng khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia

Tối 10/8, Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2022 đã diễn ra tại Nhà hát Chaktomuk ở thủ đô Phnom Penh, trong không khí rộn ràng của chương trình nghệ thuật đặc sắc. 

Giao lưu nghệ thuật "Hồi sinh từ mảnh cầu vồng" vì các nạn nhân dioxin

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kêu gọi các cấp, các đoàn thể và toàn dân tiếp tục quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống.