Mùa hiếu hạnh

  • 08:51 | Chủ Nhật, 07/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng bảy (âm lịch), trời thoắt nắng, thoắt mưa. Cái nắng không đủ để chói chang, gay gắt như mùa hạ, cũng không mỏng, nhẹ như nắng xuân và những cơn mưa đến rồi đi chỉ đủ thấm vào đất. Nắng, mưa tháng bảy như nỗi lòng ai đó, hạnh phúc khi đang còn cha mẹ và thấm đẫm buồn đau khi mất đi đấng sinh thành-nỗi mất mát lớn lao không gì có thể bù đắp được.
 
Không hiểu sao một số người lại xem tháng bảy (âm lịch) là tháng xui xẻo nên tạm gác lại những công việc quan trọng như ký hợp đồng, khai trương, động thổ… trong khi đây là quãng thời gian rất đẹp, là mùa Vu Lan để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và cũng là thời điểm diễn ra lễ xá tội vong nhân (lễ cúng cho những linh hồn không nơi nương tựa). Cả hai lễ này đều mang ý nghĩa thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm phúc, bố thí, chung tay giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa, chứa đựng tính nhân văn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam.
 
Lễ Vu Lan (rằm tháng bảy) không đơn thuần là ngày lễ có ý nghĩa tôn giáo (Phật giáo) mà ngày càng có sức lan tỏa trong đời sống của mỗi người dân Việt, nhắc nhở mọi người hướng về nguồn cội, ghi nhớ công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm việc hiếu nghĩa.
 
Qua mỗi mùa Vu Lan, chứng kiến niềm vui cũng như nỗi buồn thẳm sâu trong đáy mắt của nhiều người khi tham gia đại lễ ở các chùa, mới thấy trân quý hơn những gì mình đang có. Mỗi người dự lễ đều được cài lên mình một bông hoa hồng, biểu tượng của tình yêu chân thành, sự cao quý. Những người còn mẹ, cha hạnh phúc khi được cài bông hoa màu đỏ lên ngực. Có người mắt lệ nhòa đi khi đón nhận bông hồng màu trắng (mẹ, cha đã qua đời).
 
Nghi thức “Bông hồng cài áo” ra đời xuất phát từ áng văn về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào năm 1960 và là một phần không thể thiếu trong đại lễ Vu Lan. Những ca từ chan chứa tình mẫu tử hòa trong giai điệu thiết tha, nhẹ nhàng, sâu lắng của ca khúc “Bông hồng cài áo” (ý văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ) được ngân lên khiến cho nhiều người bật khóc: “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…”.
 
Từng câu, từng chữ trong ca khúc như một lời nhắn nhủ rằng, những ai còn mẹ, cha hãy luôn hiếu thuận bởi: “Rủi mai này mẹ hiền có mất đi” là cả một bầu trời yêu thương, dòng suối dịu hiền, cả mạch nguồn bao la như biển xanh, sông lớn ngọt ngào vỗ về con thơ sẽ không còn nữa. Mẹ trong ca khúc này được khắc họa bằng những hình ảnh như “dòng suối”, “bài hát”, “trăng sao”, “ánh đuốc” … đến những hình ảnh dung dị, đời thường là “lọn mía”, “nải chuối”, “buồng cau” … Còn mẹ là còn tình yêu thương tròn đầy viên mãn, là hạnh phúc lớn nhất của những người con.
Chùa Đại Giác Ảnh: Nguyễn Hải
                                        Chùa Đại Giác.                    Ảnh: Nguyễn Hải

Trong tim mỗi người, mẹ luôn là hình ảnh đẹp nhất, là quê hương, là bóng mát, là sự chở che, bởi mẹ là người có thể làm tất cả để con cái được khôn lớn, yên vui. Mẹ đã đi vào thơ, nhạc, trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các văn nghệ sĩ. Từ thuở còn thơ, chắc hẳn mỗi chúng ta đều quen thuộc với bài hát “Bàn tay mẹ” (nhạc Bùi Đình Thảo, lời Tạ Hữu Yên) rằng: Bàn tay mẹ, bế chúng con/ Bàn tay mẹ, chăm chúng con/ Cơm con ăn, tay mẹ nấu/ Nước con uống, tay mẹ đun/ Trời nóng bức, gió từ tay mẹ, con ngủ ngon/ Trời giá rét, cũng vòng tay mẹ, ủ ấm con/ Bàn tay mẹ, chăm chúng con/ Từ tay mẹ, con lớn khôn”… hay những ca từ bay bổng, xúc động trong một ca khúc có tựa đề “Chỉ có một trên đời” của nhạc sĩ Trương Quang Lục luôn được các em độ tuổi mẫu giáo cất lên trong mỗi buổi học: “Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao/ Trên đồng xa có muôn ngàn cây lúa/ Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca/ Cây trong rừng có muôn ngàn lá hoa/ Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi/ Và mẹ em chỉ có một trong đời”…

Lớn lên, khi biết nhớ thương một ai đó, đám con gái thường chuyền tay nhau bài thơ “Người đàn bà thứ hai” của Phạm Thị Vĩnh Hà với những câu thơ mộc mạc chuyển tải rất thật tâm tư, tình cảm và cả niềm hạnh phúc của người đàn bà dẫu chỉ được xếp vị trí thứ  hai trong cuộc đời của một người đàn ông: “Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con/ Bởi trước con anh ấy là của mẹ/ Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ/ Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi !/ Mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời/ Hình bóng mẹ lồng vào tim anh ấy /Dẫu bây giờ con đuợc yêu thế đấy/ Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai…".

Mẹ còn đi vào ca dao và những khúc dân ca rằng: “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau” để nói lên một sự thật là người cha, mẹ nào cũng có ngày già yếu như ngọn đèn treo trước gió và có thể “tắt” lúc nào không hay. Sau này ca khúc “Mừng tuổi mẹ” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng xuất phát từ cảm xúc ấy để có những câu hát rất xúc động về mẹ như: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi”. Thế nên, đạo làm con phải luôn ghi nhớ công ơn cha, mẹ, không phải đến lúc Vu Lan mới thể hiện lòng hiếu thảo mà trân quý từng giây, từng phút khi vẫn có cha, mẹ trên cõi đời này.
 
Ai ai cũng được lớn lên trong vòng tay và tình yêu thương vô bờ bến của cha, mẹ. Bữa cơm mẹ nấu dẫu có đơn sơ, đạm bạc cũng luôn dành phần ngon nhất cho con. Mẹ thức trắng đêm canh cho con ngủ mỗi khi con ốm, nhịn ăn để nhường phần cho con… Mẹ như mái ấm để trên dòng đời mưu sinh đầy áp lực, con vẫn được chở che, tìm lại cảm giác bình yên khi về nhà. Mẹ đã song hành cùng con đi qua bao vui buồn của cuộc sống, dìu dắt, nâng đỡ mỗi khi con vấp ngã, hạnh phúc khi nhìn thấy con vững bước trên đường đời.
 
Trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói rằng: “Cha, mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ kể tháng, kể ngày” là bởi trên thực tế vẫn còn đâu đó những câu chuyện đau lòng như chuyện con cái ngược đãi, không toàn tâm, toàn ý phụng dưỡng cha mẹ khi về già hay vì lợi ích cá nhân mà quên đi công sinh dưỡng.
 
Hãy một lần đến chùa trong đại lễ Vu Lan rằm tháng bảy vui cùng những người được cài bông hồng đỏ, ngậm ngùi, xót xa cùng bao người đã mất đi cha, mẹ, bạn sẽ nhìn thấy mình trong đó, sẽ lục lọi trong ký ức thẳm sâu những ngày tháng đã làm cho cha mẹ phiền lòng để sống sao cho phải đạo làm con. Bởi lẽ, nếu một mai mất đi đấng sinh thành sẽ không còn cơ hội để sửa lỗi.
 
Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, chia sẻ với những cuộc đời, số phận kém may mắn, trọn hiếu với ông bà, cha mẹ là thông điệp, ý nghĩa nhân văn mà chúng ta học được qua mỗi dịp Vu Lan-mùa hiếu hạnh. Đừng vì cuộc sống riêng mà quên đi ơn sâu nghĩa dày bởi mỗi mùa xuân sang mẹ lại già thêm một tuổi, đồng nghĩa với việc ngày phải xa mẹ, cha đang đến gần. Con người ta có thể quên đi nhiều thứ trong cuộc đời nhưng không được quên ân tình của cha mẹ mà phải sống xứng đáng với niềm hạnh phúc của người được làm con để luôn là những bông hoa hiếu hạnh dâng lên ông bà, cha mẹ mỗi dịp Vu Lan.
 
                                                                                                NH.V        

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - "Trẻ em, những mầm xanh tinh khiết, chủ nhân tương lai của đất nước luôn cố gắng học tập, thoả chí vui chơi với những ước mơ bay bổng. Các em còn tham gia giúp đỡ gia đình những công việc phù hợp với lứa tuổi của mình...". 

Quảng Bình trong thơ Phạm Đình Ân

(QBĐT) - Phạm Đình Ân làm thơ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến nay, ông đã có "gia tài" văn chương với hơn 25 tác phẩm gồm cả thơ, văn; nhận được nhiều giải thưởng. 

Giỗ mẹ

(QBĐT) - Con thương mẹ ra đi khi còn trẻ
tuổi ba mươi ba còn lâu mới lên bà