Phát triển văn học-nghệ thuật từ nguồn lực xã hội hóa - Bài 2: Cần những giải pháp "dài hơi"

  • 07:26 | Thứ Ba, 17/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình, công tác xã hội hóa các hoạt động văn học-nghệ thuật (VHNT) lại càng gặp nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của đội ngũ những người làm nghệ thuật. Vậy đâu là những giải pháp dài hơi, để các nghệ sĩ tiếp tục được “tiếp sức” trên chặng đường sáng tạo của mình bên cạnh sự hỗ trợ từ phía nhà nước?
 
 
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ Nghị quyết số 90/CP, ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa (XHH) các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa được ban hành. Và trước đó, qua hơn 30 năm công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về VHNT, trong đó luôn lãnh đạo, định hướng XHH các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, với Quảng Bình-một địa phương còn lắm khó khăn, mức sống của người dân chưa cao, các doanh nghiệp lớn còn ít ỏi và cũng chưa nhiều đơn vị mặn mà, việc XHH VHNT là cả một lộ trình chông gai, nhiều thách thức. XHH sẽ thêm một kênh đầu tư cho VHNT bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mở ra nhiều cơ hội hơn cho giới văn nghệ sỹ tiếp cận công chúng.
 
Ngoài một số tín hiệu vui trong thời gian gần đây, phải khẳng định một thực tế “buồn” là công tác này trên địa bàn tỉnh hầu như có chưa có những chuyển biến đáng kể, chưa có những “cú hích” lớn, đủ sức để tạo những dấu ấn dài hơi. Cụm từ “xã hội hóa” vẫn còn chưa tiếp cận đến một số chi hội, phân hội VHNT tỉnh nhà.
 
Nguyên nhân chủ yếu trước hết là do nguồn tiền đầu tư từ XHH gặp nhiều khó khăn đối với một tỉnh có sự phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều thách thức như Quảng Bình. Nhiều hoạt động rất cần XHH, như: Tổ chức trại sáng tác, lớp bồi dưỡng VHNT… vẫn chưa làm được, vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, sự quan tâm của công chúng Quảng Bình đến văn hóa nói chung, VHNT nói riêng còn chưa thực sự mặn mà.
 
Đó là thực trạng không chỉ ở Quảng Bình mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Trong bối cảnh giới trẻ và cộng đồng bị thu hút bởi mạng xã hội và nhiều hấp dẫn công nghệ, vô hình trung VHNT sẽ có những “rào cản” nhất định để tiếp cận. Tất nhiên, đây cũng chính là cơ hội, thời cơ để tạo những bứt phá nếu đi đúng hướng, làm đúng cách. Và XHH chính là một “giải pháp” hiệu quả nếu được triển khai bài bản.
Nhạc sĩ Trần Tiến trải nghiệm âm thực tại chợ Ba Đồn nhân sự kiện giao lưu được tổ chức tại Quảng Trạch.
Nhạc sĩ Trần Tiến trải nghiệm âm thực tại chợ Ba Đồn nhân sự kiện giao lưu được tổ chức tại Quảng Trạch.

Theo ông Hoàng Đại Hữu, Chi hội trưởng Chi hội VHNT Lệ Thủy, là một chi hội địa phương, chi hội gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực XHH, nhất là hai năm trở lại đây khi dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế-xã hội. Với mỗi một hoạt động triển khai, các thành viên chi hội đều rất nỗ lực trong khâu tìm kiếm tài trợ để có thể đưa các tác phẩm VHNT đến gần hơn với công chúng. Nhờ đó, nhiều tập thơ, tập san đã tạo được dấu ấn nhất định. Thời gian tới, chi hội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ từ phía các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để “tiếp sức” cho các hoạt động VHNT.

Gần đây, một số chương trình, sự kiện văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh được XHH tổ chức thành công, tạo dấu ấn trong lòng công chúng. Theo như chia sẻ của nhà báo Phạm Phú Thép, Chi hội trưởng Chi hội VHNT Ba Đồn-Quảng Trạch. Đó là động lực, là “đòn bẩy” để sắp tới, nhiều hoạt động XHH trong VHNT được triển khai tổ chức, mang lại hiệu quả cao hơn, thu hút được nhiều hơn sự quan tâm từ công chúng. XHH hoạt động VHNT là đánh thức các tiềm năng của xã hội, nghĩa là không chỉ huy động sự đóng góp về kinh phí mà còn phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân. Kỳ vọng các hoạt động này sẽ mang tính đột phá, mở ra nhiều hy vọng trong nỗ lực XHH VHNT tỉnh nhà.
 
Tuy nhiên, để các hoạt động VHNT được triển khai theo hình thức XHH được dài hơi, có tính bền vững, vẫn còn đó nhiều điều trăn trở và phải “giải” được bài toán khó. Phải làm sao vừa bảo đảm được chất lượng, tôn vinh các giá trị của VHNT, vừa giải quyết thấu đáo bài toán về kinh tế. Thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực, tận tâm đội ngũ văn nghệ sỹ, các nhà tổ chức và cả sự quan tâm, yêu mến của công chúng.
 
Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh, trong khi một số chi hội, phân hội VHNT mạnh dạn đẩy mạnh XHH, vẫn còn đó sự e dè, chưa “thử sức”, trong chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương. Đây cũng là thách thức với các chi hội, phân hội VHNT địa phương trong bối cảnh XHH vẫn còn nhiều trăn trở. Đặc biệt là đối với các chi hội, phân hội ở vùng sâu vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn, sự quan tâm của công chúng dành cho VHNT còn nhiều hạn chế. Thực tế đó đòi hỏi các chi hội, phân hội phải mạnh dạn “tháo bỏ” rào cản, áp dụng nhiều cách thức, giải pháp khác nhau để thông qua XHH, đưa các tác phẩm VHNT đến gần hơn với công chúng.
 
Thời gian tới, để công tác XHH VHNT trên địa bàn tỉnh không còn “chậm chạp”, rất cần những giải pháp dài hơi. Trước hết, cần nhận thức rõ XHH không nên hiểu đơn giản chỉ là huy động sự đóng góp về kinh phí. XHH VHNT chính là đánh thức, phát huy mọi tiềm lực xã hội, biến các hoạt động VHNT trở thành của toàn xã hội, được xã hội quan tâm và nuôi dưỡng.
 
Đây là cả một quá trình lâu dài, không nên nhận thức và xem XHH như một phong trào, một đợt vận động, mà phải tạo cho được những cơ chế chính sách mang tính quy phạm pháp luật, tính khoa học và sự phù hợp với thực tiễn để thực hiện XHH. XHH cũng không được hiểu là Nhà nước “ủy thác” hoàn toàn cho xã hội. Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo định hướng cho các hoạt động VHNT, tài trợ, “đặt hàng” có trọng điểm, đúng lúc, đúng chỗ, góp phần tạo sự cân bằng và thúc đẩy quá trình XHH hoạt động VHNT. Bởi suy cho cùng, những tác phẩm chất lượng mới chính là thành quả cuối cùng của quá trình XHH.
 
Bên cạnh đó, để khơi thông các nguồn lực xã hội cho phát triển VHNT, sẽ không chỉ cần sự năng động của của đội ngũ những người làm nghề, mà còn rất cần sự khơi thông về chính sách và sự nhập cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nhằm đạt được mục tiêu này, rất cần những giải pháp dài hơi.
 
Mai Nhân

tin liên quan

Khai trương Phòng trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các ấn phẩm trong tủ sách có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn cuộc đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Báo chí cách mạng phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh tạo đồng thuận xã hội

Ngày 16/5, tại thành phố Thanh Hóa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2022. Năm vừa qua, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, thể hiện rõ vai trò xung kích, dấn thân trên tuyến đầu.
 

Chương trình nghệ thuật 'Bác Hồ một tình yêu bao la'

Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), vào tối 18/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật "Bác Hồ một tình yêu bao la".