Phát triển văn học-nghệ thuật từ nguồn lực xã hội hóa

  • 07:18 | Thứ Hai, 16/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực tế cho thấy, nhằm thúc đẩy văn học-nghệ thuật (VHNT) phát triển, không thể chỉ mãi đợi chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mà cần sự huy động tất cả các nguồn lực của xã hội cùng tham gia. Do đó, công tác xã hội hóa VHNT vừa đòi hỏi sự chủ động, tích cực, linh hoạt của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, vừa rất cần sự quan tâm, đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp vì mục tiêu cuối cùng, chính là những tác phẩm chất lượng cao, mang lại giá trị chân-thiện-mỹ. Với Quảng Bình, bên cạnh những tín hiệu vui, xã hội hóa VHNT hiện đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và rất cần các giải pháp “dài hơi”.
 
Bài 1: “Rộn ràng” những tín hiệu vui
 
Những năm gần đây, xã hội hóa văn học-nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã có các tín hiệu vui. VHNT bây giờ không chỉ là “địa hạt riêng” của Nhà nước, địa phương, mà đã có sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp. Và quan trọng hơn, không ít sự kiện VHNT được tổ chức theo hình thức xã hội hóa đã có được sự đón nhận nhiệt tình không chỉ từ giới văn nghệ sỹ mà còn cả công chúng yêu nghệ thuật.
 
Chi hội VHNT Ba Đồn-Quảng Trạch thời gian qua nổi lên với chuỗi các hoạt động xã hội hóa (XHH) tạo điểm nhấn và phong cách riêng. Nói như nhà báo Phạm Phú Thép, Chi hội trưởng Chi hội VHNT Ba Đồn-Quảng Trạch, thông qua XHH, nhiều hoạt động, sự kiện VHNT của chi hội được “tiếp sức” để tổ chức thành công. Có thể kể, như: Đăng cai tổ chức Ngày thơ Việt Nam, phát động cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2022, tổ chức buổi giao lưu với nhạc sĩ Trần Tiến, ra mắt “Tuyển tập Phan Xuân Hải”…
 
Từng đó sự kiện là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng của chi hội trong việc lên kế hoạch, tìm nhà tài trợ, khâu quảng bá, tổ chức… Đơn cử như sự kiện có tiếng vang: Buổi giao lưu với nhạc sĩ Trần Tiến. Tưởng như có thời điểm sự kiện khó có thể diễn ra do thiếu nhà tài trợ cùng các nguyên nhân khách quan khác, nhưng cuối cùng, với sự quyết tâm của ban lãnh đạo chi hội và nhiệt huyết của nhạc sĩ Trần Tiến, sự kiện đã diễn ra và thành công ngoài mong đợi, tạo nên một ấn tượng khó phai trong lòng công chúng.
 
Nhà báo Phạm Phú Thép chia sẻ thêm, đối với XHH, tìm nguồn tài trợ và quảng bá chính là những khâu khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao của chi hội. Bên cạnh lựa chọn các chương trình, sự kiện kêu gọi XHH chất lượng, có giá trị nghệ thuật cao, thu hút sự quan tâm của công chúng, việc xây dựng kế hoạch thực hiện bài bản, từ quá trình chuẩn bị, tổ chức cho đến quảng bá, giới thiệu đóng vai trò quan trọng. Nhiều hình thức quảng bá được triển khai linh hoạt, hiệu quả và đúng thời điểm, đúng mục tiêu. Nhờ đó, các chương trình, sự kiện được XHH do chi hội tổ chức hầu hết tạo được điểm nhấn và ghi dấu ấn. Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ của chi hội đã thu hút sự ủng hộ gần 100 triệu đồng.
Cuộc thi “The Vocalist” năm 2022 là sân chơi hấp dẫn các bạn trẻ Quảng Bình. (Ảnh: BTC)Cuộc thi “The Vocalist” năm 2022 là sân chơi hấp dẫn các bạn trẻ Quảng Bình. Ảnh:BTC

Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác XHH, chi hội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền địa phương để nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội, thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của công chúng đến VHNT. Nhiều dự định đang được chi hội xúc tiến triển khai, như: Xuất bản tập san Linh Giang 2 số/năm và tiến tới 3 số/năm; tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại TX. Ba Đồn; tổ chức trại sáng tác, bồi dưỡng văn học trẻ, chú trọng các cây viết còn ngồi trên ghế nhà trường…

Mới đây, một cuộc thi âm nhạc đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ, tạo sức lan tỏa trên mạng xã hội, đó là chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc Quảng Bình lần thứ I-cuộc thi “The Vocalist” năm 2022. Cuộc thi do Thành đoàn Đồng Hới tổ chức, có sự tham gia đồng hành của Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Luyến Huệ Tech, Công ty TNHH Phát triển nghệ thuật Nguyễn Gia và đơn vị truyền thông MeS Media. Với độ tuổi thí sinh từ 16-28, vòng sơ loại của cuộc thi thu hút gần 60 thí sinh đăng ký, sau đó lựa chọn 28 thí sinh vào bán kết và cuối cùng 12 thí sinh xuất sắc đã được chọn vào chung kết, sẽ diễn ra vào ngày 21/5 tới.
 
Cuộc thi “The Vocalist” là một trong những chương trình âm nhạc hiếm hoi của Quảng Bình được đầu tư bài bản, chú trọng từ khâu chuẩn bị, lên kế hoạch cho đến tổ chức thực hiện. Đặc biệt, việc nỗ lực XHH từng khâu trong quá trình triển khai đã mang lại hiệu quả cao, bảo đảm chất lượng của chương trình, với các đơn vị phụ trách chuyên môn, truyền thông, quảng bá, kỹ thuật tổ chức chương trình… Ban Tổ chức cũng rất linh hoạt, sáng tạo trong tìm kiếm nhà tài trợ để bảo đảm kinh phí cho cuộc thi.
 
Thạc sỹ Nguyễn Đình Khóa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát triển nghệ thuật Nguyễn Gia (TP. Đồng Hới) cho biết, đây là cuộc thi có tầm quy mô về chất lượng chuyên môn, hình thức tổ chức, số lượng thí sinh tham gia. Cuộc thi đề cao chuyên môn âm nhạc nhằm định hướng, phát triển tài năng âm nhạc trong giới trẻ, qua đó, góp phần tìm ra các nhân tố mới.
 
Cuộc thi còn là sân chơi để các bạn trẻ được thể hiện tài năng ca hát của mình bằng chính giọng hát và bản lĩnh sân khấu. Ngoài ra, cuộc thi còn góp phần phát triển âm nhạc Quảng Bình, đa dạng hóa sân chơi cho thanh thiếu niên địa phương, thúc đẩy hoạt động văn hóa-văn nghệ của Quảng Bình. Sau cuộc thi này, dự kiến sẽ có chuỗi các chương trình, dự án âm nhạc nữa sẽ được triển khai với nhiều lứa tuổi tham gia, hình thức phong phú, đa dạng.
 
Đó là hai trong nhiều tín hiệu vui của công tác XHH VHNT  trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Nhờ vậy, đời sống VHNT của Quảng Bình đã có những đổi thay rõ nét, tạo dấu ấn, bắt kịp các xu hướng phát triển của VHNT đương đại.
 
XHH các hoạt động VHNT là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tiến trình đổi mới, hội nhập của đất nước nhằm kích thích tiềm năng sáng tạo, huy động nguồn lực toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui rất đáng khuyến khích, hoan nghênh về XHH VHNT, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức.
 
Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh, những thành công về XHH VHNT còn rất ít ỏi, chưa đủ tạo dấu ấn lâu dài. Vẫn còn đó sự trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước, sự thờ ơ, thiếu mặn mà của các đơn vị doanh nghiệp đối với lĩnh vực này… Đặc biệt, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, bài toán XHH lại các trở nên “khó giải” đối với các chi hội, phân hội VHNT địa phương.
 
Mai Nhân
 
Bài 2: Cần những giải pháp “dài hơi” 
 

tin liên quan

Chương trình nghệ thuật 'Bác Hồ một tình yêu bao la'

Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), vào tối 18/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật "Bác Hồ một tình yêu bao la".

Nghệ nhân Võ Quý Quốc: Ra mắt bản phác thảo 2 bức tranh về đề tài Phật giáo và chiến tranh

(QBĐT) - Nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2022, tối 15/5, họa sỹ - kỷ lục gia, nghệ nhân Võ Quý Quốc tổ chức buổi ra mắt bản phác thảo 2 bức tranh về đề tài Phật giáo và chiến tranh, kỷ lục 10mx10m (tại nhà riêng, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới).

Chương trình nghệ thuật 'Người mẹ Làng Sen'

Tối 14/5, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh, Nghệ An), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật "Người mẹ Làng Sen".