Nhớ câu hò kéo nôốc

  • 07:27 | Thứ Tư, 11/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã 20 năm nay, lễ đua nôốc (thuyền độc mộc) trên sông Rào Nậy của một số địa phương thuộc huyện Minh Hóa không còn diễn ra nên việc làm nôốc, kéo nôốc cũng đã tạm dừng. Tuy nhiên, điệu hò kéo nôốc vẫn còn nhiều người dân nhớ, lưu truyền và hò trong những dịp lễ, hội.
 
Để mừng Tết Độc lập và Hội Rằm tháng ba, người dân ở các xã Minh Hóa, Tân Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn vào rừng sâu làm nôốc về đua. Muốn làm được nôốc tham gia lễ hội, trước đó hơn 1 tháng, mỗi làng cử hàng trăm người vào rừng sâu, chọn một cây gỗ to, thẳng, có đường kính trên 1m. Trước khi hạ cây, bà con phải làm lễ cúng thần rừng để xin chặt cây, che chở, bảo vệ cho dân làng trong quá trình ăn, ở, làm nôốc trong rừng. Hạ cây xuống, người đứng đầu làng chọn những người thợ khéo tay, có kinh nghiệm nhất tham gia đục, đẽo. Những người còn lại thì làm những công việc phụ, nấu ăn và hát hò để tạo không khí vui vẻ.
 
Khoảng 10 ngày thì nôốc xong phần thô. Kéo nôốc về làng là công đoạn khó khăn, vất vả. Để kéo nôốc, người dân lấy những thân dây trong rừng bện lại, dài khoảng 20m, gọi là dây trèng. Cách khoảng 1m trên đoạn dây được buộc một que gỗ táu bằng cổ tay, dài khoảng 80cm để 2 người kéo 2 bên. Dưới nôốc, bà con đặt hàng chục con lăn để kéo đi nhẹ nhàng hơn. Trước khi về, dân làng cử một người cao tuổi, có uy tín hò xạ tình chào thần thổ, núi sông để xin đưa nốôc về: “Tới đây xạ thổ xạ thần/Thổ thần ở lại để dân ra về/Chừ nay xạ rú xạ lèn/Xạ ơn chúng bạn, bạn quen ra về”.
 
Kéo nôốc về cũng là dịp vui nhất trên hành trình bởi đây là dịp để người dân thể hiện năng khiếu hò kéo nôốc. Ông Trương Văn Mỡ (89 tuổi), thôn Tân Lý, xã Minh Hoá, người đã hàng chục lần đi kéo và hò kéo nôốc kể: “Hò kéo nôốc được đúc kết từ quá trình lao động, sản xuất. Điệu hò giúp cho con người vơi đi những mệt nhọc, thể hiện nét văn hóa độc đáo, trí tuệ, tài ứng khẩu của người dân nơi đây. Các câu hò đều do người dân sáng tác, thường dựa vào các làn điệu ca dao, thơ lục bát, Truyện Kiều… phù hợp với từng hoàn cảnh. Câu đầu có 6 chữ, câu sau 8 chữ và không giới hạn số câu”.
Đua thuyền trên sông Rào Nậy tại xã Tân Hóa (Minh Hóa) cũng tương tự như đua nôốc ở tổng Kim Linh ngày xưa.
Đua thuyền trên sông Rào Nậy tại xã Tân Hóa (Minh Hóa) cũng tương tự như đua nôốc ở tổng Kim Linh ngày xưa.

Theo ông Mỡ, trước khi vào câu hò chính thường bắt đầu bằng hai từ “hờ hợ”. Hò xong câu đầu tiên, người kéo nôốc đồng thanh hô hai từ “hùi lợ” nhưng chưa kéo. Xong câu hò thứ 2 thì tất cả tiếp tục đồng thanh “hụi lợ, hụi lợ” rồi bung sức kéo. Mỗi đoạn đường kéo nôốc thường có những điệu hò khác nhau. Nếu kéo trên đường bằng thì có điệu hò nhẹ nhàng mang tính đối đáp, giao duyên... “Ai về ai ở mặc ai/Hùi lợ/Còn mình ở lại sáng mai mới về/Hụi lợ, hụi lợ”; hoặc “Hờ hợ/Ra về đừng rẽ phần mười/Hụi lợ/Bạn về nhà bạn chớ cười với ai/Hụi lợ, hụi lợ…”. Khi kéo nôốc lên dốc cần những điệu hò có tính khích lệ tinh thần cao hơn, thúc giục người kéo dồn hết sức mạnh để đưa nôốc qua đoạn đường khó. Trường hợp đó, người dân thường dùng những câu hò mang tính trêu chọc nhau.

Ông Trương Văn Đào, 70 tuổi, người từng tham gia kéo nôốc ở xã Minh Hóa nhớ lại: “Có lần, chúng tôi kéo nôốc từ trong rừng về đi qua một đoạn dốc, cả đoàn người kéo nhưng nôốc không đi. Thấy vậy, một chàng trai chọc cô gái lỡ thời bằng một câu hò: “Hờ hợ/Ngọt ngào chi mít mùa đông/Hụi lợ/Nên gì con gái lộn chồng mà ra/Hụi lợ, hụi lợ". Cô gái liền đáp lại: Hờ hợ/Lỡ thời thì phải theo thời/Hụi lợ/Con quan cũng lỡ huống gì con dân/ Hụi lợ, hụi lợ”...
 
Khi nôốc kéo về, cả làng ra đón, hát hò vui như trẩy hội. Những ngày sau đó, dân làng tụ tập lại làm phần “nguội” sao cho nôốc gọn, nhẹ, nhẵn và đạt được tốc độ cao nhất trong quá trình đua. Nôốc làm xong có chiều dài từ 14-17m. Sau đó, bà con lấy bùn đắp vào, xông lửa đủ 3 ngày 3 đêm cho nôốc khô nước, không nứt nẻ và mở miệng nôốc rộng ra...
 
Ông Trương Đình Huê, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết: “Hò kéo nôốc còn được hò trong các dịp dựng nhà mới, kéo gỗ về làm nhà hay khi có việc nặng nhọc, tập trung đông người. Đơn cử như năm 1981, chiếc máy cày của Nhà nước xuống giúp hợp tác xã Tân Lạc làm đất sản xuất nhưng chẳng may trượt xuống hố sâu. Lúc đó, huyện điều một cái máy xúc xuống nhưng không thể kéo lên được. Thấy vậy, tôi đã huy động hơn 50 người đến vận dụng điệu hò kéo nôốc mới đưa được chiếc máy cày lên.”
 
Giờ đây, lễ hội đua nôốc không còn tổ chức nữa nhưng điệu hò kéo nôốc vẫn được nhiều người lưu giữ, hò, nhắc lại cho con cháu trong những dịp lễ, Tết, hay những dịp vui tụ họp đông người. Ông Trần Cửu Long, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Hóa cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều người biết và hò các làn điệu dân ca truyền thống của địa phương, như: Hò thuốc cá, hát sắc bùa, hò kéo nôốc... Để lưu giữ và phát triển các làn điệu này, Đảng ủy, UBND xã cũng đã chủ trương các trường học trên địa bàn đưa những điệu dân ca này vào để giới thiệu, truyền dạy cho thế hệ trẻ”.
 
"Lễ đua nôốc truyền thống tại tổng Kim Linh (Minh Hóa) ngày xưa diễn ra trên sông Rào Nậy. Trước năm 1954, lễ hội thường diễn ra vào dịp Rằm tháng ba âm lịch hàng năm. Sau năm 1954, lễ hội chuyển sang tổ chức vào dịp Tết Độc lập 2/9. Tham gia đua nôốc gồm có 5 làng: Cổ Liêm, Lạc Thiện, Tân Lý, Kim Bảng xã Minh Hóa và làng Yên Thọ xã Tân Hóa. Đội vô địch cuộc đua chỉ nhận được chiếc cờ lưu niệm của Ban Tổ chức nhưng trai đua và dân làng nơi đó đều rất vui, hạnh phúc…", ông Trương Đình Huê, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết thêm.

Xuân Vương

tin liên quan

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son thành công tốt đẹp

(QBĐT) - Sáng 30/4, tại bến phà Xuân Sơn (thị trấn Phong Nha), huyện Bố Trạch tổ chức thành công lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son lần thứ V. 

Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập

(QBĐT) - Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. 

Đại thắng Mùa Xuân 1975

(QBĐT) - Trong những ngày tháng 4 này, lòng chúng ta ai cũng hân hoan trào dâng những niềm vui bất tận khi nhớ về cách đây 47 năm với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đất nước ta đã thống nhất trọn vẹn, non sông ta thu về một mối, nhân dân hai miền Nam-Bắc sum họp một nhà thỏa lòng ước mong tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu từ 6 năm về trước trong lời chúc Tết xuân Kỷ Dậu năm 1969 trước lúc Người đi xa: "Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào/Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn".