icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

  • 12:09 | Thứ Năm, 11/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là chủ đề hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp (DN) và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, diễn ra sáng nay, 11/8.
 
Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP. Hà Nội có các phó thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng DN, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế.
 
Mục tiêu hội nghị nhằm chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua; ghi nhận sự đồng hành, hỗ trợ, đóng góp của các DN đối với việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. 
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang phải tiếp tục chịu sự tác động của nhiều yếu tố như nguy cơ lạm phát, giá cả thị trường tăng cao,... Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển, lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình phát triển DN 7 tháng đầu năm 2022 và một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN thời gian tới. Theo đó, 7 tháng năm 2022 có 130 nghìn DN gia nhập, quay trở lại thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
15/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, bao gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 38,6%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 33,3%; hoạt động dịch vụ khác tăng 31,7%... Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2022 gần 621 nghìn lao động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Tính đến tháng 7/2022, cả nước có 871.275 DN đang hoạt động. Trong đó, gần 12 nghìn DN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với số vốn đăng ký 510 nghìn tỷ đồng; hơn 272 nghìn DN trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với số vốn đăng ký 8,8 triệu tỷ đồng; hơn 587 nghìn DN trong lĩnh vực dịch vụ, tổng vốn đăng ký 13,6 triệu tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các phó thủ tướng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các phó thủ tướng chủ trì hội nghị.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, rào cản về pháp lý, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
 
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn…
Đại biểu các điểm cầu phát biểu tại hội nghị.
Đại biểu các điểm cầu phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phản ánh những khó khăn và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ DN thời gian tới, như: Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng cho người lao động; nghiên cứu phương án giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; đơn giản hóa tối đa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm giúp DN giảm thời gian, chi phí; tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là DN thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu và giải pháp cụ thể để ổn định kinh tế vĩ mô; kéo dài thời gian hỗ trợ tài chính cho các DN nhỏ và vừa…

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp to lớn của cộng đồng DN đối với việc thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế đất nước thời gian qua.
 
Về một số giải pháp có tính dài hạn nhằm hỗ trợ DN, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo trong DN nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.
 
Các bộ, ngành, địa phương chủ động bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu ổn định phát triển kinh tế; tập trung hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong thời đại công nghiệp 4.0; tăng cường các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt triển khai những giải pháp, chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu xu hướng kinh doanh mới, thị trường mới.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Nắng nóng tạo thêm sức ép tăng giá năng lượng tại châu Âu

Các đợt nắng nóng liên tiếp và thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất năng lượng hạt nhân, thủy điện và năng lượng gió ở châu Âu. 

Bộ Quốc phòng Nga thông báo về sự kiện Army Games 2022

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Đại tướng Pavel Popov cho biết 72 quốc gia đã xác nhận sự tham gia của các phái đoàn quân sự chính thức tại các sự kiện quan trọng.

Dự kiến trình Bộ Chính trị dự án đường sắt tốc độ cao trong tháng 9

Ngày 10/8, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022, dự kiến trong tháng 9 tới, Bộ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao bắc-nam.