Bàn giải pháp phát triển các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(QBĐT) - Sáng nay, 19/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự (ANTT) các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và vùng miền núi (MN) của tỉnh.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo 18 xã, thị trấn biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức vào ngày 19/5, là ngày sinh nhật Bác kính yêu, đồng thời hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2022), cũng là ngày đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn mang họ Bác Hồ, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các DTTS. Ghi nhớ lời Bác dạy, những năm qua Quảng Bình đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển KT-XH các xã biên giới, ĐBDTTS và MN của tỉnh. Đánh giá khái quát những thành tựu của tỉnh trong công tác phát triển KT-XH, chăm lo cho đời sống đồng bào, những khó khăn, hạn chế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Để thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo đảm ANTT, tương xứng với tầm quan trọng, vị trí chiến lược của các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan tham mưu hoàn thành báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và vùng MN của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ nội dung báo cáo và dự thảo Nghị quyết, tập trung thảo luận để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết nhằm sớm cụ thể hóa, triển khai thực hiện để đưa các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh ngày càng phát triển.
Vùng ĐBDTTS và MN tỉnh ta có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.845km2, trong đó có 9 xã có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài trên 222km; tổng dân số gần 11.000 hộ, 45.400 người. ĐBDTTS sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy với 6.417 hộ, 27.004 người. Dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt là hai DTTS có số dân đông nhất với trên 26.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,52%.
Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, KT-XH của đồng bào có nhiều khởi, sắc, QP-AN được giữ vững. Đồng bào tin tưởng, đồng thuận, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Song bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sự quan tâm hơn nữa để nâng cao đời sống, phát triển KT-XH bền vững cho đồng bào, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT…
Hội nghị đã nghe đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Bảo trình bày dự thảo nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và vùng MN của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 gồm có 4 phần, gồm đánh giá tình hình, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, tổ chức thực hiện. Dự thảo nghị quyết được xây dựng sát với thực tiễn các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN; các nhóm giải pháp khoa học, đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và đồng bào.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự phấn khởi bởi sự quan tâm của tỉnh đối với hành trình phát triển của các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN. Các ý kiến đánh giá cao nội dung báo cáo và dự thảo Nghị quyết đồng thời có một số kiến nghị, đề xuất, nhằm bổ sung hoàn thiện báo cáo, dự thảo Nghị quyết. Trong đó, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề đất ở, đất sản xuất, các mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào; các chính sách hỗ trợ con em, cán bộ trong đào tạo và việc làm; việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch, khôi phục các ngành nghề truyền thống… Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã giải đáp đối với một số kiến nghị, đề xuất của các địa phương; bổ sung các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Các ý kiến của đại biểu rất xác đáng, tỉnh sẽ tiếp thu và chỉ đạo cơ quan tham mưu xem xét, tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Tóm lược lại nội dung trọng tâm tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu lên 7 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đồng thời khẳng định việc ban hành nghị quyết là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, có ý nghĩa báo công dâng Bác nhân kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Đồng chí đề nghị các đại biểu cần tiếp tục phát huy năng lực, trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, cùng với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, xây dựng các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh ngày càng phát triển.
Ngọc Mai