Phấn đấu đến năm 2025, có 45% lực lượng lao động tham gia BHXH
Theo báo cáo tổng kết tình hình thực hiện NQ 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt NQ 21; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, thực hiện được ban hành kịp thời và nội dung tuyên truyền bảo đảm đúng định hướng, bám sát tinh thần NQ; công tác tuyên truyền được tiến hành hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết được chú trọng và nghiêm túc.
Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT; đồng thời, thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong NQ 21 và mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, đến cuối năm 2020, cả nước có trên 16,18 triệu người tham gia BHXH, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,62 triệu người so với năm 2012, trong đó, 15,06 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện là 1,12 triệu người (tăng gấp 10 lần so với năm 2012).
Số người tham gia BH thất nghiệp là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012, đạt 27% so với lực lượng lao động. Số người tham gia BHYT là 88 triệu người, chiếm 90,97% dân số, tăng 29 triệu người từ năm 2012 đến 2020. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012-2020 theo NQ 21…
Bên cạnh đó, công tác BHXH, BHYT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Diện bao phủ BHXH thấp, chưa đạt được mục tiêu NQ đề ra và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, các vùng trong cả nước; đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững...
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT, tiến tới thực hiện BHXH, BHYT toàn dân; tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH, BHYT theo hướng tin gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu, để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với mọi đối tượng; gắn thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19…
Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong điều kiện nước ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong xu hướng đó, cần có sự tham gia, chia sẻ của các thành phần kinh tế trong xã hội, sự chung tay của mọi người dân; tiếp tục cải cách chính sách BHXH cũng như đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT nhằm gia tăng độ bao phủ BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người dân…
N.L