icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện "ông bầu" đội bóng chuyền xã Lý Ninh xưa

  • 07:47 | Thứ Bảy, 02/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một sáng cuối tháng 9-2021, tôi ghé thăm “ông bạn già” tại tổ dân phố 2, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới. Gọi là “Ông bạn già” vì ông lớn hơn tôi 10 tuổi. Năm 1968, đơn vị của tôi đóng quân trên quê của ông (xã Lý Ninh cũ) nên biết và thân ông từ đó. Hơn nữa, ông lại là “sếp” của tôi từ hồi sau năm 1975 khi tôi rời quân ngũ về nhận công tác tại Thị đoàn. Thời điểm đó, ông đã là Phó Bí thư Thị ủy Đồng Hới. Đó là ông Nguyễn Giáp-cán bộ hưu trí. Năm nay đã 85 tuổi nhưng ông rất minh mẫn, dáng người vẫn cao ráo, nhanh nhẹn, hoạt bát.
 
Bên cốc nước chè với bao kỷ niệm cũ thời đang công tác, câu chuyện của chúng tôi dần dần“chuyển làn” sang lĩnh vực thể thao của mấy chục năm về trước trên mảnh đất Lý Ninh, khi đó, ông là một chàng trai 20 tuổi.
 
Năm 1954,  thị xã Đồng Hới được giải phóng. Xã Lý Ninh lúc đó thuộc về huyện Quảng Ninh nhưng vị trí lại nằm hướng Tây Bắc, sát ngay thị xã. Không khí hòa bình và các phong trào hoạt động văn-thể-mỹ được nhân rộng khắp nơi đã tác động mạnh đến xã Lý Ninh. Đặc biệt là phong trào thể thao, mà đáng kể nhất là bộ môn bóng chuyền, gần như phổ cập trong lực lượng trẻ.
 
Ở xã Lý Ninh, mỗi thôn đều có một sân bóng chuyền. Cứ chiều chiều, từ các sân bóng lại vang lên tiếng còi của trọng tài, tiếng reo hò cổ vũ động viên của dân làng. Tại thời điểm đó, ông là một cán bộ trẻ của xã, luôn hăng say với phong trào. Thông qua thi đấu, tuyển chọn, xã đã thành lập được đội bóng chuyền.
Cuộc gặp mặt truyền thống của các cựu tuyển thủ đội bóng chuyền xã Lý Ninh(ông Nguyễn Giáp đứng hàng sau, thứ nhất từ trái sang).
Cuộc gặp mặt truyền thống của các cựu tuyển thủ đội bóng chuyền xã Lý Ninh(ông Nguyễn Giáp đứng hàng sau, thứ nhất từ trái sang).
Ông được giao trách nhiệm phụ trách đội bóng. Với phương châm “tự cung-tự cấp”, ông đã vận động và cùng với các cầu thủ khắc phục khó khăn, phát huy đam mê…, đưa hoạt động của đội bóng chuyền ngày càng phát triển và có hiệu quả. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Lý Ninh. Mặc dù phải trực tiếp chỉ đạo HTX sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chăm lo đời sống của bà con xã viên…, nhưng ông vẫn không “lơ là trách nhiệm” đối với hoạt động của đội bóng chuyền.
 
Để “nuôi”cho đội bóng “sống và phát triển”, ông vận động HTX hỗ trợ một ít công điểm, sự giúp đỡ của các “mạnh thường quân” trong xã, động viên các cầu thủ tự túc trang phục thi đấu…
 
Theo ông Giáp, dù khó khăn là vậy nhưng đội hình của bóng chuyền Lý Ninh có một “dàn” cầu thủ mang tính đa dạng, “công-thủ” toàn diện, như: Nguyễn Minh, Phạm Cờn, Công Bằng, Trương Viết Chủng, Nguyễn Tẻo… Đội có nhiều “cây chuyền hai” sắc sảo, nhưng điêu luyện nhất phải nói đến tài nghệ của “tay nêu” Lưu Đức Thuận.
 
Đó là một cầu thủ nhỏ nhắn nhưng lại như một “con sóc” giữa sân bóng. Trong hoàn cảnh nào Lưu Đức Thuận cũng “dọn cỗ” giúp cho hàng tấn công ghi điểm trước đội bạn. Ngoài ra, “thế mạnh” của đội còn có những quả phát bóng “tầng không” độc đáo! Cầu thủ đứng quay lưng lại với đối phương, quả bóng được tung vút lên cao gần 10m mới rơi xuống làm cho đối phương nhiều phen bất ngờ bối rối…
 
Năm 1962, tại giải bóng chuyền cơ sở khu vực Quảng Bình-Vĩnh Linh, đội tuyển của xã Lý Ninh (nhất Quảng Bình) lần đầu tiên tham gia một giải lớn đã thắng đội Vĩnh Linh và giành chức vô địch khu vực.
 
Năm 1963, một lần nữa, đội bóng chuyền xã Lý Ninh lại được vinh dự tham gia giải bóng chuyền nông thôn miền Bắc (tổ chức tại Ninh Bình).
 
Tiếng tăm của “Đội tuyển bóng chuyền xã Lý Ninh” từ đó đã có “thương hiệu”, được khán giả ngưỡng mộ. Là một cán bộ lãnh đạo đồng thời cũng là một cầu thủ trên sân bóng, ông luôn tổ chức cho đội bóng đi giao lưu, thi đấu với các đội bạn trong huyện và các địa phương trong, ngoài tỉnh.
 
Không những thế, phong trào thể thao của xã Lý Ninh cũng đã cung cấp nhiều lứa cầu thủ trẻ cho các đội tuyển mạnh của tỉnh, như: Công Bằng, Trương Viết Chủng (bóng đá Tỉnh đội), Nguyễn Lương Tính (bóng chuyền Tỉnh đội)...
 
Sau khi thôi chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Lý Ninh, ông được điều động lên huyện Quảng Ninh, đảm nhận trách nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy.
 
Sau ngày giải phóng miền Nam, ông được Tỉnh ủy Bình Trị Thiên điều động về làm Phó Bí thư Thị ủy Đồng Hới. Đến năm 1982, ông tham gia đoàn chuyên gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Ông nghỉ hưu năm 1997 với chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh.
 
Xã Lý Ninh ngày nào nay chia thành 2 phường (Bắc Lý và Nam Lý). Phong trào thể thao vẫn luôn được phát huy truyền thống trên địa bàn 2 phường. Những cầu thủ đội bóng chuyền của ông năm xưa nay đều đã ở tuổi trên thất thập. Một số người đã đi xa…
 
Hàng năm, ông và các thành viên vẫn duy trì tổ chức gặp mặt các “cựu binh” của đội bóng chuyền xã Lý Ninh. Tại đây, những mái đầu bạc chụm bên nhau, miên man theo câu chuyện rôm rả, ôn lại truyền thống của những ngày còn trai trẻ, tung hoành ngang dọc trên sân bóng năm nào…Với ông Nguyễn Giáp, dù nay đã bước sang tuổi 85, 65 năm tuổi Đảng, nhưng những kỷ niệm đó không bao giờ phai nhạt…
 
Trung Bảo Nhật

tin liên quan

Đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự vòng chung kết Asian Cup 2022

Đội tuyển nữ Việt Nam khép lại vòng loại giải bóng đá nữ vô địch châu Á 2022 với thành tích toàn thắng, qua đó giành quyền vào vòng chung kết diễn ra tại Ấn Độ.

Tuyển Việt Nam sẵn sàng cho trận gặp tuyển Trung Quốc

Đình Trọng đã hồi phục, các cầu thủ mới được bổ sung là Thanh Thịnh và Xuân Mạnh bắt nhịp nhanh với guồng quay mới, từng thành viên của tuyển Việt Nam đang hết sức nỗ lực để được điền tên vào danh sách tới UAE để chuẩn bị cho trận đấu gặp đội tuyển Trung Quốc và tiếp đó là trận đấu gặp đội tuyển Oman tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.

AFF Cup 2020: Sẽ chọn Thái Lan hoặc Singapore là nước chủ nhà

Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á sẽ chọn Thái Lan hoặc Singapore làm chủ nhà để tổ chức thi đấu tập trung AFF Cup 2020 diễn ra vào cuối năm nay.