Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2023:

Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

  • 07:14 | Thứ Sáu, 24/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào ngày 24/3/1882, tại Berlin, Tiến sĩ Robert Koch (người Đức) đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này. Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế-xã hội; đồng thời thúc đẩy các quốc gia nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
 
 “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”
 
Đó là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2023 trên toàn cầu “YES! WE CAN END TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao). Thông điệp này mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ: Việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể! Năm 2023, là một năm rất quan trọng để các quốc gia cùng vào cuộc, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao, cứu sống thêm hàng triệu người. 
Bác sĩ CDC Quảng Bình khám, tư vấn điều trị về bệnh lao cho bệnh nhân.
Bác sĩ CDC Quảng Bình khám, tư vấn điều trị về bệnh lao cho bệnh nhân.
Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong 2 năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ.
 
Đại dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu. Từ mức cao nhất là phát hiện 7,1 triệu người bệnh năm 2019, đã giảm xuống 5,8 triệu vào năm 2020. Năm 2021, số phát hiện bệnh nhân lao đã phục hồi 1 phần, lên mức 6,4 triệu người . Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450.000 trường hợp mắc mới.
 
 Việt Nam chiến thắng bệnh lao!
 
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2023, Việt Nam đưa ra thông điệp “Việt Nam chiến thắng bệnh lao!”, đây như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
 
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021 (báo cáo của WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
 
Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao. 
CDC Quảng Bình tăng cường khám, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng.
CDC Quảng Bình tăng cường khám, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng.
Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG), hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện mới chỉ đạt 60%, còn tới 40% số bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện.
 
Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lạc đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. 
 
Như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. WHO ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. Cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 được ước tính là hơn 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%. 
 
Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, CTCLQG dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. 
Bác sĩ CKI Trần Thế Anh (CDC Quảng Bình): Giai đoạn từ năm 2011-2022, bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được điều trị thành công đạt tỷ lệ trên 95%.
Bác sĩ CKI Trần Thế Anh (CDC Quảng Bình): Giai đoạn năm 2011-2022, bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh được điều trị thành công đạt tỷ lệ trên 95%.
 
Quảng Bình tăng cường phát hiện bệnh lao
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lao và là đầu mối triển khai các hoạt động của CTCLQG trên địa bàn tỉnh cho biết, dịch tễ lao ở Việt Nam hiện còn cao, vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Đặc biệt, 2 năm diễn ra dịch Covid-19 (2020-2021), công tác phòng, chống lao tại Quảng Bình cũng như cả nước nói chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
 
Covid-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong có thể đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. 
Chụp X-Quang kiểm tra lao và bệnh phổi tại Phòng khám đa khoa CDC Quảng Bình.
Chụp X-Quang phát hiện sớm lao và bệnh phổi tại Phòng khám đa khoa CDC Quảng Bình.
Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bệnh viện Phổi Trung ương, CTCLQG, Quảng Bình đã tích cực triển khai Chiến lược 2X (X-quang di động và hệ thống xét nghiệm Xpert), phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao. Với sự hỗ trợ này, năm 2021, Quảng Bình đã phát hiện và đưa và điều trị 638 bệnh nhân lao các thể, tương đương 71,16 ca/100.000 dân, giảm 23,96% so với năm 2020 (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). 
 
Năm 2022, khi đã giảm tác động của dịch Covid-19, CDC Quảng Bình tranh thủ mọi nguồn lực, nhất là từ Quỹ toàn cầu Phòng, chống lao, chủ động sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn cho người già, bệnh nhân tiểu đường, người nghèo, người hút thuốc lá, người sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm Methadone... Đồng thời, triển khai hoạt động khám phát hiện chủ động tại cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh bằng chiến lược 2X, với hơn 12.000 lượt người được khám và đã phát hiện, đưa vào điều trị 807 bệnh nhân lao các thể, tương đương 89,46 ca/100.000 dân, tăng 26,48% so với năm 2021.
 
Đặc biệt, lực lượng phòng, chống lao Quảng Bình đã tiếp cận xu hướng chẩn đoán và điều trị mới, nâng cao năng lực mạng lưới phòng, chống lao và hệ thống chẩn đoán, nên giai đoạn từ năm 2011-2022, bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh được điều trị thành công đạt tỷ lệ trên 95% (cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước là 90%), giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do lao.  
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Phòng khám lao và bệnh phổi (CDC Quảng Bình) đã khám, phát hiện đưa vào quản lý, điều trị 39 bệnh nhân lao mới.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Phòng khám lao và bệnh phổi (CDC Quảng Bình) đã khám, phát hiện đưa vào quản lý, điều trị 39 bệnh nhân lao mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, dịch tễ bệnh lao trong cộng đồng ở tỉnh ta vẫn còn cao, khoảng 176/100.000 dân. Ước tính thời gian qua, chương trình chống lao của tỉnh chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tình hình mắc lao ở người trẻ tuổi có chiều hướng gia tăng; lao/HIV, lao/đái tháo đường và lao kháng thuốc… đang là những vấn đề đáng lo ngại.
 
Theo Giám đốc CDC Quảng Bình: Việc phát hiện sớm và đưa vào điều trị là mấu chốt trong công tác chống lao. Vì vậy, để đạt mục tiêu phòng, chống lao giai đoạn 2023-2025 của tỉnh, rất cần sự chủ động của cộng đồng, tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn các nguồn lây, xóa bỏ rào cản tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, điều trị... Nói cách khác, để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, đòi hỏi các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội cùng phối hợp hành động; tăng cường công tác truyền thông giảm thiểu kỳ thị, mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ cho người dân, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ điều trị. 
 
Trong những năm qua, CDC Quảng Bình đã đầu tư về mặt nhân lực, kinh phí, trang thiết bị vật tư cho các hoạt động khám, xét nghiệm, cũng như công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao… cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người có nguy cơ cao, người sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm cho tất cả người dân được khám kịp thời, phát hiện chủ động bệnh lao và điều trị.  
Với hệ thống xe X-quang kỹ thuật số di động, CDC Quảng Bình có thể tiếp cận, thực hiện Chiến lược 2X ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Với hệ thống xe X-quang kỹ thuật số di động, CDC Quảng Bình có thể tiếp cận, thực hiện Chiến lược 2X ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, ngoài công tác khám phát hiện thường quy tại các cơ sở y tế, chương trình chống lao của tỉnh đang triển khai Chiến lược 2X phát hiện sớm bệnh lao, với hệ thống xe X-quang kỹ thuật số di động có thể tiếp cận những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, xét nghiệm GeneXpert là một kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao để phát hiện bệnh lao, lao kháng đa thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng trên toàn thế giới.
 
Cùng với đó, từ ngày 1/7/2022, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh đã thực hiện việc khám, chữa bệnh lao thanh toán chi phí từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế theo TT36-2021/TT-BYT, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả giảm gánh nặng cho người bệnh lao. Qua đó, giúp bảo đảm công bằng cho người bệnh, nhất là những người bệnh lao có thẻ BHYT.
 
Trước đó, ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt lao, chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ngành, đoàn thể tham gia công cuộc phòng, chống bệnh lao.
 
Hiện CTCLQG Việt Nam có 53 bệnh viện chuyên khoa ở cả Trung ương lẫn địa phương, với hơn 19.000 cán bộ chống lao, phổi đã qua đào tạo. Như vậy, mục tiêu “Chấm dứt bệnh lao vào năm 2035” của Việt Nam tin tưởng sẽ thành công!
 
“Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB" được thành lập vào ngày 16/3/2018. Đây là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Trong 5 năm qua, Quỹ PASTB đã hỗ trợ hơn 7.400 người bệnh, với số tiền 8,5 tỷ đồng; mua hơn 470 thẻ BHYT cho người bệnh lao chưa có thẻ. 
 
Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) hàng năm, Quỹ PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 tổ chức chương trình kêu gọi ủng hộ người bị bệnh lao bằng hình thức nhắn tin trong thời gian 2 tháng (bắt đầu từ ngày 15/3 đến hết ngày 13/5/2023). Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn). Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. 
Nội Hà

tin liên quan

Quảng Bình đang quản lý, điều trị 270 bệnh nhân nhiễm HIV

(QBĐT) - Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Bình, đến nay, số người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh là 473 trường hợp.

Nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

(QBĐT) - Tuy vẫn còn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Y tế tỉnh vẫn đang nỗ lực từng ngày chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân sau đại dịch Covid-19.
 

Hơn 428.000 đối tượng được ký số hộ chiếu vắc xin

(QBĐT) - Hiện, ngành Y tế vẫn tiếp tục hoàn thành việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, ký xác nhận hộ chiếu vắc xin và cập nhật dữ liệu tiêm chủng vào hệ thống Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia.