Minh Hóa: Cảnh báo tình trạng người dân bị ong đốt

  • 07:56 | Thứ Tư, 24/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tại huyện Minh Hóa, từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm mùa ong làm tổ và sinh sản, đây cũng là lúc nhiều người dân bị ong đốt phải nhập viện điều trị.
 
Tại Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa đang điều trị cho bệnh nhân Đinh Minh Ch. ở tổ dân phố 6, thị trấn Quy Đạt bị ong đốt và sốc phản vệ. Ông Ch. cho biết, vườn của gia đình có một tổ ong khá to, do bất cẩn ông bị 10 con ong tấn công ở tay. Sau khi bị ong đốt, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó thở. Gia đình đưa ông xuống khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa và được các y bác sĩ xử lý kịp thời, nay ông đã tỉnh táo và sức khỏe dần hồi phục.  
 
Cùng khoa với ông Ch. còn có bệnh nhân Trương Thị L., ở xã Trung Hóa. Sau một lần đi cắt cỏ cho trâu, bò, bà đã bị một đàn ong đốt khắp người. Ban đầu, toàn thân bà bị sưng, đau nhẹ nên bà gắng gượng, tuy nhiên, sau đó dần bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khá nặng, như đau đầu, khó thở... Dù bà đã dùng các biện pháp theo kinh nghiệm dân gian, nhưng sức khỏe ngày càng yếu. Sau khi được đưa xuống bệnh viện cấp cứu, bà đã qua cơn nguy kịch và hiện đang được các y bác sĩ chăm sóc chu đáo.
Ông Đinh Minh Ch. bị ong đốt phải nhập viện điều trị.
Ông Đinh Minh Ch. bị ong đốt phải nhập viện điều trị.
Theo thống kê, từ đầu tháng 7 đến nay, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa đã tiếp nhận gần 30 trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị tích cực với các loại ong khác nhau. Hầu hết người dân bị ong đốtdo vô tình dẫm, đạp hoặc va vào tổ của các loại ong.
 
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa cho biết: Các bệnh nhân đến nhập viện đều trong tình trạng đau nhiều tại các nốt đốt, nổi mẩn ngứa toàn thân, tức ngực, khó thở, đau bụng, huyết áp tụt, hoa mắt, choáng váng... Bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa nhưng cũng có người phải áp dụng các biện pháp điều trị chống sốc phản vệ.
 
Thực tế cho thấy, trước đây, không ít người dân còn chủ quan khi bị ong đốt, đến bệnh viện muộn khi đã xuất hiện các triệu chứng nặng, tổn thương thận cấp, dẫn đến quá trình điều trị rất khó khăn, tốn kém và để lại hậu quả lâu dài.
 
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cố gắng tránh bị ong đốt, không nên đi bắt ong, chọc tổ ong, nếu đi cần có bảo hộ cẩn thận. Trường hợp bị ong đốt nên lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc sử dụng nhíp, rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng với nước sạch, có thể bôi dung dịch sát trùng Povidine 10%, cồn 70 độ lên vết đốt. Nên uống nhiều nước để thải bớt độc tố. Nếu bị đốt nhiều nốt, đốt ở vùng đầu, mặt, cổ và có các biểu hiện khó chịu, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị, tư vấn kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng.
 
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

Bộ Y tế ra hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
 

Số mắc COVID-19 gia tăng trở lại, nhiều ca trong tình trạng nặng

Xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 đã tăng lên trong những ngày đầu tháng 8/2022, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine chiếm 23-25% ở các tuyến.

"Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững"

(QBĐT) - Sáng 21/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối đến hàng trăm điểm cầu trên toàn quốc về "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững".