Bố Trạch: Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

  • 07:37 | Thứ Năm, 11/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Bố Trạch, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng gia tăng. Để ngăn ngừa bệnh lây lan trên diện rộng, UBND huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống.
 
Hạ Trạch là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh SXH nhiều nhất trên địa bàn huyện Bố Trạch. Trước tình hình bệnh SXH có nguy cơ tăng mạnh, UBND xã đã ban hành kế hoạch phòng, chống SXH tại địa phương.
 
Thực hiện nội dung chỉ đạo của xã, các đoàn thể, đơn vị trên địa bàn đã phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), bảo đảm tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có bệnh và nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý. Các thôn phát động tổng dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, tiến hành phun hóa chất diệt lăng quăng, hạn chế sự lây lan ký sinh trùng gây bệnh.
 
Ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết: “Việc diệt lăng quăng đã được xã triển khai đồng loạt. Bên cạnh đó, xã cũng chỉ đạo các đoàn thể, thôn, xóm định kỳ mỗi tuần một lần làm vệ sinh cho đến khi hết bệnh SXH; chỉ đạo trạm y tế tổ chức đánh giá tình hình bệnh SXH trên địa bàn, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh, xử lý triệt để các ổ bệnh không để bùng phát diện rộng; theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe của người bệnh, kịp thời có phương án điều trị phù hợp…”.
 Phun hóa chất ngăn ngừa, xử lý các ổ dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Phun hóa chất ngăn ngừa, xử lý các ổ dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện Bố Trạch.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch, từ tháng 5/2022 đến ngày 9/8/2022, toàn huyện có 254 ca mắc bệnh SXH tại 20/28 xã, thị trấn, một số địa phương có ca mắc cao, như: Xã Vạn Trạch, Hạ Trạch, thị trấn Hoàn Lão…

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch cho biết, để chủ động phòng, chống bệnh SXH, ngay từ đầu năm, trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh SXH; mua vật tư thuốc men, hóa chất để chủ động phòng, chống dịch; điều tra côn trùng hàng tháng tại các xã trọng điểm, từ đó đưa ra nhận định tình hình dịch trên địa bàn. Đơn vị cũng phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện chỉ đạo trạm y tế các địa phương tăng cường công tác giám sát ca bệnh nghi ngờ mắc SXH nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, chú trọng các xã, thị trấn có ổ dịch SXH cũ từ các năm trước, như: Hoàn Lão, Trung Trạch, Đức Trạch, Đại Trạch, Vạn Trạch…
 
Khi tình hình ca bệnh gia tăng, xuất hiện tại nhiều xã, thị trấn, Trung tâm Y tế huyện đã báo cáo UBND huyện, tiếp tục tham mưu văn bản chỉ đạo UBND xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH, thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường; chỉ đạo trạm y tế giám sát ca bệnh, điều tra chỉ số côn trùng; tiến hành phun hóa chất xử lý các ổ dịch theo quy mô thôn, xóm. Các đơn vị, địa phương cũng tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ, triệu chứng, muỗi truyền bệnh SXH cho cộng đồng, hướng dẫn cụ thể về cách thức tìm, diệt lăng quăng ở những dụng cụ chứa nước tại các hộ gia đình…
 
Bố Trạch là huyện có địa bàn rộng, dân số đông, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình có thói quen trữ nước trong bể để sử dụng dài ngày... nên việc diệt lăng quăng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường làm các vật dụng đọng nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, làm nguy cơ bệnh SXH cao.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, để ngăn ngừa bệnh SXH lây lan trên diện rộng, Trung tâm Y tế huyện sẽ tiếp tục tăng cường giám sát tình hình bệnh SXH trên địa bàn, bảo đảm phát hiện sớm trường hợp mắc để tổ chức xử lý triệt để các ổ dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, không để dịch bùng phát và lan rộng, kéo dài.
 
Khi có ca bệnh, đơn vị sẽ chủ động lấy mẫu máu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm để có hướng xử lý kịp thời; tổ chức điều tra côn trùng tại các xã có nguy cơ cao, ổ dịch cũ để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức thu dung điều trị ca bệnh độ I, II tại các trạm y tế xã, thị trấn theo phác đồ của Bộ Y tế; bảo đảm thiết bị, vật tư, hóa chất, test chẩn đoán nhanh SXH, sẵn sàng đáp ứng nhanh khi có dịch xảy ra…
 
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua muỗi đốt. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và hồi phục. Giai đoạn sốt: Người bệnh xuất hiện sốt cao đột ngột 39-400oC, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt; da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da. Giai đoạn nguy hiểm (hay còn gọi là giai đoạn xuất huyết):Thường vào ngày 3-7 của bệnh, là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra, cần theo dõi sát sao. Giai đoạn hồi phục: Người bệnh hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, tổng trạng tốt lên, xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.

Lê Mai

tin liên quan

Hơn 65.000 người nhiễm virus giống chủng SARS-CoV ở Đông Nam Á mỗi năm

Các nhà khoa học ước tính trung bình khoảng 66.000 người bị nhiễm SARSr-CoV mỗi năm ở Đông Nam Á, cho thấy rằng sự lây lan SARSr-CoV từ dơi sang người là phổ biến trong khu vực.

Dân số Nhật Bản giảm với tốc độ kỷ lục

Theo thống kê do Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố ngày 9/8, dân số nước này tính đến ngày 1/1/2022 là 125,93 triệu người - giảm 726.342 người so với 1 năm trước đó (tương đương 0,57%).
 

Tiêm vắc-xin mũi 4 phòng Covid-19 cho người khuyết tật

(QBĐT) - Sáng 9/8, tại điểm tiêm Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người khuyết tật.