Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cảnh báo nhiều nước có thể chìm trong cuộc khủng hoảng đa chiều

  • 14:06 | Thứ Hai, 18/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Liên hợp quốc cảnh báo, các nước nghèo đang cùng lúc phải đối mặt khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính do tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, mà một trong những nguyên nhân là bất ổn trên thế giới, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine. Nếu không có hành động ứng phó khẩn cấp, nhiều nước sẽ chìm trong cuộc khủng hoảng đa chiều. 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, có tới 1,7 tỷ người trên trái đất, mà một phần ba trong số đó vốn sống trong cảnh nghèo đói, đang đối mặt hậu quả nghiêm trọng của tình trạng gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực, năng lượng. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt một "cơn bão hoàn hảo" có nguy cơ tàn phá nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Ðại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt các nguồn lực tài trợ cho tiến trình phục hồi trong bối cảnh bất bình đẳng ngày càng tăng, mất an ninh năng lượng, lương thực, lạm phát leo cao, sức mua bị xói mòn, triển vọng tăng trưởng bị thu hẹp… đẩy không ít nền kinh tế chìm trong nợ nần.
 
Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố "vỡ nợ" và không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, không có đủ ngoại tệ dự trữ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã phải kêu gọi công dân ở nước ngoài gửi tiền về để hỗ trợ người dân trong nước trang trải nhu cầu lương thực và nhiên liệu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Nhiều trạm xăng dầu tại Sri Lanka cạn nhiên liệu, khiến hoạt động vận tải công cộng tê liệt. Công ty Ðiện lực quốc gia Sri Lanka tăng thời gian cắt điện hằng ngày lên 13 giờ, do thiếu dầu cho các nhà máy nhiệt điện. Mỗi lần, người sở hữu xe máy chỉ được mua tối đa 4 lít xăng, người lái ô-tô cá nhân chỉ được mua 19,5 lít xăng hoặc dầu diesel...
 
Tại Nam Sudan, cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng ngày một nghiêm trọng. Liên hợp quốc cho biết, có tới 75% dân số của nước này, tương đương gần 9 triệu người gồm 4,6 triệu trẻ em đang cần viện trợ khẩn cấp để tồn tại. Hàng triệu trẻ em, phụ nữ bị suy sinh dưỡng trầm trọng. Tình trạng mất an ninh lương thực được dự báo sẽ lan rộng và trở nên tồi tệ hơn vì biến đổi khí hậu, xung đột và nạn di dân.
 
Liên hợp quốc cũng cảnh báo rằng, có tới 40% dân số Somalia đang đối mặt nạn đói, do hạn hán, giá lương thực tăng cao và nguồn viện trợ tài chính thiếu hụt. Khoảng 6 triệu người Somalia thiếu lương thực nghiêm trọng, nạn đói hoành hành tại nhiều khu vực của đất nước châu Phi này.
 
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, một nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính đã được thành lập ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột tại Ukraine. Ðể giúp các nước vượt qua khủng hoảng, lực lượng đặc nhiệm của Liên hợp quốc cho rằng, cần bảo đảm cho dòng chảy lương thực và năng lượng ổn định thông qua các thị trường mở, nghĩa là phải dỡ bỏ tất cả các hạn chế xuất khẩu không cần thiết và gác lại chủ nghĩa bảo hộ. Hiện là thời điểm lý tưởng để thúc đẩy những chuyển đổi mang tính bước ngoặt trong ngành năng lượng, như loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo. Về tài chính, cần giúp các nước đang phát triển tìm lại sự ổn định, thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách, tập trung hỗ trợ các chính phủ tránh vỡ nợ, cung cấp mạng lưới an sinh xã hội cho những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, đồng thời duy trì và tăng cường các khoản đầu tư quan trọng cho phát triển bền vững.
 
Khẳng định cuộc khủng hoảng đa chiều hiện nay không thể giải quyết theo từng phần, từng quốc gia riêng lẻ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tìm các giải pháp mang tính hệ thống toàn cầu. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh thông điệp: Hành động ngay hôm nay sẽ ngăn chặn những khổ đau vào ngày mai. Một thế giới công bằng, văn minh không thể để những người dễ bị tổn thương nhất trở thành nạn nhân trong một thảm họa không phải do lỗi của họ.
 
Theo TRƯƠNG XUÂN (Nhân Dân)

tin liên quan

Tổng thống Putin thừa nhận trừng phạt khiến ngành dầu mỏ, khí đốt của Nga gặp khó

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/4 thừa nhận các lệnh trừng phạt đã làm đứt gãy ngành dầu mỏ, khí đốt thu nhiều lợi nhuận của Nga, làm giảm giá trị xuất khẩu, tăng chi phí với ngành này.
 

Thế giới cần sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản về đại dịch COVID-19

COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu bởi mức độ lây lan của dịch bệnh vẫn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được.
 

Du lịch thế giới phục hồi và phát triển

Trong ba tuần liên tiếp, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Niềm hân hoan của du khách khi hàng loạt đường bay được nối lại là thành quả có được sau những nỗ lực không mệt mỏi suốt thời gian dài của các nước nhằm mở cửa trở lại, đẩy mạnh phục hồi và đưa thế giới về đúng quỹ đạo phát triển.