Việt Nam chủ trì họp Hội đồng Bảo an về mực nước biển dâng
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc Khiari đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, cho biết mực nước biển dâng làm suy giảm nguồn tài nguyên, nguồn nước, phá huỷ cơ sở hạ tầng.
Cuộc họp theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Mực nước biển dâng và các tác động đến hoà bình, an ninh quốc tế” đã diễn ra ngày 18-10 tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) theo sáng kiến của Việt Nam, được 10 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và 11 nước thành viên Liên hợp quốc khác đồng bảo trợ và đứng tên tổ chức.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề xây dựng hòa bình Khaled Khiari, đồng Chủ trì Nhóm công tác I của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) Valérie Masson-Delmotte và Cố vấn cấp cao của Giám đốc Cộng đồng Thái Bình Dương Coral Pasisi đã báo cáo tại cuộc họp.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Khiari đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, cho biết mực nước biển dâng làm suy giảm nguồn tài nguyên, nguồn nước, phá huỷ cơ sở hạ tầng, có nguy cơ làm tăng tranh chấp, xung đột bao gồm tranh chấp liên quan đến các vùng biển và tài nguyên biển, thậm chí đe doạ chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước đảo nhỏ.
Ông Khiari đề xuất các nước tăng cường các hành động khí hậu và khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật biển tiếp tục là văn kiện khung điều chỉnh các tác động của mực nước biển dâng và hệ quả đến hoà bình, an ninh quốc tế.
Cuộc họp thu hút hơn 40 nước thành viên Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc tham gia phát biểu. Các ý kiến cho rằng sáng kiến của Việt Nam đáp ứng kịp thời quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, là đóng góp quan trọng ngay trước thềm COP26. Hầu hết các ý kiến khẳng định mực nước biển dâng là mối đe doạ hiện tại và tương lai, thậm chí đe doạ tư cách quốc gia, nhà nước.
Tác động của mực nước biển dâng làm suy kiệt nguồn tài nguyên nông nghiệp, thuỷ hải sản, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người, phá huy nhà cửa, dẫn đến người dân di cư, tị nạn hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà cửa, làm trầm trọng thêm xung đột.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần tập trung vào biện pháp giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước nhất trí hệ quả pháp lý do mực nước biển dâng cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước luật biển (UNCLOS). Bên cạnh đó, một số ý kiến kêu gọi cần có cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam chia sẻ khó khăn của các nước đảo nhỏ đang phát triển, các nước ven biển, dưới mực nước biển đang phải ứng phó với các tác động tiêu cực hiện tại và tương lai từ mực nước biển dâng.
Châu Á là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ nhất do mực nước biển dâng. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là một trong các khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất của mực nước biển dâng.
Trả lời phỏng vấn TTXVN tại Liên hợp quốc ngay sau khi kết thúc cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết: “Nước biển dâng là một thách thức, hàng trăm triệu người bị tác động, hàng triệu người mất nhà cửa còn đối với các nước đảo nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương thì nước biển dâng là thách thức duy nhất đối với họ bởi họ mất nước, mất đất thế nhưng rất nhiều nước tại Liên hợp quốc trong đó có nước lớn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không chấp nhận điều này, họ cho rằng không có liên hệ nào giữa nước biển dâng và những vấn đề an ninh, hòa bình quốc tế. Chính vì vậy sáng kiến của Việt Nam là để tạo nên một diễn đàn cho tất cả các nước bày tỏ quan điểm của họ, bày tỏ mối quan tâm của họ trong vấn đề này, tạo nên nhận thức và sự đồng thuận cao hơn về tầm quan trọng của việc Hội đồng Bảo an cần thảo luận vấn đề này, cần coi vấn đề này là một thách thức đối với hòa bình, an ninh quốc tế, và phải ứng phó sớm, ngay bây giờ.”
Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng cho nên việc đưa ra vấn đề này ra thảo luận trước hết vì đất nước nhưng cũng là vì cả nhân loại. Trước các bằng chứng ngày càng rõ ràng về tình trạng mực nước biển dâng toàn cầu, Đại sứ khẳng định cam kết của Việt Nam thúc đẩy Hội đồng Bảo an đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với thách thức sống còn này.
Các nước Hội đồng Bảo an gồm Anh, Estonia, Ireland, Kenya, Mỹ, Na Uy, Niger, Saint Vincent&Grenadines, Pháp và Tunisia cùng 11 nước thành viên Liên hợp quốc khác gồm CH Dominicana, Đức, Fiji, Guyana, Hà Lan, Malta, Mauritius Romania, SaintLucia và Tuvalu là các nước đồng bảo trợ và đứng tên tổ chức sự kiện.
Họp theo thể thức Arria là hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm xem xét các vấn đề mới nổi hoặc còn ý kiến khác nhau, thường có sự tham dự của toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và các nước thành viên Liên hợp quốc./.
Theo Hải Vân- Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)