Tình hình COVID-19 sáng 14-10: Mỹ và Ấn Độ vẫn dẫn đầu về số ca mắc
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 45.545.405 ca mắc, trong đó có 739.757 ca tử vong, Ấn Độ ghi nhận tổng số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 34.019.680 ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 14-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 239.904.286 ca mắc COVID-19, với 436.643 ca ghi nhận trong 24 giờ qua.
Tổng số ca tử vong là 4.888.684 người, trong khi số bệnh nhân bình phục là 217.238.443 người.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 45.545.405 ca mắc, trong đó có 739.757 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 34.019.680 ca, trong đó có 451.469 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 21.597.949 ca mắc và 601.643 ca tử vong.
Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) đánh giá tích cực về nỗ lực tiêm chủng ngừa COVID-19 tại các nước Mỹ Latinh, theo đó tỷ lệ người được tiêm chủng trong khu vực hiện ở mức 39%, trong đó 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 40%.
Theo Giám đốc PAHO Carissa Etienne, những con số trên là kết quả đáng khích lệ, song một số nước vẫn "tụt hậu" trong công tác tiêm chủng, đặc biệt vì vậy các nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đạt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra cho toàn cầu là tất cả các quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 40% dân số trước cuối năm nay.
Bà Etienne lưu ý những nước trong khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vẫn dưới mức 20% dân số, bao gồm Jamaica, Saint Lucy, Saint Vincent & Grenadines, cùng Haiti tại Caribe, Guatemala và Nicaragua tại Trung Mỹ.
Theo thống kê của PAHO, trong tuần qua châu Mỹ ghi nhận 1,1 triệu ca nhiễm mới và hơn 24.000 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Phi, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), tính đến tối 13/10, tổng số ca mắc COVID-19 tại châu lục đã lên tới 8.402.139 ca, trong đó có 214.656 ca tử vong.
Trong đó, Nam Phi, Maroc, Tunisia và Ethiopia là những nước có số ca mắc nhiều nhất. Khu vực miền Nam châu Phi chịu tác động nặng nề nhất, tiếp đến là các vùng Bắc và Đông Phi, trong khi vùng Trung Phi ít chịu tác động nhất.
Tại châu Âu, Ba Lan ghi nhận hơn 2.600 ca mắc mới và 40 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện quốc gia Trung Âu này có hơn 2.700 ca bệnh phải nhập viện, trong đó hơn 230 ca nghiêm trọng. Giới chức y tế Ba Lan cảnh báo số ca nhiễm mới sẽ tăng trong những tuần tới do biến thể Delta bắt đầu lây lan nhanh hơn.
Theo Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Ba Lan có thể sẽ đạt mức đỉnh điểm 40.000 ca mắc mới mỗi ngày vào tháng 11 hoặc tháng 12 tới.
Tại châu Á, Ấn Độ đã nối lại xuất khẩu một lượng nhỏ vaccine ngừa COVID-19 và sẽ gia tăng đáng kể hoạt động xuất khẩu trong vài tháng tới khi nguồn dự trữ trong nước tăng và nhu cầu tiêm chủng giảm dần.
Cụ thể, công ty Bharat Biotech của Ấn Độ đã chuyển 1 triệu liều vaccine Covaxin do hãng này sản xuất đến Iran vào tuần trước. Ấn Độ cũng đã cung cấp vaccine cho Nepal sau khi quyết định nối lại xuất khẩu vaccine và tập trung nỗ lực này vào các quốc gia láng giềng.
Đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu trở lại khoảng 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Con số này khá khiêm tốn so với nỗ lực ngoại giao vaccine tích cực được Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phát động đầu năm nay, trước khi làn sóng COVID-19 thứ hai bùng lên tại Ấn Độ và buộc nước này phải đình chỉ xuất khẩu.
Theo ông V.K. Paul, người đứng đầu ủy ban đặc trách của Chính phủ Ấn Độ về phòng chống COVID-19, giờ đây khi 3/4 số người trưởng thành đã tiêm một mũi vaccine và 1/3 đã tiêm mũi hai, Ấn Độ sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vaccine của các nước.
Dự kiến, Ấn Độ sẽ vượt mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19 trong 2-3 ngày tới kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành ở nước này hồi tháng 1-2021./.
Theo Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)