Siết chặt quản lý giá đất

  • 06:26 | Thứ Sáu, 01/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vài năm trở lại đây, Quảng Bình trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời nhiều người cũng tìm đến nơi đây tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh… Tuy nhiên, việc giá đất tăng chóng mặt, không chỉ khu vực TP. Đồng Hới mà ngay cả các vùng quê, đã phá vỡ mọi quy luật cung cầu. Điều đáng nói, có những trục đường, vùng quê đất, đất được đẩy giá cao ồ ạt nhưng khi mua xong chẳng ai xây nhà mà để cỏ mọc um tùm, mua bán trao tay qua lại hàng chục lần và không ít người vỡ nợ vì lao vào “bong bóng” bất động sản.
 
1 lô đất mua qua bán lại hàng chục lần
 
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho bài viết, chúng tôi đã gặp nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, cũng như giới kinh doanh bất động sản và người môi giới bất động sản (cò đất) để tìm hiểu và nhiều người đều chung nhận định: Giá đất ở nhiều nơi địa bàn tỉnh Quảng Bình bị đẩy quá cao, hoàn toàn không đúng với giá trị thực tế. Một công chứng viên chuyên công chứng các hợp đồng bất động sản cho biết, có nhiều lô đất mới ba bốn tháng đã bán đi bán lại qua tay đến công chứng đặt cọc hàng chục lần. Thường thì các "cò đất" hay nhà đầu tư chỉ viết giấy cọc ít khi công chứng, nhưng cũng có những người cẩn thận, đặt cọc giá cao để tránh bị bẻ cọc nên họ công chứng.
 
Giá đất tăng chóng mặt, không ít nhà đầu tư ở nhiều nơi khác mang tiền đến để mua đi bán lại. Vì mua đi bán lại kiểu "lướt sóng" nên việc đặt cọc, viết giấy cọc… hầu như nhà đầu tư giao cho các "cò" môi giới. Và khi tìm được đất để giới thiệu cho nhà đầu tư thì "cò" lại đẩy giá thêm một vài giá để kiếm tiền lãi. Vì vậy, nhiều người nói "cò đất" là trung gian đứng giữa không cần bỏ vốn, nhưng có những "cò" mát tay chỉ làm vài ba tháng đã mua được ô tô sang chảnh. Và ngược lại có những "cò" môi giới thấy việc buôn bán bất động sản dễ kiếm lời nên cầm cố cả nhà cửa để "lướt" đất, mua đất giá cao đến khi không bán được đất thì mất cả nhà cửa vì cầm cố.
 
Quảng Bình đất không rộng, người không đông nhưng hiện giờ có hàng nghìn người làm nghề môi giới bất động sản. Mỗi khi địa phương đưa ra một khu vực đất nào đó để chuẩn bị đấu giá thì các "cò đất" chạy đi chạy lại, "sốt xình xịch" thông tin trước ngày đấu giá đất. Từ quán xá, nhà hàng, bãi biển, cà phê, thậm chí hội họp…, người ta cũng nói đến đất, bàn đến giá đất chuẩn bị đấu giá. Đặc biệt, ở các khu vực đất ven biển, mỗi khi địa phương tung ra đấu giá, bên cạnh hàng nghìn "cò đất" đứng xếp hàng để chờ đấu giá, còn có rất đông nhà đầu tư khắp nơi đổ về. Chính vì vậy, có khi chỉ đấu giá chục lô đất nhưng đã có cả nghìn người chen cứng hội trường.
Cách đây vài năm, đất thổ cư ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh) ít được chú ý nhưng nay đang tăng giá rất cao.
Cách đây vài năm, đất thổ cư ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh) ít được chú ý nhưng nay đang tăng giá rất cao.

Vì giá đất không theo quy luật cung cầu, nên có những con đường, đất bị "thổi, đẩy" giá lên gấp hàng chục lần để rồi người thực sự có nhu cầu mua đất ở thì không mua được, còn người có đất ngậm ngùi ôm đất không bán được, nhưng tiền trăm, tiền tỷ thì các "cò đất" đã lặng lẽ mang đi tự lúc nào.

Nhiều tuyến đường ở xã Bảo Ninh, nơi trước đây là cồn cát bên kia sông của TP. Đồng Hới nơi ít người qua lại, nay trở nên đỉnh điểm của cơn "sốt đất". Từ giá đất chỉ khoảng chục triệu đồng một m2, nay đất dọc nhiều tuyến đường khu vực này được "đẩy" lên giá gần cả trăm triệu đồng một m2. Nhiều khu vực một vài năm trước chẳng mấy ai quan tâm chuyện đất đai như ở vùng xã Hải Ninh, Võ Ninh, Lương Ninh (Quảng Ninh), Ngư Thủy, Hồng Thủy (Lệ Thủy)…giờ thì giá đất quá cao hoặc có đất nhưng không ai muốn bán vì tâm lý sợ bán xong giá lại lên tiếp…

Điều đáng nói khi giá đất tăng cao, do các nhà đầu tư tìm cách "lướt sóng" nên người ôm đất sau cùng hầu hết toàn là người địa phương. Thấy đất tăng giá chóng mặt, nhiều người đã cầm cố cả sổ đỏ, nhà cửa cho ngân hàng, thậm chí vay nóng… để "lướt" bán kiếm lời nhưng mua xong đều không bán được vì lúc này các "cò đất" đã rút và lại chuyển đến một trục đường, vùng đất khác cùng thành phố để làm giá đất tiếp theo.
 
Siết chặt quản lý, tránh hệ lụy cho người dân
 
Theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có sự phát triển chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Giá đất thiếu ổn định, bị đẩy lên cao, xảy ra hiện tượng đầu cơ, mua đi bán lại, tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đời sống, sinh hoạt của người dân; gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và những người có nhu cầu chính đáng về đất ở.
 
Để ngăn chặn tình trạng "cò đất" gây "sốt đất ảo", tạo bong bóng bất động sản, Quảng Bình tăng cường quản lý đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các đơn vị công khai, minh bạch đầy đủ thông tin về các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị và dự án tạo quỹ đất một cách rộng rãi để người dân dễ nhận biết.
 
UBND tỉnh cho biết, quá trình phát triển của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có những thời điểm phát triển nóng, giá bất động sản bị đẩy lên cao, gây "sốt ảo" tiềm ẩn nhiều rủi ro. UBND tỉnh nhận định, thời gian gần đây, có dấu hiệu một số chủ đẩu tư, nhà đầu tư trên địa bàn tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định phát luật; tổ chức hội nghị, phát tờ rơi thổi phồng để quảng cáo, rao bán đất khi chưa có đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án.
 
Những tồn tại này đã gây ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, an ninh trật tự và việc thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh. UBND tỉnh giao lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây "sốt đất" để trục lợi, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
 
UBND các huyện, thị xã, thành phố áp dụng phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể, giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá, bảo đảm phản ánh đúng giá trị thật của thị trường. Đặc biệt, các địa phương hạn chế việc chia nhỏ lượng quỹ đất đưa ra đấu giá gây khan hiếm thị trường, tạo ra "sốt ảo". Các địa phương theo dõi, đánh giá nhu cầu về đất ở của nhân dân, kịp thời tổng hợp, dự kiến lượng quỹ đất hàng năm và các năm tiếp theo để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương, bảo đảm không để xảy ra tình trạng khan hiếm quỹ đất, dẫn đến giá đất tăng bất thường.
 
Dương Sông Lam

tin liên quan

Đã có 3 hộ dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng

(QBĐT) - Sáng nay, 31/3, thông tin từ UBND xã Phú Thủy (Lệ Thủy) cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, bước đầu có 3 hộ dân xây dựng công trình trong phạm vi cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn xã đã tự giác tháo dỡ các công trình mới xây dựng.

Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công an xử lý dịch vụ 'đặt 1 ăn 70'

Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ "Đặt 1 ăn 70," kết quả tính theo hai số cuối giải đặc biệt xổ số miền Bắc.
 

Bố Trạch: Chưa hoàn thành thủ tục, đã ồ ạt thi công dự án!

(QBĐT) - Chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền giao đất và chưa có giấy phép môi trường... để thực hiện dự án, tuy nhiên, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng 68 Quảng Bình được sự cho phép của UBND xã Nhân Trạch (Bố Trạch) đã đưa máy móc vào triển khai thi công ồ ạt và vận chuyển hàng nghìn mét khối cát ra khỏi khu vực thực hiện dự án. Đây là thực trạng đang diễn ra tại dự án xây dựng hạ tầng phát triển quỹ đất khu vực thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch.