Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới

  • 07:45 | Thứ Hai, 06/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp ủy các cấp huyện Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, khơi dậy sức dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra theo đúng lộ trình.
 
Theo kế hoạch, xã An Ninh (Quảng Ninh) hoàn thành các tiêu chí và cán đích NTM trong năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng chính quyền với nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy được nội lực trong nhân dân. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, xã chính thức được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM.
 
Ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Chính vì vậy, xã luôn đề cao vai trò của tổ chức Đảng và tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là khơi dậy tính tự lực, tự cường, chủ động tích cực của người dân trong thực hiện chương trình. 
 
Để từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, Đảng ủy xã An Ninh đã ban hành nghị quyết, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp rà soát các tiêu chí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể, từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng NTM. 
 
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Theo số liệu báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh: Đến nay, tổng số tiêu chí của 14 xã là 250 tiêu chí, trung bình đạt 17,85 tiêu chí/xã; trong đó có 12 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí (Trường Xuân) và 1 xã đạt 7 tiêu chí (Trường Sơn). Và trên hết là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua từng năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,66%. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét; dân chủ cơ sở được nâng cao.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết: “Xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chương trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện Quảng Ninh chủ trương cần sự tập trung và sự kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị; đề cao vai trò của tổ chức đảng và tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Trên tinh thần bám sát nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, đề án xây dựng NTM; đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế”.
 
Năm 2021, huyện Quảng Ninh chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, đã có 6 thôn gồm: Lệ Kỳ 3 (xã Vĩnh Ninh), Tân Định (xã Hải Ninh), Tây (xã Võ Ninh), Hà Thiệp (xã Võ Ninh), Phú Cát (xã Lương Ninh), Phúc Mỹ (xã Xuân Ninh) cơ bản đã đạt bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu và đang hoàn thiện hồ sơ xét công nhận. Các thôn Long Sơn, Liên Xuân (xã Trường Sơn) đã cơ bản đạt chuẩn bộ tiêu chí thôn, bản khó khăn đạt chuẩn NTM, dự kiến hoàn thiện hồ sơ, đánh giá trong tháng 12-2021.
 
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của huyện Quảng Ninh là xây dựng NTM không chỉ tập trung cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn được đổi mới mà quan trọng hơn phải nâng cao đời sống của người dân. Với tinh thần đó, huyện đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.
 
Trên cơ sở các sản phẩm thế mạnh của địa phương, huyện Quảng Ninh đã lựa chọn danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm để có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ. UBND huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể kinh tế phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.
 
Cùng với việc phát triển các chuỗi giá trị, huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu giảm nghèo, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn...
 
“Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh chủ trương nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án với nguồn vốn thuộc chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng thiết yếu; tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân”, ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết thêm.
 
Thanh Hải

tin liên quan

Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt-Lào

Trong những năm qua, quan hệ giữa Quốc hội hai nước Việt Nam, Lào tiếp tục được thúc đẩy triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước.
 

Minh Hóa: Khởi động chương trình Tình nguyện mùa đông và Xuân tình nguyện

(QBĐT)-Ngày 5-12, Huyện đoàn Minh Hoá đã tổ chức ra quân khởi động chương trình tình nguyện mùa đông 2021 và xuân tình nguyện 2022 tại xã biên giới Trọng Hoá.

Phát huy các chính sách đúng và trúng, bảo đảm mục tiêu "Phục hồi và phát triển bền vững"

(QBĐT) - Chiều 5-11, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức tiếp tục với nội dung tọa đàm.