Lệ Thủy: Chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ lúa đông-xuân

  • 07:49 | Thứ Hai, 13/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang tích cực vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp và các điều kiện cần thiết khác để sản xuất vụ lúa đông-xuân 2021-2022, bảo đảm đúng lịch thời vụ, đạt năng suất và sản lượng cao.
 
Vụ lúa đông-xuân 2021-2022, huyện Lệ Thủy có kế hoạch gieo cấy hơn 10.200ha. Trước khi bắt đầu bước vào sản xuất, các HTX đã hướng dẫn bà con nông dân tập trung làm đất, tiến hành cày ải, tu sửa bờ đập để cho đất thông thoáng, tơi xốp và diệt mầm sâu bệnh.
 
Các địa phương đã nâng cấp, sửa chữa bờ kè, huy động nhân dân nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương, chủ động đưa nước về các cánh đồng, phục vụ nhu cầu làm đất của nông dân. Ở những vùng chân ruộng thấp trũng, các HTX đã chuẩn bị các loại máy bơm có công suất lớn để tiêu nước nhanh nhất, đặc biệt lưu ý những vùng gieo cấy muộn; đồng thời, hỗ trợ cung ứng giống, vật tư, phân bón để kịp phục vụ bà con gieo cấy.
 
Ông Hồ Hữu Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX Đại Phong, xã Phong Thủy cho biết: “Năm nay, HTX Đại Phong sản xuất lúa với tổng diện tích trên 350ha. Hiện HTX chuẩn bị 10 máy cày lồng để phục vụ khâu làm đất, 4 máy bơm để tiêu úng cho chân ruộng thấp, tổ chức cho bà con đăng ký nhận giống, vật tư. Vụ này, HTX chú trọng công tác giống, giảm bớt các giống dài ngày, đưa 4 loại giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất là X21, Hà Phát, VNR20, KH336; hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật thâm canh SRI nhằm giảm sâu bệnh, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến sản xuất an toàn”.
 
Một số vùng chân ruộng thấp trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã gieo mạ để kịp cấy lúa theo đúng khung lịch thời vụ.
Một số vùng chân ruộng thấp trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã gieo mạ để kịp cấy lúa theo đúng khung lịch thời vụ.
Xác định vụ đông-xuân là vụ sản xuất lúa chính và quan trọng nhất trong năm với nhiều yếu tố thuận lợi, cho năng suất, sản lượng lúa cao, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương chấp hành tốt hướng dẫn của Sở Nông nghiệp-PTNT theo nguyên tắc tập trung, đồng loạt, nhất là tuân thủ về cơ cấu giống, lịch thời vụ, các biện pháp chuyển đổi cây trồng. Trên cơ sở cơ cấu giống lúa chung toàn huyện, tùy theo điều kiện cụ thể và thực tiễn sản xuất, các địa phương lựa chọn giống lúa phù hợp, mỗi xã lựa chọn 2-3 giống lúa chủ lực để thuận tiện trong tổ chức sản xuất.
 
Vụ đông-xuân này, toàn huyện phấn đấu đưa các giống xác nhận vào sản xuất trên 86% diện tích với các giống lúa năng suất ổn định, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ gạo, như: VNR20, Hà Phát 3, P6, lai Nhị Ưu 838, HT1... Đồng thời, huyện xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên 17ha, theo đó, chú trọng đầu tư thâm canh, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học để tạo ra sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm.  
 
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Năm nay, do giá vật tư nông nghiệp tăng cao gây khó khăn lớn đến việc sản xuất, nên UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động bà con sản xuất hết diện tích theo đúng kế hoạch, tránh tình trạng ruộng bị bỏ hoang. Về các khâu dịch vụ đã cơ bản hoàn thành, về giống thì bà con đã chủ động bảo đảm đủ để chuẩn bị xuống giống. Đối với 3 xã miền núi: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, huyện cũng đã trích gần 600 triệu đồng để hỗ trợ mua giống cho bà con chuẩn bị bước vào sản xuất”.
 
Theo kế hoạch, huyện Lệ Thủy sẽ xuống giống vụ đông-xuân bắt đầu từ ngày 18-12 và hoàn thành vào cuối tháng 1-2022. Một số vùng chân ruộng thấp trũng không thể gieo thẳng, các địa phương đã chủ động gieo mạ để kịp cấy lúa vào khung lịch thời vụ.
 
                                                          Hoài Thu-Minh Linh
                                                           (Đài TT-TH Lệ Thủy)

tin liên quan

Chuyển đổi nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao

(QBĐT) - Nhằm đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu thế phát triển, huyện Bố Trạch đã chú trọng đầu tư các công trình phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản; đồng thời chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi sang những đối tượng con nuôi có giá trị cao, hiệu quả bền vững.
 

Bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi

(QBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng tổng đàn, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, huyện Bố Trạch đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (CSATDB). Đây được xác định là một trong những giải pháp cơ bản trong phòng, chống dịch và là cơ sở để huyện chuyển dần sang hình thức chăn nuôi an toàn sinh học.

"Ngược núi" làm giàu

(QBĐT) - Trong khi bạn bè cùng trang lứa kéo nhau vào miền Nam tìm việc làm thì Đinh Hữu Thiêm (SN 1987) lại quyết định "ngược núi", bám trụ quê hương làm trang trại. Sau gần 10 năm lập nghiệp, quăng quật với mưa rừng, gió núi, vợ chồng anh Thiêm đã biến vùng đất rừng nghèo kiệt ở thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc (Minh Hóa) thành một khu trang trại tổng hợp rộng gần 10ha, cho thu nhập ngày càng cao và ổn định.