Lệ Thủy: Ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng hoa Tết

  • 07:11 | Thứ Sáu, 03/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời điểm này, người dân xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) đang tất bật vào vụ trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là xã có diện tích trồng hoa lớn của huyện Lệ Thủy. Do thời tiết cuối năm thường thiếu nắng, có mưa phùn, trời rét nên người trồng tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ hoa nhằm bảo đảm khung lịch thời vụ và kịp cung ứng thị trường Tết 2022.
 
Cứ vào khoảng thời gian đầu tháng 10 âm lịch, người dân xã Hồng Thủy lại bắt đầu làm đất, lên luống, xuống giống hoa. Để cây hoa được thu hoạch đúng vụ, nhất là hoa cúc, người dân không chỉ dày công chăm sóc mà còn thắp điện xuyên đêm trên vườn để cho cây phát triển nhanh. Hệ thống bóng điện được lắp đặt với mật độ mỗi bóng cách nhau 3m. Ánh sáng và hơi ấm từ bóng điện sẽ giúp cho cây hoa đẻ nhánh, phát triển.
 
Trước Tết hơn một tháng, người dân sẽ cắt điện để cây cúc đóng búp và tạo hoa. Ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Đông Hải, xã Hồng Thủy nói: “Giống này là giống cúc ngắn ngày, thắp điện kéo dài thời gian sinh trưởng để cây phát triển tốt hơn, cao hơn. Nếu thắp điện ít thì cây thấp và nhỏ, tỷ lệ hoa trên một cành rất ít và chất lượng bộ lá không được đẹp nên đòi hỏi phải thắp điện. Đây là dạng ánh sáng nắng, nếu dùng bóng điện màu khác sẽ không bảo đảm tiêu chuẩn”.
 
Trong tiết trời se lạnh, gia đình ông Nguyễn Văn Thuận đang tất bật chăm sóc những luống hoa vừa xuống vụ. Gia đình ông duy trì diện tích trồng hoa hơn 1,5 sào, được phân chia thành nhiều khu vực để trồng hoa cúc. Để cây hoa phát triển, đạt chất lượng hoa đẹp, phải thường xuyên chăm sóc, cung cấp đủ độ ẩm cho hoa sinh trưởng.
 
 Người dân xã Hồng Thủy vào vụ trồng hoa Tết.
Người dân xã Hồng Thủy vào vụ trồng hoa Tết.
Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết: “Trồng cây cúc này trước hết đòi hỏi kỹ thuật. Đất không được thấp quá vì giống này yêu cầu đất cao, thoáng nước và quan tâm phòng trừ sâu bệnh. Riêng khâu bảo vệ thực vật phải yêu cầu nghiêm ngặt. Bởi vì khi cắt điện xong, bệnh phát triển nên đòi hỏi bảo vệ, kiểm tra đồng ruộng của hoa thường xuyên”.
 
Xã Hồng Thủy có điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất pha cát, rất thích hợp để phát triển các loại hoa nên những năm gần đây, số lượng các hộ nông dân trồng hoa trong xã ngày càng tăng. Hiện toàn xã có từ 15-20ha diện tích đất trồng hoa. Nhiều hộ gia đình có diện tích trồng lớn từ 4-5 sào. Vào vụ trồng hoa, mỗi lao động có thu nhập trung bình từ 9-10 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nghề trồng hoa cũng đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương.
 
Ông Nguyễn Ánh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay: “Thời gian qua, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể cũng đã động viên người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó chủ yếu là trồng hoa; tuyên truyền cho bà con về hiệu quả và giá trị kinh tế từ trồng hoa. Các ban, ngành cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, đưa lên các trang mạng xã hội để quảng bá, nhằm thu hút các đầu mối, thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập cho bà con”.
 
Nếu như trước đây ở xã Hồng Thủy, các hộ dân trồng hoa thương phẩm với quy mô nhỏ, manh mún, lợi nhuận kinh tế không cao, thì nay các hộ mạnh dạn trồng phong phú chủng loại hoa; đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, như: Thắp điện, che lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiêu..., góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nông hộ.
 
Thanh Hằng
(Đài TT-TH Lệ Thuỷ)

tin liên quan

Nhìn lại 5 năm thực hiện Pháp lệnh Quản lý thị trường

(QBĐT) - Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT) được Quốc hội thông qua năm 2016 là cơ sở pháp lý vững chắc của QLTT, khẳng định vai trò của lực lượng QLTT đối với công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại.

Giải pháp phục hồi kinh tế ngắn hạn phải đặt trong tổng thể dài hạn

Sáng 30-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo chuyển biến trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(QBĐT) - Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng lĩnh vực quản lý đất đai đã được Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT), các đơn vị, địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện. Qua đó, từng bước tháo gỡ những vướng mắc, nhất là trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân.