Làm giàu dưới chân lèn đá
(QBĐT) - Từ bao đời nay, phần đông nông dân ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa có tập quán lựa chọn những mảnh đất bằng phẳng, màu mỡ để khai hoang, phục hóa, nuôi khát vọng làm giàu nhờ chăn nuôi, trồng trọt. Ấy vậy mà tại xã Hóa Phúc lại có một nông dân với cách làm rất "khác biệt", đó là lựa chọn những khoảnh đất quanh chân lèn đá để đầu tư sản xuất nông nghiệp, nuôi khát vọng đổi đời…
Đầu tháng 9/2023, chúng tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc Đinh Tiến Cường, đi bộ băng rừng, trèo núi đá vào với thung lũng Tà Vờng gặp ông Đinh Sơn Tình (SN 1972, ở thôn Sy, xã Hóa Phúc).
Để vào được thung lũng Tà Vờng, bắt đầu từ thôn Kiên Trinh của xã Hóa Phúc, mọi người phải đi bộ luồn rừng rồi trèo qua một ngọn lèn đá dựng đứng, sắc nhọn mất chừng 1 tiếng đồng hồ. Có những vị trí do lèn cao, bước chân của người đi trước tưởng chừng như "dẫm" lên đầu người đi sau, mệt bở hơi tai. Cũng có những vị trí do đá lèn quá sắc nhọn, dễ trơn trượt, người bản địa phải làm những chiếc thang gỗ để leo trèo được an toàn hơn.
Theo nhiều người dân địa phương, trước năm 2015, người dân thôn Kiên Trinh thường chịu khó vào thung lũng Tà Vờng để trồng lạc, bởi nơi đây có địa hình khá bằng phẳng, rộng chừng 20ha.
Tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn, việc trồng lạc chỉ được 1 vụ/năm lại rất bấp bênh bởi nơi đây thường hay ngập lụt. Thêm vào đó, do chi phí nguồn giống lạc, vật tư, phân bón, công làm đất các năm gần đây tăng cao, việc trồng lạc ở thung lũng Tà Vờng đã trở nên kém hiệu quả hơn trước. Vì thế, người dân đành bỏ hoang khu vực này.
Nhận thấy cả một vùng thung lũng Tà Vờng bị bỏ hoang rất lãng phí, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Đinh Sơn Tình liền "âm thầm" giao lại vườn nhà cho vợ chồng đứa con trai út Đinh Sơn Kỳ rồi dắt díu vợ là Đinh Thị Minh vào vùng thung lũng Tà Vờng dựng lán trại để thực hiện kế hoạch khai hoang.
Bước đầu, ông Tình quyết định bỏ tiền mua một chiếc máy cày đất, thuê người tháo rời từng bộ phận rồi vác bộ qua lèn đá vào thung lũng, lắp đặt lại như ban đầu. Cứ vài ngày, ông Tình lại trở ra vùng trung tâm xã mua thêm can dầu máy cùng ít lương thực, cây, con giống rồi quay trở vào vùng thung lũng thực hiện giấc mơ chinh phục nơi chân lèn đá.
Thời điểm đó, nhiều người dân bản địa thấy ông Tình cứ loay hoay điều khiển máy cày làm đất quanh chân lèn heo hút đều cho rằng ông "bị khùng". Một số người do chưa hiểu được ý tưởng của ông, liền nhận xét vội: Làm đất trồng cây ở nơi bằng phẳng, màu mỡ, thoáng đãng còn chưa có hiệu quả, huống hồ chọn ở hốc núi đá thì làm sao cây phát triển được. Đó là chưa kể tới những rủi ro do đất đá sạt lở, thiếu ánh sáng, chất dinh dưỡng nghèo nàn, thú rừng hay phá hoại... Nhưng mặc kệ lời vào ra, ông Tình vẫn âm thầm, kiên nhẫn thực hiện ý tưởng của mình.
Ông Đinh Sơn Tình chia sẻ: Các loại cây mà vợ chồng ông lựa chọn trồng quanh chân lèn, hiện đều đang phát triển rất tốt, cho hiệu quả cao. Cụ thể, quanh chân lèn này, gia đình đã trồng được vài trăm bụi chuối, hơn 300 cây đu đủ (chủ yếu là cây đu đủ đực để lấy hoa bán ra thị trường), chừng 1.000 mét vuông đất trồng giống ớt bản địa, khoảng 100 gốc cây ăn quả (chủ yếu là cam, bưởi), 50 gốc tiêu, khoảng 1,5ha lạc, 500 mét vuông đất trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi.
Nhằm phát huy hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích, gia đình ông còn thả nuôi thêm 7 con bò, khoảng 300 con gà, ngan, ngỗng/lứa. Việc chăn nuôi ở khu vực này tuy rất khó khăn, nhưng đổi lại thì có thêm nguồn phân xanh dồi dào để bón cho cây trồng. Ngược lại, gia súc, gia cầm cũng phát triển rất tốt nhờ có lượng thức ăn dồi dào từ cỏ, thân cây lạc, ngô, chuối, quả đu đủ, côn trùng...
Quanh khu vực lèn đá này còn có lượng phân dơi tương đối nhiều nên gia đình ông thường lấy để bón cho cây ớt bản địa và một số loại cây trồng khác. Các sản phẩm nông nghiệp của khu vực này khi bán ra thị trường rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi có vị thơm ngon khá đặc trưng so với những khu vực khác. Ước tính, bình quân mỗi năm khu vực chân lèn đá này mang lại nguồn lãi ròng cho gia đình hơn 150 triệu đồng. Sắp tới, vợ chồng ông dự tính sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, trồng trọt, khi đó, hiệu quả về kinh tế sẽ được tăng lên nhiều hơn...
"Từ một gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn ở địa phương, nhờ chí thú làm ăn một cách kiên trì, sáng tạo mà gia đình ông Đinh Sơn Tình đã nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả. Đây là tấm gương nông dân rất tiêu biểu, đáng được biểu dương để nhiều hộ gia đình khác cùng học tập, làm theo", Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc Đinh Tiến Cường cho biết. |
Văn Minh