"Mùa vàng" trên đồng đất Bố Trạch
(QBĐT) - ST25 là loại gạo ngon nhất nhì thế giới. Với những ưu điểm vượt trội của giống lúa ST25, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng đã đưa vào cơ cấu giống lúa mới cho các vụ mùa. Nhờ thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt nên vụ đông-xuân này đã có một “mùa vàng” từ giống lúa ST25 trên đất Bố Trạch.
Năng suất, chất lượng cao
Vụ đông-xuân 2022-2023, Vạn Trạch là xã có diện tích trồng lúa ST25 lớn nhất huyện Bố Trạch. Toàn xã gieo trồng 213ha lúa ST25, chiếm gần 64% diện tích lúa đông-xuân của xã và khoảng 71% diện tích lúa ST25 toàn huyện. Đến Vạn Trạch thời điểm này sẽ thấy những đồng lúa vàng rộm đang được bà con nông dân tranh thủ thu hoạch. Giữa cái nắng oi bức ngày hè nhưng ai nấy đều vui tươi, phấn khởi bởi một vụ mùa bội thu.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Mới, xã Vạn Trạch cho hay: “Ruộng của tôi có diện tích 3.000m2 (tương đương 6 sào), trước đây trồng lúa HN6. Sau khi được Hội Nông dân xã giới thiệu về giống lúa ST25, tôi thấy rất thích bởi những ưu điểm của giống lúa này nên đã đưa vào gieo trồng từ vụ đông-xuân 2022-2023. Hiện, lúa ST25 bắt đầu gặt nên chưa thể so sánh được với các giống lúa đã từng trồng nhưng tôi chắc chắn là năng suất sẽ cao vì qua quá trình theo dõi việc sinh trưởng của lúa ST25, tôi thấy lúa bông lúa dài, nặng hạt, thân cao, to; việc đầu tư phân bón ít. Đặc biệt, lúa ST25 ngon, có giá bán cao hơn so với các giống lúa thông thường. Tương lai, ST25 sẽ là giống lúa thế mạnh tại địa phương”.
Nói về giống lúa ST25, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch Nguyễn Hải Lương cho biết, giống lúa này đã được xã đưa vào gieo trồng thí điểm qua 3 vụ mùa, đạt năng suất ổn định và chất lượng gạo thơm ngon. Do đó, vụ đông-xuân năm nay, xã đã mạnh dạn để bà con gieo trồng trên diện tích lớn. Hiệu quả từ vụ này cho thấy, lúa ST25 có khả năng kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu và chống đổ ngã tốt, năng suất bình quân ước đạt 59 tạ/ha, cao hơn 5 tạ/ha so với vụ đông-xuân 2021-2022 trồng thí điểm.
Cùng niềm vui một mùa vàng bội thu, bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng (HTX Xuân Hưng), xã Mỹ Trạch, phấn khởi chia sẻ: “Vụ lúa này, gia đình tôi gieo trồng gần 1ha lúa ST25, lúa ít sâu bệnh, chắc hạt, năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha. Những hộ gia đình trồng lúa ST25 trong xã năm nay cũng đạt năng suất cao, từ 55-60 tạ/ha. So với các các địa phương khác thì ruộng lúa của xã Mỹ Trạch vẫn kém màu mỡ hơn, lúa ST25 lại trồng vụ đầu tiên nhưng đạt được năng suất như thế này chúng tôi rất vui. Hy vọng những vụ mùa sau, khi cây lúa đã thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, năng suất sẽ đạt cao hơn nữa”.
Liên kết chuỗi sản xuất
Hiện nay, lúa vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng. Tuy nhiên, đa phần việc sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp liên kết với các đơn vị sản xuất để thu mua nhưng chỉ ở dạngđến mua theo giá thị trường khi lúa chín, chưa có các hợp đồng từ đầu vụ để lên kế hoạch sản xuất chắc chắn. Do đó, sự ràng buộc trách nhiệm hai bên cũng như chia sẻ những rủi ro bất khả kháng trong quá trình sản xuất chưa có, thiệt hại kinh tế chủ yếu đè lên vai người nông dân.
Để phát triển sản xuất lúa bền vững, đặc biệt nâng cao hiệu quả kinh tế cho giống mới, chất lượng cao, huyện Bố Trạch đã quan tâm, chú trọng đến việc thực hiện sản xuất theo chuỗi. Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch Nguyễn Hải Lương cho biết: “Lúa ST25 với chất lượng gạo thơm, ngon cộng với những đặc điểm có ưu thế và chi phí đầu tư về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn những giống lúa khác. Thời gian tới, xã sẽ lên kế hoạch quy hoạch để sản xuất tập trung giống lúa này, từ đó hướng đến việc sản xuất theo chuỗi”.
Muốn xây dựng chuỗi giá trị sản xuất đồng bộ, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các HTX, doanh nghiệp, nông dân, cơ quan chức. Doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất có trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngành Nông nghiệp đảm nhiệm khâu tập huấn kỹ thuật cho người nông dân trực tiếp tham gia mô hình. Chính quyền các cấp phối hợp tham gia điều hành quy hoạch vùng, thời vụ, HTX thực hiện tốt các khâu làm đất, nước, bảo vệ đồng ruộng. Người nông dân trực tiếp làm theo quy trình kỹ thuật đã hợp đồng. Cuối cùng là doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, đứng ra bao tiêu nông sản cho nông dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, lúa ST25 được mệnh danh là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới. Qua thực tế gieo trồng trên địa bàn huyện Bố Trạch cho thấy giống lúa này thích nghi tốt, cứng cây, khả năng chống đỗ tốt. Nhằm góp phần giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao giá trị cây lúa, bằng nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ cho HTX Xuân Hưng thực hiện dự án chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gạo.
“Vụ đông-xuân 2022-2023, toàn huyện trồng gần 300ha lúa ST25, tập trung ở xã Vạn Trạch và Mỹ Trạch. Lúa đạt năng suất trung bình khoảng 60 tạ/ha, nhờ chất lượng gạo thơm ngon nên giá của ST25 gần như cao gấp đôi so với giá của các giống lúa khác”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long chia sẻ. |
Mục tiêu của dự án là phát triển chuỗi giá trị lúa gạo ST25 từ khâu thu mua lúa-chế biến thành sản phẩm miến gạo chất lượng cao và đưa ra thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng của cây lúa.
Dự kiến, mỗi năm sản lượng thu mua đạt khoảng 210 tấn lúa khô, chế biến và tiêu thụ khoảng 136 tấn gạo thành phẩm. HTX Xuân Hưng sẽ áp dụng các loại máy móc tiên tiến trong hoạt động chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tính thẩm mỹ của sản phẩm; cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh sản phẩm gạo có bao bì, nhãn mác đẹp, có tính cạnh tranh cao; tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Xuân Hưng cho hay: “Vụ đông-xuân năm nay, HTX chúng tôi sẽ thu mua toàn bộ lúa ST25 được trồng trên địa bàn xã Mỹ Trạch với diện tích khoảng 35ha. Hiện, chúng tôi đã thiết kế mẫu bao bì sản phẩm, máy móc cũng được đặt mua, chờ hoàn thiện nhà xưởng và thu hoạch lúa xong sẽ tiến hành chế biến, đóng gói gạo, đưa ra thị trường”.
Được biết, bên cạnh dự án chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gạo của HTX Xuân Hưng, vụ đông-xuân năm nay, Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cũng đã liên kết với Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với gần 250ha. Các giống lúa được thực hiện là: QS88, VN20, tập trung ở các xã, như: Đại Trạch, Hải Phú, Bắc Trạch, Hạ Trạch, Tây Trạch.
Lê Mai