Sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công

  • 07:13 | Thứ Tư, 24/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 25/12/2012 của Chính phủ về khuyến công (KC), hoạt động KC trên địa bàn tỉnh được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ sở sản xuất mới được thành lập với công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.
 
Giám đốc Sở Công thương Phạm Quang Hải cho biết: Giai đoạn 2012-2022, từ nguồn vốn KC quốc gia và địa phương, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề được thực hiện trực tiếp cho các tổ chức dạy nghề và các cơ sở sản xuất tự đào tạo nghề, truyền nghề theo dạng liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Đây là yếu tố tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và người lao động chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương. Theo thống kê giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ thực hiện hoạt động KC trên địa bàn Quảng Bình là hơn 51 tỷ đồng, trong đó, kinh phí KC quốc gia hỗ trợ hơn 17,2 tỷ đồng và kinh phí KC địa phương hỗ trợ hơn 33,8 tỷ đồng.
 
Cụ thể, giai đoạn 2012-2022, chương trình KC địa phương đã hỗ trợ số tiền hơn 23,4 tỷ đồng cho 306 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm. Hoạt động KC địa phương đã hỗ trợ đa dạng, tập trung trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực như chế biến nông, lâm sản, cơ khí, may mặc, hàng thiết yếu… nhằm phát huy các lợi thế so sánh của địa phương về nguồn nguyên liệu, nhân công sẵn có để thúc đẩy phát triển CNNT, hỗ trợ các cơ sở phát triển bền vững. Qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.
Từ nguồn vốn khuyến công, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả.
Từ nguồn vốn khuyến công, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả.
Ngoài ra, từ nguồn vốn KC địa phương, Sở Công thương cũng đã xúc tiến, hỗ trợ 282 cơ sở đưa sản phẩm tham gia hội chợ triển lãm trong nước và hỗ trợ 9 cơ sở đưa sản phẩm đi tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài. Đồng thời tổ chức 5 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh với 150 sản phẩm được bình chọn, trong đó, 28 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực; tổ chức 13 hội chợ tại TP. Đồng Hới và tại các huyện, thị xã, 15 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức trưng bày, triển lãm sản phẩm CN-tiểu thủ CN, sản phẩm làng nghề và thành tựu phát triển ngành công thương trên địa bàn tỉnh tại các hội chợ, triển lãm; tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm mới tiềm năng và đặc sản các địa phương...
 
Từ nguồn vốn KC quốc gia, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ cho 10 cơ sở, với tổng kinh phí 3,250 tỷ đồng; hỗ trợ 218 cơ sở CNNT với 430 gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; hỗ trợ thành lập 60 doanh nghiệp sản xuất CNNT; tổ chức thành công 2 hội nghị công tác KC các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Các mô hình trình diễn kỹ thuật nhằm giới thiệu, nhân rộng trong các lĩnh vực chế biến hàng nông, lâm, thủy hải sản xuất khẩu, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu không nung, sản xuất kính cường lực, sản xuất viên gỗ nén năng lượng… Qua đó, hỗ trợ các cơ sở CNNT áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình tăng năng suất đạt hiệu quả cao.
 
Cũng theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Quang Hải, cùng với hoạt động KC, việc hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển cụm điểm CN đã được thực hiện đồng bộ. Trong đó, TP. Đồng Hới đã hỗ trợ quy hoạch phát triển 7 cụm CN; đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng 5 cụm CN và 2 cụm CN đang triển khai đầu tư xây dựng, thu hút 72 cơ sở sản xuất tham gia (trong đó 53 cơ sở đã đi vào sản xuất). Đặc biệt, bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Công thương đã tổ chức triển khai các đề án đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất CN; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là xu thế chung nhằm hướng các cơ sở sản xuất CN tuân thủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh môi trường.
 
 “Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất CN-tiểu thủ CN trên địa bàn nông thôn; phát triển CNNT theo hướng đầu tư có trọng điểm, tập trung phát triển những ngành, nghề có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là thợ lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông Phạm Quang Hải cho biết thêm.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Lệ Thủy: Năng suất lúa vụ đông-xuân ước đạt 68 tạ/ha

(QBĐT) - Ngày 23/5, ông Nguyễn Chí Trãi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết, năng suất lúa vụ đông-xuân năm 2022-2023 bình quân toàn huyện ước đạt 68 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 68.532 tấn.

Hoàn thuế giá trị gia tăng 18,3 tỷ đồng

(QBĐT) - Tính đến hết quý I/2023, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 13 bộ hồ sơ, số thuế được hoàn là 18,3 tỷ đồng. 
 

Tiếp nhận 69 lượt thông tin bán hàng không xuất hoá đơn

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, sau khi ngành Thuế thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin tại trụ sở Cục Thuế và các chi cục Thuế, đã có 69 lượt cung cấp thông tin bán hàng không xuất hoá đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thời điểm.