Kinh doanh qua mạng xã hội - Thách thức đối với sàn thương mại điện tử?

  • 13:15 | Thứ Tư, 24/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kinh doanh qua mạng xã hội (MXH) như facebook, zalo, tiktok, instagram đang được hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP trên địa bàn tỉnh áp dụng. Đặc biệt, khi đa số chủ cơ sở SX không nắm vững công nghệ tin học nhưng muốn quảng bá sản phẩm nhanh, trực tiếp đến khách hàng và tăng thu nhập nhanh thì việc KD qua MXH đang trở thành xu hướng KD mới, hấp dẫn. Thực tế này trở thành thách thức đối với việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử (GDTMĐT).
 
Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Hải Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại xung quanh vấn đề này.
 
* P.V: Theo bà, xu hướng KD qua MXH có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Sàn GDTMĐT không? Vì sao?
 
- Bà Hoàng Thị Hải Vinh: KD qua MXH chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Sàn GDTMĐT bởi các lý do sau: Hoạt động giao dịch, mua bán hàng hoá, dịch vụ thông qua MXH hiện đang thu hút số lượng rất lớn các cá nhân, doanh nghiệp (DN). Xu hướng sử dụng MXH làm kênh tiếp thị, phân phối đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
 
KD qua MXH với lợi thế chi phí gia nhập thị trường thấp, không hạn chế về không gian và thời gian, thu hút số lượng nhiều người bán và người mua, khách hàng dễ dàng trong việc lựa chọn sản phẩm và đặt hàng. KD qua MXH được coi là kênh KD trực tuyến phổ biến và hiệu quả với tất cả DN, bất kể quy mô. Sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử thông qua MXH đã cung cấp một kênh phân phối hàng hoá, dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
 
* P.V: Có lẽ chưa có một cuộc khảo sát hay thống kê đầy đủ số lượng cơ sở SXKD sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP trên địa bàn tỉnh sử dụng MXH để KD, quảng bá sản phẩm nhưng chắc chắn con số này là rất nhiều, thậm chí nhiều hơn số DN tham gia Sàn GDTMĐT. Vậy theo bà, việc KD qua MXH có những ưu, nhược điểm nào?
Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình được trình bày giao diện đẹp, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, nắm thông tin sản phẩm.
Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình được trình bày giao diện đẹp, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, nắm thông tin sản phẩm.
- Bà Hoàng Thị Hải Vinh: Như đã nói, ưu điểm của KD qua MXH có chi phí gia nhập thị trường thấp, không tốn chi phí mặt bằng, chi phí quản lý thấp, tiết kiệm chi phí quảng cáo, thu hút nhiều người bán và người mua, khách hàng dễ dàng trong việc lựa chọn sản phẩm và đặt hàng. Hiện tại, MXH đóng vai trò như một kênh tiếp thị trực tuyến phổ biến và hiệu quả, phù hợp với tất cả DN, bất kể quy mô.
 
Tuy nhiên, nhược điểm của việc KD trên MXH là thông tin cá nhân của DN và khách hàng dễ bị đánh cắp và sử dụng cho những hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật. Hơn nữa, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nội dung thông tin đăng tải không đúng hoặc gây nhầm lẫn cũng là điều khiến khách hàng khó nhận biết. Do đó, việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát hiện và xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng sẽ khó khăn hơn.
 
* P.V: Vậy theo bà, cần làm gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn GDTMĐT?
 
- Bà Hoàng Thị Hải Vinh: Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của Sàn GDTMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng cung cấp các thông tin về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu của thị trường cho các hộ SX; hỗ trợ các DN, hợp tác xã, cơ sở SX chế biến nông sản của tỉnh trong việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên các Sàn GDTMĐT.
 
Một việc quan trọng nữa là chúng ta cần phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương hỗ trợ các DN tham gia "Gian hàng Việt trực tuyến", kết nối với các Sàn GDTMĐT lớn, như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… nhằm quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh ra thị trường quốc tế.
 
Tiếp tục nâng cấp giao diện và các tính năng kỹ thuật của Sàn GDTMĐT theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin giao dịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó là tăng cường sự liên kết giữa Sàn GDTMĐT Quảng Bình với các sàn GDTMĐT các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo cơ hội cho DN và khách hàng các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp cận được với những sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Cuối cùng là đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động TMĐT để triển khai thực hiện các kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn Sàn GDTMĐT Quảng Bình.
 
* P.V: Với tư cách là Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại, bà có điều gì khuyến cáo đối với các cơ sở SXKD qua MXH?
 
Theo khảo sát của VECOM (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) giai đoạn năm 2022 và quý I/2023 cho thấy, có tới 65% DN đã triển khai hoạt động KD trên các MXH. Bán hàng trên các MXH cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay Sàn GDTMĐT.
- Bà Hoàng Thị Hải Vinh: Trước hết, các DN, cơ sở SX cần thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời và chính xác về thị trường, dự báo nhu cầu của thị trường trên các kênh thông tin đại chúng. Cùng với đó, DN, cơ sở SXKD phải có cơ chế bảo mật thông tin khách hàng, bảo đảm an toàn giao dịch, có cơ chế và có trách nhiệm tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm các nghĩa vụ về thuế (nếu có).
 
Bên cạnh KD qua MXH, các DN nên tham gia các nền tảng KD TMĐT và giải pháp bán hàng theo hướng đa kênh, trong đó, Sàn GDTMĐT là một kênh TMĐT uy tín, tin cậy. Bởi sàn GDTMĐT hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật về KD TMĐT và được Bộ Công thương cấp phép, chứng thực hoạt động hợp pháp. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa trên Sàn GDTMĐT sẽ yên tâm về chất lượng sản phẩm, tránh được những rủi ro hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hay nội dung thông tin đăng tải không đúng hoặc gây nhầm lẫn, được bảo vệ quyền lợi theo quy định.
 
Tóm lại, DN cần nhận thức đầy đủ lợi ích và rủi ro khi KD qua MXH, chú trọng bảo vệ thương hiệu, tạo lập được uy tín với người tiêu dùng và các đối tác. Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao hiểu biết về kỹ năng mua sắm trực tuyến, lựa chọn những nền tảng mua sắm trực tuyến uy tín, kiểm tra kỹ thông tin về hàng hóa, nắm rõ các thông tin về đổi trả, thanh toán và giao hàng. Hãy là người tiêu dùng thông minh!
 
* P.V: Cảm ơn bà đã có cuộc trao đổi!
 
Nguyễn Hoàng (thực hiện)

tin liên quan

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công

(QBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 25/12/2012 của Chính phủ về khuyến công (KC), hoạt động KC trên địa bàn tỉnh được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ sở sản xuất mới được thành lập với công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Hoàn thuế giá trị gia tăng 18,3 tỷ đồng

(QBĐT) - Tính đến hết quý I/2023, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 13 bộ hồ sơ, số thuế được hoàn là 18,3 tỷ đồng. 
 

Tiếp nhận 69 lượt thông tin bán hàng không xuất hoá đơn

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, sau khi ngành Thuế thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin tại trụ sở Cục Thuế và các chi cục Thuế, đã có 69 lượt cung cấp thông tin bán hàng không xuất hoá đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thời điểm.