'Từ trang trại đến bàn ăn'

  • 10:20 | Thứ Năm, 30/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lâu nay, khái niệm nông nghiệp 3F (Feed-Fam-Food) hay còn gọi là “Từ trang trại đến bàn ăn” dường như còn khá mới lạ với không ít người nông dân. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh, những mô hình theo hướng từ trang trại đến bàn ăn đã dần xuất hiện. Với những ưu việt: Sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sức cạnh tranh cao..., mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” hứa hẹn sẽ tạo sức hút và trở thành xu hướng làm nông nghiệp được nhiều người nông dân hướng đến.
 
Bài 1: Xu hướng tất yếu của nông nghiệp
 
“Từ trang trại đến bàn ăn” là mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng khép kín từ khâu thức ăn, giống, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện mô hình đang được nhiều người dân áp dụng trong chăn nuôi và trồng trọt. Sự manh nha, ra đời của một số mô hình nông nghiệp này trên địa bàn tỉnh đã đánh dấu bước phát triển của nền nông nghiệp địa phương từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô, chuỗi khép kín, hiện đại hơn.
 
Sự xuất hiện nông nghiệp 3F
 
Trồng nấm thương phẩm là một trong những mô hình không còn mới lạ với nhiều người nông dân. Tuy nhiên, việc trồng nấm của người dân lâu nay chỉ dừng lại ở việc thu hoạch và bán ra thị trường; việc hướng đến đa dạng sản phẩm chế biến từ nấm trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhiều nông dân nghĩ đến và làm được. HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) được xem là một trong số ít cơ sở đi đầu trong sản xuất nuôi trồng nấm khép kín theo mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn”.
 
Cơ sở sản xuất khép kín từ khâu đầu vào gồm giống, nguyên liệu đến thành phẩm chế biến ra để cung cấp cho người tiêu dùng. Giám đốc HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh Nguyễn Quốc Hương chia sẻ: “Với mong muốn tạo ra những sản phẩm từ nấm an toàn, tiện lợi cho người sử dụng, ngoài sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu, HTX đã đầu tư máy móc, nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao để tập trung vào các khâu chế biến, đóng gói nhằm tạo ra những sản phẩm trà, rượu, nước mắm chay và các sản phẩm khác từ nấm. Những sản phẩm này sản xuất, đóng gói theo quy trình khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ”.
HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh là một trong những cơ sở trồng nấm khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn”.
HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh là một trong những cơ sở trồng nấm khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn”.
Cũng sản xuất hữu cơ nhưng với mảng rau sạch, Công ty CP Thực phẩm xanh Đông Dương (TP. Đồng Hới) đã trở thành doanh nghiệp cung ứng lượng rau sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
 
“Với quy trình sản xuất rau bằng mô hình công nghệ cao hoàn toàn hữu cơ thủy canh và được trồng, chăm sóc trong nhà kính nên rau hạn chế các loại sâu bệnh. Rau ở đây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu nên rất an toàn với người tiêu dùng. Ngoài hệ thống 5 nhà kính trồng các loại rau sạch, công ty đã đầu tư vào hệ thống các cửa hàng phân phối rau sạch trên địa bàn thành phố. Hiện, công ty có 4 cửa hàng bán các loại rau sạch của trang trại và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao”, ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng ban dự án Công ty CP Đông Dương cho biết.
 
Không chỉ trong trồng trọt, nhiều mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển theo hướng chuỗi khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn”. Mô hình gà đồi sinh học của Công ty TNHH Phát triển Nhị Nguyễn là một điển hình. Điều đặc biệt so với những mô hình chăn nuôi khác là công ty đã nghiên cứu và sản xuất được thức ăn hữu cơ sinh học riêng cho trang trại. Từ nguồn thức ăn chủ động, việc chăn nuôi gà đồi hữu cơ trở nên thuận lợi hơn.
 
Anh Nguyễn Văn Nhị cho hay: Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng gà chất lượng sạch, thơm ngon của người tiêu dùng, tôi đã bắt tay vào nuôi 500-1.000 con gà theo phương pháp sinh học. Để bảo đảm quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn tôi đã nghiên cứu áp dụng công nghệ vi sinh vật hiện đại để cho ra đời sản phẩm “Thức ăn hữu cơ sinh học NN01”. Hiện nay, ngoài việc chế biến đóng gói sản phẩm gà đồi sinh học, công ty chúng tôi còn mở cửa hàng để bán sản phẩm chế biến từ gà. Gà của công ty khi đến tay người tiêu dùng đều có thông tin đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ”.  
 
Tín hiệu khởi sắc cho nông nghiệp
 
Lâu nay, sản xuất nông nghiệp của người nông dân trong tỉnh vẫn còn theo phương thức truyền thống, manh mún và bị chia nhỏ. Để một sản phẩm nông nghiệp hoàn thiện của người nông dân đến được tay người tiêu dùng bắt buộc phải trải qua nhiều khâu trung gian, nhiều công đoạn.
 
Chính vì vậy, điệp khúc “Được mùa mất giá” vẫn luôn tồn tại với người nông dân nhiều năm qua. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong quá trình sản xuất, người nông dân chỉ tập trung vào khâu chăn nuôi, trồng trọt mà chưa chủ động đầu tư bài bản cho khâu chế biến và đầu ra cho sản phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm nông nghiệp bán được giá hay không phụ thuộc và quyết định hết vào các thương lái thu mua. 
"Từ trang trại đến bàn ăn" tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Hay như thời gian gần đây, với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ và vừa, việc phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi thị trường khiến họ gặp không ít khó khăn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng đầu ra lại giảm mạnh nên nhiều hộ chăn nuôi phải đối mặt với nguy cơ lỗ vốn.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Mai Văn Minh cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình phát triển theo hướng “Từ trang trại đến bàn ăn” như: Cam Kim Lũ (Tuyên Hóa); nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch Đông Dương... Mặc dù phát triển chưa nhiều nhưng sự ra đời của mô hình này cho thấy tư duy làm nông nghiệp của người dân đang dần thay đổi. Mô hình đã khắc phục được những hạn chế, bất cập để hướng đến nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, hội nhập.  
Có thể thấy, với những hạn chế của phương pháp sản xuất truyền thống thì sự xuất hiện của những mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” là bài toán giải quyết những hạn chế, khó khăn này của nông nghiệp.
 
Mô hình là sự đầu tư bài bản, sản xuất theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Từ các khâu: Phân bón, thức ăn, nuôi trồng và chế biến đều được sản xuất theo chuỗi khép kín, tập trung vào một đơn vị, doanh nghiệp nên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đạt độ tin cậy. Sản phẩm vì thế khi ra thị trường cũng mang giá trị kinh tế cao hơn.
 
Huyện Bố Trạch hiện đang là một trong những địa phương có nền sản xuất nông nghiệp phát triển của tỉnh. Sự manh nha, xuất hiện của mô hình theo hướng “Từ trang trại đến bàn ăn” cũng đang dần hình thành.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Sự phát triển mô hình nông nghiệp “Từ trang trại đến bàn ăn” của người dân trên địa bàn dù số lượng còn chưa nhiều, quy mô chưa lớn nhưng đã cho thấy sự phát triển của nông nghiệp địa phương, sự đầu tư nghiêm túc và có cái nhìn dài hơi của những người nông dân làm nông nghiệp nơi đây.
 
Hòa chung với sự phát triển của ngành Nông nghiệp cả nước, sự ra đời của những mô hình nông nghiệp “Từ trang trại đến bàn ăn” trên địa bàn tỉnh đã chứng minh sự phát triển tiến bộ của  nền nông nghiệp địa phương. Sự phát triển này là quy luật tất yếu để nông nghiệp địa phương bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường đang ngày càng phát triển.
 
 Đ.Nguyệt
 
Bài 2: Khó khăn và sức hút

tin liên quan

Nỗ lực giữ vững vị thế dẫn đầu nộp ngân sách

(QBĐT) - 3 năm qua (2020-2022) kinh tế cả nước nói chung và hoạt động kinh doanh xổ số nói riêng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực cố gắng, kịp thời đổi mới chiến lược kinh doanh, thích ứng, linh hoạt với tình hình mới, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Bình đã trở thành một trong những đơn vị đứng tốp đầu về nộp ngân sách của tỉnh.

Đẩy mạnh giải ngân vốn chính sách phục vụ mục tiêu giảm nghèo

(QBĐT) - Thời gian qua, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập... góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững được TX. Ba Đồn quan tâm, nỗ lực thực hiện. 

Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

(QBĐT) - Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, tuyên tuyền, ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, thả con giống...