Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý

  • 13:40 | Thứ Năm, 23/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, thời gian qua, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Từ đó khai thác tốt tiềm năng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
 
Nâng cao thu nhập
 
Gia đình ông Nguyễn Văn Lợi (thôn Sơn Tùng) có 2,4ha đất vườn ở vùng gò đồi xã Quảng Tùng. Sau nhiều năm trồng rừng, nhận thấy cây keo, bạch đàn không còn hiệu quả, đầu năm 2022, gia đình ông đã mạnh dạn phá bỏ để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, như: Mít Thái, mãng cầu, xoài... cùng một số loài cây trồng ngắn ngày khác.
 
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, ông Lợi cũng đã xây dựng khu nhà màng để trồng dưa chuột, dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, hiện ông đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi hươu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Theo ông Lợi, tuy mới thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng năm 2022, bước đầu gia đình ông đã có thu nhập khá từ việc bán hoa màu trồng trong nhà màng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, ông Lợi đã đầu tư trồng dưa lưới, dưa chuột là các mặt hàng có giá trị và được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Nhờ thực hiện trồng và chăm sóc nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, các loại rau màu của gia đình ông đều đạt chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ nhanh.
Mô hình nhà màng trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, thôn Sơn Tùng.
Mô hình nhà màng trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, thôn Sơn Tùng.
Tương tự, nhờ chuyển đổi 5 sào ruộng lúa sang trồng các loại rau mà những năm gần đây gia đình bà Mai Thị Châm (thôn Di Lộc) có thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt. Bà Châm cho biết, trước đây mỗi năm gia đình bà chỉ trồng được 1 vụ lúa, còn lại thì bỏ ruộng hoang. Còn bây giờ, khi chuyển qua trồng các loại rau thì diện tích đất ruộng được tận dụng hết, gia đình có việc làm quanh năm, thu nhập ổn định.
 
“Trước đây trồng lúa, do không chủ động được nước tưới nên năng suất bấp bênh, thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Từ khi chuyển đổi qua trồng rau, tôi chuyên trồng các loại: Diếp cá, rau má, xà lách, cải mầm…, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 500 nghìn đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa”, bà Châm chia sẻ.
 
Hiệu quả thiết thực từ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi ở xã Quảng Tùng thời gian qua đã khuyến khích bà con nông dân tiếp tục chuyển đổi thêm số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã có 14ha đất sản xuất rau màu, được bà con trồng theo hướng luân canh, gối vụ quanh năm, cho thu nhập khá ổn định, đời sống người dân nhờ đó được nâng cao.
 
Tiếp tục nỗ lực
 
Hiện toàn xã Quảng Tùng đã chuyển đổi được 27ha đất vùng lầy lún, vùng đất cao, vùng khó lấy nước trồng lúa sang trồng hoa, rau màu và nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng Trịnh Anh Tuấn cho biết, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như còn mang tính phong trào, bột phát; nhiều nông dân chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi mới chưa qua tập huấn; thiếu sự liên kết từ sản xuất đến đầu ra sản phẩm; nông sản sản xuất phần lớn chưa áp dụng theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật… nên giá trị và tính cạnh tranh chưa cao.
 
Theo ông Tuấn, thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ xã Quảng Tùng, UBND xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi những vùng đất lầy lún, nhiễm mặn sang nuôi trồng thuỷ sản, thủy cầm. Cùng với đó, địa phương tiếp tục nỗ lực động viên, hỗ trợ nhân dân mạnh dạn chuyển những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, hoa và rau màu. Về vật nuôi, chú trọng phát triển các loại giống có giá trị kinh tế cao như: Hươu, dê, dúi, gà vịt.
 
"Những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con đẩy mạnh chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang các mô hình đạt tiêu chuẩn cao. Bên cạnh việc tạo điều kiện hỗ trợ bà con tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi cũng chủ động đề xuất với huyện và phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống để bà con nông dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất…”, ông Tuấn chia sẻ.
 
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Quảng Tùng đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả tích cực. Đây là tiền đề để người dân trong xã tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân...
 
Phan Phương
 
 
 

tin liên quan

Quảng Trạch: Đẩy mạnh công tác trồng rừng

(QBĐT) - Để bảo đảm công tác trồng rừng năm 2023, huyện Quảng Trạch đang tập trung chỉ đạo các xã trên địa bàn tích cực dọn thực bì, chuẩn bị cây giống, phân bón và phân công cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Minh Hóa: Dự án đường 100 tỷ đồng khó thi công do giải phóng mặt bằng

(QBĐT) -  Việc thi công Dự án đường Hồng Hóa-Yên Hóa-Quy Đạt (giai đoạn I) còn gặp những khó khăn về GPMB do một số hộ chưa chịu di dời.

Thanh toán điện tử-lợi ích đồng hành cùng Petrolimex

(QBĐT) - Công ty Xăng dầu Quảng Bình là một trong những doanh nghiệp triển khai thực hiện mạnh mẽ thanh toán điện tử với những hữu ích mang tính kinh tế cao.