Độc đáo mô hình chăn nuôi bằng thảo dược

  • 11:58 | Thứ Ba, 28/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, chị Nguyễn Thị Hoài Sen ở xã Sơn Lộc (Bố Trạch) bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lợn bằng thảo dược. Với phương pháp này, đến nay, trang trại của gia đình chị được nhiều người biết đến và đạt hiệu quả kinh tế cao, cung cấp tới người tiêu dùng nguồn thịt thơm ngon, chất lượng.
 
Câu chuyện từ “cô gái đa nghề”
 
Với tinh thần thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp, mong muốn làm giàu từ nông nghiệp sạch, dù đang là một nhân viên y tế trường học với mức lương ổn định, thế nhưng chị Nguyễn Thị Hoài Sen (SN 1991) vẫn quyết định làm thêm công việc chăn nuôi để tăng thu nhập, hỗ trợ gia đình.
 
Chị Sen chia sẻ: “Biến cố ập đến vào năm 2019, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng phải đi làm ăn xa, không may qua đời ở nơi xứ người. Chính mất mát này đã khiến tôi quyết tâm làm giàu phát triển kinh tế để đủ điều kiện chăm lo cho gia đình”.
Thức ăn cho lợn được phối trộn từ các loại thảo dược tự nhiên.
Thức ăn cho lợn được phối trộn từ các loại thảo dược tự nhiên.
Ban đầu, khi bắt tay thực hiện mô hình, chị Sen cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ nguồn vốn đầu tư đến quá trình thử nghiệm. Chị cũng cho biết: “Khi trang trại bắt đầu đi vào hoạt động, có rất nhiều vấn đề phát sinh, như: Lợn ăn không lớn, đau bụng đi ngoài, bị cứng lông; kèm theo đó chi phí thực hiện các thí nghiệm tốn kém, làm men vi sinh bị hỏng nhiều…”
 
Sau gần 1 năm với nhiều thất bại, cuối cùng, trái ngọt cũng đã đến, chị Sen đã tìm ra cách giải quyết vấn đề và rút ra được công thức riêng nhằm bảo đảm chăn nuôi lợn có sức đề kháng tốt, ổn định về chất lượng thịt.
 
Tiên phong chăn nuôi lợn bằng thảo dược
 
Trang trại của chị Sen hiện có hơn 200 con lợn với diện tích đất khoảng 1,5ha nằm cách xa khu dân cư 500m, không có nhà máy xung quanh nên không khí rất trong lành. Khu vực này được trồng xen canh 4 tầng cây để giảm thiểu tác động của bão, giúp chăn nuôi hạn chế dịch bệnh. Tầng trên cùng cao nhất trồng cây phi lao và cây cao su để chắn gió bão; tầng cao thứ 2 trồng cây ăn trái để thu hái quả; tầng cao thứ 3 trồng cây hoàn ngọc để làm thức ăn bổ sung cho lợn và tầng thứ 4 thấp nhất trồng các cây họ đậu, đỗ như đỗ tương, đỗ xanh, đỗ đen, lạc... Các loại hạt được thu gom để bán, đỗ tương được dùng làm thức ăn cho lợn, còn toàn bộ thân cây sẽ đem ủ cùng phân lợn để làm thành phân vi sinh bón cho cây và cải tạo đất.
 
Chị Sen đã tận dụng thế mạnh của bà con nông dân tại địa phương với các loại cây thảo dược thường trồng, như: Đinh lăng, hoàn ngọc, nghệ, gừng... và một số loại thảo dược khác để thu mua, vừa là để tiêu thụ giúp bà con, vừa phối trộn bổ sung vào thức ăn cùng với ngô, khoai, sắn, đậu tương, lạc, bột cá, bột vỏ ngao... để đàn lợn có sức đề kháng tốt, bảo đảm chất lượng thịt.
 
Ngoài ra, trang trại nuôi lợn của chị Sen còn tự làm dung dịch sát trùng và khử mùi hôi theo phương pháp IMO4 và phun dung dịch này hàng ngày vào từng ô chuồng nuôi bằng hệ thống phun sương bán tự động, qua đó giảm thiểu tối đa mùi hôi của chuồng nuôi.
Lợn nuôi bằng thảo dược cho nguồn thịt thơm ngon, chất lượng.
Lợn nuôi bằng thảo dược cho nguồn thịt thơm ngon, chất lượng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có rất nhiều trang trại nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp; trong khi mô hình nuôi lợn bằng thảo dược của chị Sen vẫn còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người biết đến. Đây được coi là thách thức cũng vừa là cơ hội đối với chị Sen khi mô hình nuôi lợn bằng thảo dược của chị là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh.
 
Với mô hình này, chị Sen không chỉ mong muốn tạo ra nguồn thịt chất lượng, an toàn mà còn đặt ra kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thông qua các mô hình chăn nuôi nhằm giúp người dân thay đổi tư duy, thực hiện chăn nuôi hữu cơ theo hướng bền vững.
 
Nuôi dưỡng ước mơ làm giàu cho quê hương
 
Nói về ước mơ tạo ra mô hình chăn nuôi bằng thảo dược, chị Nguyễn Thị Hoài Sen cho biết: “Ba mẹ tôi kể, những năm 2000 trở về trước, thịt lợn, thịt gà rất thơm ngon, chứ không nhạt và nhiều chất tăng trọng như bây giờ. Chính điều này đã thôi thúc bản thân tôi phải có trách nhiệm tạo ra sản phẩm thịt lợn thật ngon và an toàn để đưa tới người tiêu dùng. Đặc biệt, tôi muốn liên kết với các trường học trên địa bàn để các em học sinh được ăn những miếng thịt lợn ngon và sạch từ trang trại.”
 
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Khánh Cường chia sẻ: “Nuôi lợn bằng thảo dược giúp vật nuôi hạn chế bị nhiễm bệnh vì trong thành phần của thảo dược có kháng sinh sinh học và kháng sinh tự nhiên. Điều này giúp hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, thực phẩm được nâng cao về chất lượng, thơm ngon hơn. Hội đồng Ban giám khảo cuộc thi "Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp" đánh giá đây là xu hướng tất yếu trong tương lai, nâng cao giá trị mô hình chăn nuôi.
Ngoài tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, trang trại của chị Sen còn tập trung đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông online cho khách hàng lẻ, livestream để khách hàng có thể dễ dàng đặt hàng qua facebook, zalo. 
 
Được biết, trang trại của chị Sen đã đạt mốc doanh thu 500 triệu đồng/năm, đem đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Chị Sen cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2025, mô hình của mình sẽ trở thành đơn vị tiên phong và điển hình của tỉnh trong tổ chức nuôi lợn thảo dược theo mô hình liên kết chuỗi giá trị có kiểm soát.
 
Việc chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ với thức ăn là các loại thảo dược được xem là làn gió mới trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh ta; góp phần tạo việc làm cho người dân, khích lệ người trẻ tiên phong phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
 
Với tinh thần thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, chị Sen còn tích cực tham gia các chương trình, hoạt động Đoàn. Với mô hình nuôi lợn bằng thảo dược, chị Sen đã đoạt giải nhì cuộc thi "Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp" năm 2022 do Tỉnh đoàn tổ chức.
 
 Mỹ Hạnh

tin liên quan

Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

(QBĐT) - Với mục tiêu nâng cao đời sống hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Tuyên Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Tiết kiệm được 298.000kWh trong "Giờ trái đất"

(QBĐT) - Từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 25/3, nhiều cơ quan, đơn vị, tuyến đường, công viên, quảng trường, khách sạn… và các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tắt nhiều thiết bị điện để hưởng ứng chiến dịch "Giờ trái đất" 2023. 

Nông dân xã Hưng Thủy mất mùa mướp đắng

(QBĐT) - Mướp đắng là một trong những cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân xã Hưng Thủy (Lệ Thủy). Tuy nhiên năm nay, ngay từ đầu vụ sản xuất, thời tiết trên địa bàn diễn biến bất lợi nên năng suất cây mướp đắng ở địa phương giảm sút nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nơi đây…