Chủ động cho vụ mùa thắng lợi

  • 21:19 | Chủ Nhật, 29/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2022-2023, huyện Tuyên Hóa sẽ gieo trồng 1.450ha lúa, 1.000ha ngô, 570ha cây có củ lấy bột và 700ha lạc. Những ngày này, nông dân huyện Tuyên Hóa đang khẩn trương làm đất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng đúng lịch sản xuất đã đề ra.
 
Mục tiêu của xã Thạch Hóa đặt ra trong vụ đông-xuân 2022-2023 là phấn đấu gieo trồng 166ha lúa, 101ha cây ngô, 65ha cây lạc, 79ha cây sắn và tiếp tục duy trì hơn 100ha diện tích đất trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò.
 
Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Trần Văn Bằng cho biết, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã khá lớn thế nhưng do địa hình bị chia cắt, các vùng sản xuất phân bố manh mún, nhỏ lẻ, nên khó tổ chức sản xuất tập trung. Chủ trương của địa phương trong vụ mùa năm nay là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trong đó chú trọng thâm canh tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích. Ở những vùng có đủ điều kiện, xã khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng ngô và các loại cây trồng có giá trị cao hơn.
 
"Đối với diện tích đất lúa, xã Thạch Hóa tiếp tục duy trì diện tích hiện có, kịp thời triển khai sản xuất đúng lịch thời vụ và không sử dụng giống lúa cũ, nguồn gốc không rõ ràng, làm giảm năng suất, chất lượng và gây khó khăn cho quá trình tưới, tiêu, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, vụ đông-xuân năm nay là năm đầu tiên xã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 30ha tại 3 thôn Hòa Bình, Đạm Thủy 1, Đạm Thủy 2 và tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa cho nông dân các địa phương nói trên. Xã Thạch Hóa cũng đã hỗ trợ người dân kinh phí mua giống (60 nghìn đồng/yến). Đây sẽ là mô hình làm điểm để đến vụ mùa sau, xã sẽ nhân rộng, phổ biến trên địa bàn. UBND xã cũng phân công cán bộ, công chức phụ trách đến các thôn để tập trung chỉ đạo, tuyên truyền nhân dân sản xuất đúng quy trình, kỹ thuật đã được hướng dẫn", ông Trần Văn Bằng cho biết thêm.
Nông dân Tuyên Hóa tập trung làm đất để xuống giống theo đúng lịch thời vụ.
Nông dân Tuyên Hóa tập trung làm đất để xuống giống theo đúng lịch thời vụ.
Vụ đông-xuân năm 2022-2023, xã Mai Hóa đặt mục tiêu gieo trồng hơn 145ha lúa, với cơ cấu các giống lúa chủ lực chất lượng cao, ngắn ngày HN6, SV181 và ST25, Hương Bình. Theo kế hoạch, thời điểm tổ chức gieo lúa từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2023. Đến nay người dân trên địa bàn đã hoàn thành việc làm đất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng đúng lịch sản xuất.
 
Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Do các vùng sản xuất lúa trên địa bàn phân bố ở địa hình cao, xã Mai Hóa đã xây dựng kế hoạch tiết kiệm nguồn nước tưới ngay từ đầu vụ, đề ra biện pháp tích trữ, sử dụng, điều tiết nguồn nước hợp lý, nhằm bảo đảm nhu cầu nước tưới cho các loại cây trồng. Đối với các vùng ruộng thâm canh, chỉ bố trí các loại giống lúa ngắn ngày, như HN6. Vùng ruộng sâu bố trí giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn như SV181”.
 
Được biết vụ đông-xuân 2020-2021, xã Mai Hóa là một trong số ít địa phương đưa giống lúa ST24, ST25 (giống lúa từng được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới, cho năng suất cao, khả năng chịu hạn tốt) vào gieo trồng thử nghiệm. Vụ mùa 2022-2023, xã cũng đăng ký gieo trồng 10ha các giống lúa chất lượng cao nói trên. Tuy nhiên, vì không có giống để gieo cấy và khả năng chống chịu rét của cây lúa ST24, ST25 không được tốt nên chính quyền địa phương chuyển sang gieo trồng giống lúa Hương Bình, có năng suất, chất lượng tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được 350ha lúa (đạt 24% kế hoạch) và 1.046ha ngô (đạt 104,6% kế hoạch). Để kịp thời triển khai sản xuất, trước đó, phòng đã hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch gieo cấy đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống, tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao.
 
“Đặc biệt, vụ mùa năm nay, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 129ha, tại các xã Đức Hóa, Thạch Hóa, Phong Hóa, Tiến Hóa, Văn Hóa. Mục tiêu của mô hình là nhằm hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng hữu cơ; nâng cao chất lượng, giá trị, thu nhập của người nông dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và lợi ích của người tiêu dùng. Mô hình còn giúp người dân tham gia sản xuất lúa trên địa bàn tiếp cận và thay đổi tư duy sản xuất, hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là người dân trực tiếp sản xuất”, ông Thương cho biết thêm.
 
D.C.H

tin liên quan

Thái Lan và Lào thúc đẩy đàm phán về tuyến đường sắt xuyên biên giới

Theo Cục Giao thông Đường sắt Thái Lan, tuyến đường sắt kết nối giữa ba nước Trung Quốc-Lào-Thái Lan hình thành trong 3-5 năm tới nhằm cắt giảm khoảng 30-50% chi phí vận chuyển hàng hóa.
 

Chương trình "Khám phá tour du lịch sông Kiến Giang và thả cá đầu xuân"

(QBĐT) - Chiều 28/1, huyện Lệ Thủy tổ chức chương trình "Khám phá tour du lịch sông Kiến Giang và thả cá đầu xuân".

Ra quân sản xuất ngay những ngày đầu xuân

(QBĐT) - Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2023.