Nỗ lực vượt khó để phát triển

  • 11:35 | Thứ Bảy, 28/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới biến động phức tạp, lạm phát tăng cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong nước; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế. Tuy nhiên, với chính sách khuyến khích, tạo điều kiện của tỉnh, ngành Công thương đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, các doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
 
Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có nhiều khởi sắc, phần lớn các DN đã thích ứng với trạng thái bình thường mới. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 15.529 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 738 tỷ đồng, tăng 16,8%; chế biến, chế tạo đạt 14.050 tỷ đồng, tăng 10,1%; sản xuất và phân phối điện đạt 642 tỷ đồng, tăng 65%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 99 tỷ đồng, tăng 13,8%.
 
Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương. Nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình là các ngành nghề: Viên nén năng lượng, mộc mỹ nghệ, kính cường lực, cơ khí sửa chữa, sản xuất trang phục, chế biến thủy hải sản, tinh bột nghệ, khoai deo, miến dong, sản xuất dược liệu, sơ chế nông sản, sản xuất dầu thực vật…
 
Mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục được mở rộng trên cả ba địa bàn: Thành thị, nông thôn và miền núi. Hệ thống chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ… trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt. Quy mô của các cơ sở ngày càng tăng, ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng, thực sự là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.
 
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 55.068 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021, đạt 104,6% kế hoạch năm 2022. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 48.324 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2021. 
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 12% so với năm 2021.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 12% so với năm 2021.
Công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại cũng được Sở Công thương chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn của ngành.
 
Tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Công thương, các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mời gọi và triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Các dự án trọng điểm được xúc tiến triển khai, như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, Nhiệt điện Quảng Trạch II; dự án DZ 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi; dự án điện lưới các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch); dự án hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Thuận Đức (TP. Đồng Hới).
 
Khuyến công cũng là hoạt động được Sở Công thương đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, xây dựng thương hiệu sản phẩm; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công. Trong năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho 26 cơ sở sản xuất, DN có dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng.
 
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đồng thời xác định rõ những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023, ngành Công thương đã đề ra mục tiêu thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển với các chỉ tiêu cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,5%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16.860 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 62.074 tỷ đồng, tăng 12,7%...
 
Giám đốc Sở Công thương Phạm Quang Hải cho biết: Để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, sở tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ sản phẩm địa phương kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường; theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định cung cầu, giá cả và lưu thông hàng hóa; phối hợp các ban, ngành kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng…
 
Đặc biệt, sở tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, các mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh… Thực hiện tốt công tác cải các thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại sở để giải quyết nhanh gọn và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, tổ chức, cá nhân đến giải quyết công việc.
 
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022, các DN ngành Công thương đã nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao so với các DN toàn tỉnh. Điển hình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình 181,8 tỷ đồng, Công ty CP Xăng dầu-Dầu khí Vũng Áng 41,9 tỷ đồng, Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam 30,4 tỷ đồng, Công ty CP Điện gió B&T 123,7 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Xi măng Sông Gianh 21,7 tỷ đồng, Công ty Điện lực Quảng Bình 20,8 tỷ đồng...
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV và nhằm tạo "cú hích" cho nông nghiệp phát triển bền vững, Huyện ủy Quảng Trạch đã ban hành chương trình hành động số 6 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) giai đoạn 2021-2025. Sau 2 năm thực hiện chương trình, ngành nông nghiệp Quảng Trạch đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, đời sống người nông dân được nâng lên.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường qua thương mại điện tử

(QBĐT) - Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu trên sàn thương mại điện tử.

Toàn tỉnh có 21 tàu cá vươn khơi đánh bắt xuyên Tết

(QBĐT) - Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Quảng Bình có 21 tàu đánh cá xa bờ đăng ký vươn khơi, bám biển khai thác xuyên Tết.