Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả

  • 06:54 | Thứ Ba, 01/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động về "Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2020-2025" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Trạch, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tại địa phương. 
 
Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo của huyện, từ cuối tháng 5/2022, Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch đã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện triển khai mô hình nuôi gà ri lai tại 22 hộ nghèo, cận nghèo của xã Phù Hóa. Các hộ dân đã được hỗ trợ kỹ thuật, 5.720 con gà giống ri lai, trên 6 nghìn kg thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh và một số thiết bị phục vụ chăn nuôi, trị giá khoảng 300 triệu đồng.
 
Sau hơn 4 tháng chăm sóc theo kỹ thuật đã được hướng dẫn, đàn gà của bà con nông dân sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ gà sống đạt trên 95%, trọng lượng trung bình đạt từ 1,5-2kg/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ gia đình có nguồn thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng.
 
“Được sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành cấp huyện, gia đình tôi đã có điều kiện để gây dựng mô hình nuôi gà lai ri. Sau khi đã nuôi gà ri lai thành công, tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm số lượng nuôi, mở rộng mô hình để tăng thu nhập”, chị Nguyễn Thị Lệ, thôn Hậu Thành, xã Phù Hóa chia sẻ.
 
Chủ tịch UBND xã Phù Hóa Trần Thanh Tâm cho biết: “Phù Hóa là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, từ sự quan tâm của các cấp, ngành đã hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế, giảm nghèo.
 
Thời gian tới, xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, hỗ trợ cho người dân về các chương trình, dự án, đặc biệt là các mô hình phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, giúp địa phương phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”. 
 
Được hỗ trợ 70 triệu đồng để mua con giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật từ Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch, đầu tháng 4/2022, ông Trịnh Quang Hải, thôn 19/5, xã Quảng Đông đã đầu tư 850 triệu đồng để xây dựng ao lót bạt, thả nuôi 440 nghìn con ốc hương. Sau hơn 4 tháng thả nuôi và chăm sóc, tỷ lệ ốc sống đạt 80%, trọng lượng đạt 130 con/kg, ông Hải thu về trên 2.700kg ốc thương phẩm. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Hải thu lãi trên 160 triệu đồng/vụ. 
Mô hình nuôigà ri lai của người dân xã Phù Hóa.
Mô hình nuôi gà ri lai của người dân xã Phù Hóa.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động về "Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2020-2025" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Trạch, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm DVNN huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức 11 lớp tập huấn cho các địa phương về chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế cho bà con nông dân. 
 
Điển hình như các mô hình: Trồng cây chanh tứ quý trên đất cát pha tại xã Quảng Xuân, nuôi gà tại xã Quảng Phương, khảo nghiệm giống lúa mới Đại Dương II tại xã Quảng Tùng, nuôi dúi thương phẩm tại xã Quảng Châu... Ngoài ra, trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện nuôi thử nghiệm mô hình ngỗng sư tử theo hướng bán thâm canh tại xã Quảng Tùng. Đây là mô hình mới, mở ra hướng đi đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp cho ngành chăn nuôi của huyện.
 
Theo Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân; tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và cử cán bộ trực tiếp về hỗ trợ các địa phương trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn.
 
Việc triển khai thành công các mô hình phát triển kinh tế đã góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động, qua đó giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
 
Thế Lực
(Đài TT-TH Quảng Trạch)
 

tin liên quan

Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

(QBĐT) - Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP. Đồng Hới đã chú trọng thực hiện các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh. 

Minh Hóa: Phát triển kinh tế từ cây bưởi da xanh

(QBĐT) - Với sự giúp sức từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và huyện..., xã Hóa Hợp (Minh Hóa) đã triển khai cho nhiều hộ gia đình cải tạo vườn tạp, thực hiện các mô hình trồng bưởi. Bước đầu, các mô hình này đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
 

TX. Ba Đồn: Thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11

(QBĐT) - Năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Ba Đồn được giao chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 là 42,020 tỷ đồng.