Quảng Trạch:

Ngư dân trúng đậm cá cơm

  • 17:47 | Thứ Hai, 12/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày này, vùng biển gần bờ ở huyện Quảng Trạch xuất hiện các luồng cá cơm lớn. Hàng chục chiếc thuyền công suất nhỏ của làng biển xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) liên tục ra khơi đánh bắt, thu tiền triệu/lao động sau mỗi chuyến biển…
Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Xuân trúng đậm cá cơm.
Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Xuân trúng đậm cá cơm.
Bờ biển xã Quảng Xuân những ngày này tấp nập người từ sáng sớm đến trưa, khác hẳn những ngày thường. Nét mặt ngư dân ánh lên vẻ vui mừng, phấn khởi với từng chiếc thuyền chở nặng cá từ thuyền đưa vào bờ.
c
Đưa cá cơm lên bờ.
Sau một thời gian dài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xăng dầu tăng giá, đây là niềm vui lớn đối với các ngư dân ở các làng biển bãi ngang xã Quảng Xuân, vì ai cũng có thêm nguồn thu nhập khá hơn. 
Cá
Cá cơm tươi xanh là nguồn nguyên liệu để làm nước mắm truyền thống.
Ngư dân Đậu Trọng Thắng,  thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân phấn khởi vì chuyến biển này thuyền của ông trúng đậm, thu được gần 1 tấn cá cơm.
 
“2 ngày nay, mỗi lần ra biển, thuyền chúng tôi đều trúng luồng cá cơm. Chuyến biển trước, chúng tôi đánh bắt được gần 2 tấn cá cơm. Chuyến biển này, chúng tôi cũng được hơn 1 tấn cá cơm. Hiện cá cơm đang được bán với giá 15-20 nghìn đồng/kg, nên mỗi chuyến biển, bình quân mỗi lao động được chia hơn 1 triệu đồng, anh em có thêm nguồn thu nhập và có động lực ra khơi hơn”, ông Thắng chia sẻ.
Cá
Chị em phụ nữ đang chia cá cho những hộ có lao động đi đánh bắt.
Theo ngư dân xã Quảng Xuân, cá cơm sống ở tầng nổi, cách bờ hơn 10km và đi theo từng đàn, xuất hiện cả ngày lẫn đêm. Chính vì vậy, hiện tại ngư dân Quảng Xuân đang đánh bắt cá cơm cả ngày và đêm.
 
Ban đêm ngư dân đánh bằng “pha xúc”, nghĩa là vùng biển chong đèn, cá dồn đến thì dùng lưới vây lại và xúc lên thuyền. Còn ban ngày dùng lưới mắt nhỏ vây lại và dùng sức người kéo lên. 
Phơi cá cơm.
Phơi cá cơm.
Cá cơm là nguồn nguyên liệu để ngư dân làm nước mắm truyền thống hoặc phơi khô để bán vào những thời điểm mưa gió, có giá trị cao hơn. "Cá cơm trộn với muối theo tỷ lệ 2-1 sẽ cho loại nước mắm ngon. Còn phơi không thì 4kg cá tươi cho 1kg cá khô, bán với giá 200 nghìn/kg", chị Dương Kiều Xuân, thôn Thanh Bình (xã Quảng Xuân) cho biết.
 
 
Ông Dương Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân cho biết, toàn xã có 134 chiếc tàu cá, trong đó, hơn 80 chiếc tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ. Những ngày qua, sau đợt mưa lớn, nguồn nước bị xáo trộn, vùng biển ven bờ có nhiều thức ăn, nên các đội tàu cá đánh bắt gần bờ liên tiếp trúng các loại hải sản, như: cá cơm, cá nục, ruốc… Trung bình mỗi chuyến biển các tàu cá đều đạt sản lượng trên 1 tấn hải sản, thu về hàng chục triệu đồng, nhờ đó bà con ai cũng phấn khởi vì có thêm thu nhập...
 
Phan Phương

tin liên quan

Trồng trà hoa vàng dưới tán rừng

(QBĐT) - Năm 2021, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Động Châu-Khe Nước Trong đã đưa vào trồng thử nghiệm 2ha cây trà hoa vàng dưới tán rừng. Việc làm này có ý nghĩa khoa học rất lớn cũng như xây dựng cảnh quan sinh thái, phát triển về du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững...

Có 12 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Công thương cho biết, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương vừa ban hành quyết định về việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022.  

Khi con tôm bám đất lúa chuyển đổi

(QBĐT) - Chuyển đổi đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh đang được xem là hướng đi hiệu quả cho giá trị kinh tế cao. Đây cũng là tiền đề quan trọng để chính quyền địa phương và người dân phát triển đối tượng nuôi mới có giá trị, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu...