Trồng trà hoa vàng dưới tán rừng

  • 14:01 | Thứ Hai, 12/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2021, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Động Châu-Khe Nước Trong đã đưa vào trồng thử nghiệm 2ha cây trà hoa vàng dưới tán rừng. Việc làm này có ý nghĩa khoa học rất lớn cũng như xây dựng cảnh quan sinh thái, phát triển về du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững...
 
Để trồng trà hoa vàng dưới tán rừng, Ban Quản lý KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong đã khảo sát trong lâm phận của mình, các vùng lân cận và nhận thấy có nhiều loại trà sống và phát triển khá tốt, trong đó có trà hoa vàng. Đây là loại cây thân gỗ, nhỏ, màu xanh, cao từ 2-5m. Cành cây thưa, vỏ màu vàng xám nhạt, lá đơn. Hoa trà màu vàng, mọc đơn độc trên cuống lá, mỗi bông có khoảng 8-10 cánh.
 
Loài cây này chỉ phù hợp với những khu vực đồi núi, không ưa ánh sáng chiếu trực tiếp. Do vậy, cây chỉ phát triển tốt dưới các cây gỗ lớn với thổ nhưỡng giống môi trường tự nhiên. Hiện 2ha với 20 loài trà hoa vàng tại KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong đã được trồng dưới tán rừng thấp, độ cao trung bình trên 700m, nhiệt độ trung bình năm khoảng 23,50C, lượng mưa bình quân năm 2.079 mm... cho thấy điều kiện phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loại dược liệu này.
Cây trà hoa vàng đang phát triển tốt dưới tán rừng KDTTN Động Châu-khe Nước Trong.
Cây trà hoa vàng đang phát triển tốt dưới tán rừng KDTTN Động Châu-khe Nước Trong.
Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong cho biết: “Các loại cây trà bản địa nói chung và trà hoa vàng nói riêng là cây thảo dược quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Việc trồng thử nghiệm 2ha với 20 loài trà hoa vàng còn góp phần bảo tồn và phát triển bền vững loài trà hoa vàng của Việt Nam nói chung và khu vực Động Châu-Khe Nước Trong nói riêng. Qua đó, mở hướng đi mới trong phương thức kết hợp bảo tồn thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh, tạo thương hiệu về sản phẩm địa phương, sinh kế và thu nhập cho người dân vùng đệm...”.
 
Vị trí trồng trà hoa vàng tại tiểu khu 490, thuộc địa bàn xã Kim Thủy (Lệ Thủy). Đây là khu vực có đất phe-ra-lít, độ dốc vừa phải, khí hậu thuận lợi, nằm trong phân khu phục hồi sinh thái. Theo ông Hải, kỹ thuật trồng trà hoa vàng cũng khá đơn giản. Trước khi trồng phải phát đường băng cách nhau 4m, dọn sạch thực bì và đào hố rộng, dài, sâu 50cm, cách nhau 5m. Mỗi hố bón lót 1,5kg phân hữu cơ vi sinh, đảo đất trong hố trước khi trồng 1 tuần. Mật độ trồng trà hoa vàng là 500 cây/ha.
 
Để tỷ lệ cây sống cao, đơn vị chọn những ngày có thời tiết râm mát, mưa nhỏ, không có gió heo để trồng. Tổng kinh phí ban đầu của mô hình là 290 triệu đồng. Trong đó có 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản năm 2021; 90 triệu đồng do Công ty TNHH Kim Hoa Trà ở tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ (hỗ trợ cây giống). Hiện tỷ lệ trà hoa vàng trồng dưới tán rừng KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong sống đạt khoảng 70%. Sau gần một năm, cây đã bén rễ và bắt đầu phát triển xanh tốt.
 
Anh Lê Quý Đạt, cán bộ Ban Quản lý KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong cho hay: “Theo kế hoạch, trong 3 năm đầu, đơn vị phải chăm sóc cho rừng trà 2 lần. Lần thứ nhất thực hiện từ tháng 2 đến tháng 4. Công việc chủ yếu là phát dọn thực bì nhưng phải chừa lại những cây gỗ mọc rải rác và cây gỗ tái sinh để tạo bóng cho cây trà, cắt gỡ dây leo. Lần thứ hai cũng phát dọn thực bì, cắt gỡ dây leo, bón thúc phân NPK, xới cỏ, vun gốc trong phạm vi đường kính từ 0,8-1m. Khi cây bước qua tuổi thứ 4 thì chỉ phát dọn thực bì, cắt gỡ dây leo mỗi năm một lần”.
 
Cây trà hoa vàng dưới tán rừng KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong nếu gặp thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt thì khoảng 4 năm sẽ cho thu hoạch hoa. Theo tính toán sơ bộ, cứ mỗi cây cho khoảng 0,05kg hoa khô thì 2ha trà hoa vàng sẽ cho khoảng 35kg hoa khô (trừ 30% cây đã chết). Giá mỗi kg trà hoa vàng trên thị trường khoảng 20 triệu đồng, ước tính 35kg sẽ đạt khoảng 750 triệu đồng. Những năm tiếp theo, cây còn có thể cho hoa nhiều hơn...
 
Ông Bạch Thanh Hải cho biết thêm: Nếu mô hình trồng trà hoa vàng dưới tán rừng thành công, đơn vị sẽ mở rộng thêm diện tích lên khoảng 10-20ha để tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng. Mặt khác, chúng tôi cũng đang trồng thử nghiệm các loại sâm, thảo quả, sa nhân... Nếu loại cây nào phù hợp, có giá trị kinh tế cao sẽ tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, nhân giống cho bà con trên địa bàn trồng để mở rộng diện tích, tạo thành vùng chuyên canh dược liệu. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn, tạo nên “thế trận” toàn dân giữ rừng hiệu quả...
 
Theo Tạp chí Đông y, trà hoa vàng có vị ngọt, mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ và được quy vào 3 kinh: Tâm, thận, can. Với tính vị đó, trà hoa vàng có tác dụng trong việc điều trị những bệnh lý, như: Ngăn ngừa ung thư hiệu quả, hỗ trợ điều trị những khối u ác tính và những bệnh lý về tim mạch, mạch vành, hạ cholesterol; điều trị chứng huyết áp cao, giảm nguy cơ đột quỵ. Trà hoa vàng còn có tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả, có khả năng giải độc cho gan, thanh nhiệt cơ thể, chữa các bệnh lý về gan. Khi sử dụng trà kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp để giảm béo, tăng cường sức đề kháng và kéo dài tuổi thọ…
 
Xuân Vương
 

tin liên quan

Có 12 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Công thương cho biết, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương vừa ban hành quyết định về việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022.  

Khi con tôm bám đất lúa chuyển đổi

(QBĐT) - Chuyển đổi đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh đang được xem là hướng đi hiệu quả cho giá trị kinh tế cao. Đây cũng là tiền đề quan trọng để chính quyền địa phương và người dân phát triển đối tượng nuôi mới có giá trị, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Hương thơm làng Vạn

(QBĐT) - Với tâm nguyện lưu giữ lại nghề làm hương của làng, ông Nguyễn Ngọc Quang, ở làng Vạn Lộc (nay là thôn Vạn Lộc), xã Vạn Trạch (Bố Trạch) đã quyết tâm mở cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm hương truyền thống ra thị trường. Sau 4 năm xây dựng, đến nay, hương Làng Vạn đã có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.