Ứng dụng công nghệ số kết nối, tiêu thụ nông sản

  • 14:23 | Thứ Ba, 06/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên cạnh các phương thức tiêu thụ truyền thống, hiện trên địa bàn tỉnh, việc ứng dụng công nghệ kết nối, tiêu thụ nông sản đóng vai trò quan trọng, tạo ra phương thức kinh doanh mới, hiện đại và hiệu quả kinh tế cao.
 
Ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Nhị Nguyễn với sản phẩm mũi nhọn là gà đồi sinh học đã mở rộng các kênh online, tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT) uy tín có lượng truy cập lớn nhằm hướng tới khách hàng ở xa, muốn tìm hiểu, tiêu thụ các sản phẩm của công ty.
 
Anh Nguyễn Văn Nhị, Giám đốc công ty chia sẻ: Để quảng bá sản phẩm theo phương thức truyền thống như trước đây, công ty thường phải đầu tư khá tốn kém về kinh phí, nhân công và thời gian di chuyển, quảng bá. Chính vì điều đó, ngay từ rất sớm, công ty đã xây dựng các trang website cá nhân và tham gia giới thiệu sản phẩm qua các nền tảng số, sàn TMĐT lớn như Lazada, Tiki...
 
So với phương thức kết nối, tiêu thụ truyền thống, các thông tin, hình ảnh sản phẩm... đều được đăng tải lên các sàn TMĐT nên tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, rộng hơn, các giao dịch được thực hiện nhanh gọn hơn. Hiện với phương thức kết nối tiêu thụ áp dụng công nghệ, doanh số tiêu thụ của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Nhị Nguyễn cao gấp 4-5 lần so với phương thức kết nối, tiêu thụ truyền thống trước đây.
 
Tại Hợp tác xã (HTX) Sinh thái Sông Son, để đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm, HTX đã ứng dụng sàn TMĐT để quảng bá sản phẩm. Anh Phan Trung Thông, Giám đốc HTX Sinh thái Sông Son cho biết: Hiện tại, các sản phẩm của HTX như miến dong Sông Son, miến gạo truyền thống, miến Sâm Bố Chính... đã được HTX bán trên 8 sàn TMĐT, như: Postmart, Shoppe, Lazada, Tiki, quangbinhtrade… Tuy thời gian tiếp cận chưa lâu và tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm qua các sàn TMĐT chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ của HTX nhưng đây là kênh kết nối có nhiều tiện ích bởi tất cả các thông tin về sản phẩm, yêu cầu về số lượng tiêu thụ sẽ được cập nhật và nhanh chóng chuyển đến tận tay khách hàng. 
Ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần thúc đẩy kết nối, tiêu thụ nông sản địa phương.
Ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần thúc đẩy kết nối, tiêu thụ nông sản địa phương.
Không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm qua các kênh truyền thống tại các đại lý, cửa hàng nông sản..., hiện nay việc áp dụng nền tảng công nghệ số như đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, tự xây dựng các trang quảng cáo… đã giúp các cơ sở kinh doanh dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường với đầy đủ thông tin minh bạch, giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhanh hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Theo số liệu thống kê từ Sở Công thương, chỉ riêng Sàn giao dịch TMĐT Quảng Bình (quangbinhtrade) hiện có trên 150 doanh nghiệp, HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó chủ yếu là các sản phẩm nông sản. Cùng với quảng bá, kết nối sản phẩm nông sản trên sàn TMĐT của tỉnh, sở cũng đã phối hợp, liên kết với các sàn TMĐT lớn để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
 
Để tăng thêm cơ sở pháp lý cho nông sản khi kết nối tiêu thụ trên Postmart, Shoppe, Lazada, Tiki, quangbinhtrade, việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm như nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc... và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo quy định luôn được các cơ quan chức năng và cơ sở sản xuất quan tâm thực hiện. Trong đó, truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp cơ sở thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, HTX, người tiêu dùng, nâng tầm giá trị nông sản, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
 
Theo ông Lê Kim Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT): Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đối với cơ sở sản xuất, khi áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như minh bạch mọi thông tin cần thiết. Hoạt động này còn giúp người tiêu dùng tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó yên tâm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm…
 
Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, công nghệ thông tin trong kết nối, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông, Sở Công thương kết nối các sàn TMĐT, cung cấp dữ liệu thông tin về đơn vị sản xuất, quy mô, tiêu chuẩn chất lượng, quy cách đóng gói, hình ảnh sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương trên địa bàn tỉnh cho các sàn TMĐT và các ngành liên quan để đưa sản phẩm lên sàn.
 
Với sự đồng hành tích cực của các sở, ngành và chính quyền địa phương, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã được bày bán tại nhiều sàn TMĐT có uy tín, như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo... mở thêm cơ hội để các doanh nghiệp, HTX quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng trên khắp cả nước, kết nối tiêu thụ nông sản. Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh đã có 94 sản phẩm OCOP (100% sản phẩm) đăng tải thông tin trên Hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP (http://ocop.quangbinh.gov.vn).
 
Đặc biệt, nhằm từng bước thực hiện chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, bên cạnh mục tiêu về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch nhằm đạt chỉ tiêu cơ bản, đến năm 2025 có 100% các sản phẩm OCOP, 50% sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn TMĐT; 100% các sản phẩm OCOP thực hiện truy xuất nguồn gốc; áp dụng biện pháp tưới thông minh kết nối internet vạn vật (IoT)...
 
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối nông sản, các sản phẩm OCOP trên nền tảng số, ứng dụng TMĐT làm “cầu nối” để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT có uy tín; trong đó ưu tiên đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh lên sàn TMĐT Voso, Postmart…; tổ chức các lớp huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý của ngành và các doanh nghiệp, HTX về TMĐT, chuyển đổi số…
 
Th.H

tin liên quan

Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra kinh doanh xăng dầu toàn quốc

Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo "nóng", thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Giới thiệu cơ hội đầu tư tại tỉnh Sả-lạ-văn

(QBĐT) - Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Sả-lạ-văn, CHDCND Lào, đại diện Công ty cổ phần AMI AC Renewables, Chủ đầu tư Cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình đã giới thiệu với lãnh đạo sở, ngành của Sả-lạ-văn về tiềm năng, thế mạnh và mong muốn đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tại tỉnh.

Phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm nhập lậu phục vụ Tết Trung thu

(QBĐT) - Ngày 30/8, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Gia Huy, ở TDP 5, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới và phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có dấu hiệu nhập lậu.