Hướng đến vụ mùa thắng lợi

  • 15:03 | Thứ Ba, 19/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ sản xuất hè-thu năm 2022, nông dân trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu và chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Vì vậy, chính quyền các địa phương và ngành Nông nghiệp đã không ngừng nỗ lực đề ra nhiều giải pháp, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc để cùng nông dân vượt khó, hướng đến một vụ mùa thắng lợi.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), vụ hè-thu năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng 14.305ha/14.609ha lúa, đạt 97,9 kế hoạch. Trong đó, huyện Quảng Trạch 3.200ha, Quảng Ninh 3.060ha, TX. Ba Đồn 2.186ha, Bố Trạch 2.214ha, Lệ Thủy 1.177ha, Tuyên Hóa 1.173ha, TP. Đồng Hới 756ha, Minh Hoá 539ha. Nhiều giống lúa chủ lực đã được đưa vào gieo trồng, là: PC6, HT1, ĐB6, ĐV108, HN6, Hà Phát 3, LTH31, ST24, ST 25...  Vụ hè-thu này, nông dân toàn tỉnh cũng đã trồng 816ha rau các loại, 451ha đậu, 425ha ngô, 225ha khoai lang…
 
Sản xuất vụ hè-thu trong điều kiện dự báo thời tiết trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến bất thường, nhất là nắng nóng và lũ sớm. Do đó, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp đã sớm ban hành văn bản hướng dẫn và phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân triển khai sản xuất với phương châm thu hoạch lúa đông-xuân đến đâu, triển khai gieo cấy vụ hè-thu đến đó,bảo đảm thu hoạch trước 2/9 để tránh lũ; chỉ đạo, bố trí cơ cấu giống hợp lý, tranh thủ sớm thời vụ; hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước đầu vụ và ảnh hưởng mưa lũ cuối vụ. 
Nông dân huyện Quảng Ninh chăm sóc lúa hè-thu.
Nông dân huyện Quảng Ninh chăm sóc lúa hè-thu.
Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: Vụ hè-thu năm nay, nông dân trên địa bàn gieo cấy 3.200ha/3.280ha lúa. Diện tích gieo cấy lúa chưa đạt kế hoạch là do tại xã Quảng Hợp có 2 hồ (Cây Bốm, Bưởi Rỏi) đang thi công của dự án WB8 xả cạn nước để thi công. Về cơ cấu giống, địa phương sử dụng các loại giống chất lượng, như: HN6, Hà Phát 3, LTH31...
 
“Vụ sản xuất lúa hè-thu năm nay, cơ bản các hồ đập, kênh mương trên địa bàn huyện đủ nước tưới, không có diện tích hạn hán do thiếu nước. Thực hiện theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT, phòng cũng đã tham mưu, hướng dẫn lịch thời vụ cho các địa phương linh động gieo cấy và thu hoạch trước 5/9 để tránh lũ lụt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong sản xuất vụ hè-thu năm nay là giá cả nông sản quá thấp trong khi giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa, như: Lân, đạm, giống lại quá cao khiến cho người nông dân lo lắng, mang tư tưởng bỏ ruộng…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết thêm.
 
Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng chia sẻ, vụ hè-thu năm nay, bà con gieo trồng 1.177ha lúa, hơn 500ha rau các loại, hơn 250ha ngô, khoai lang, lạc. Địa phương tập trung cơ cấu các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày (dưới 95 ngày), như: HT1, PC6, HN6, Xuân Mai, tia chớp nhiệt đới, LTh31, ĐB6 và sử dụng giống xác nhận kỹ thuật kết hợp với các biện pháp canh tác đồng bộ khác, như: Phân bón, chế độ tưới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng…
 
“Huyện Lệ Thủy cũng đã bố trí thời vụ gieo lúa hè-thu bắt đầu từ 10/5 để thu hoạch cơ bản trước 22/8 nhằm tránh lũ đầu vụ và chuột. Riêng đối với vùng sản xuất lúa hè-thu giáp ranh với lúa tái sinh bố trí thời vụ sớm, cơ cấu giống cực ngắn ngày để thu hoạch trước 15/8, hạn chế thiệt hại do chuột. Mặt khác, địa phương cũng rà soát xây dựng phương án chống hạn, tích nước, sử dụng nước của các hồ chứa hợp lý, xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm nước, bảo đảm cân đối đủ nước cho sản xuất và thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp đối với những vùng không cân đối đủ nguồn nước tưới khi xảy ra hạn hán….”, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết.
 
Để bảo đảm sản xuất vụ hè-thu năm 2022 đúng kế hoạch, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh các cây trồng vụ hè-thu, phấn đấu thu hoạch xong trước 2/9 nhằm tránh thiệt hại do lũ sớm đầu vụ; hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích thiếu nước tưới trong vụ hè-thu, kiên quyết không bỏ hoang ruộng; hướng dẫn các biện pháp giảm thiểu chi phí sản xuất do giá vật tư nông nghiệp tăng cao…
Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình Trần Hồng Quảng cho hay: Dung tích nước của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao nên tình trạng hạn hán trong sản xuất vụ hè-thu ít hơn các năm trước.
 
“Hiện công ty đang khai thác, quản lý 32 hồ chứa nước lớn, vừa trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có 15 hồ vừa mới được các địa phương chuyển sang từ năm 2021. Để bảo đảm nước sản xuất cho vụ hè-thu, công ty đã chỉ đạo các trạm bơm tổ chức vận hành điều tiết nước kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tổ chức theo dõi nguồn nước tại các hồ chứa, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra…”, Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết.
 
Theo thông tin từ Chi cục TT-BVTV, hiện nay, do thời tiết không thuận lợi nên nhiều diện tích cây trồng hè-thu bị các loại sâu bệnh phá hại. Cụ thể: Trên cây lúa có 195ha bị chuột phá hại; 146,5ha bị nhiễm rầy lưng trắng; 37ha bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; 34ha bị nhiễm sâu keo: 32ha bị nhiễm bệnh khô vằn…
 
Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Lê Xuân Tứ cho biết: Hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá bất thường, dự báo thời gian tới, chuột, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn...tiếp tục gây hại lúa hè-thu. Chi cục TT-BVTV cũng đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời và có hiệu quả…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Lệ Thủy đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến các hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách trên địa bàn. Nhờ được tiếp cận các gói vay, nhiều hộ gia đình đã tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Quảng Ninh: Ứng dụng chương trình cảnh báo sản lượng điện bất thường

(QBĐT) - Điều kiện thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu dùng các thiết bị làm mát, như: Quạt máy, điều hòa cũng như các loại thiết bị điện tử khác trong gia đình, cơ quan tại huyện Quảng Ninh tăng đột biến. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao cùng với chất lượng vật tư thiết bị của khách hàng không bảo đảm dễ dẫn đến nguy cơ sự cố chạm chập, thất thoát điện. Do vậy, Điện lực Quảng Ninh (ĐLQN) đã tập trung hỗ trợ khách hàng phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các sự cố, tránh tình trạng điện tăng bất thường.

Hơn 9.300 lượt hộ thoát nghèo nhờ chương trình tín dụng chính sách

(QBĐT) - Chiều 18/7, UBND TX. Ba Đồn tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.