Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở huyện Lệ Thủy:

Đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế-xã hội

  • 15:01 | Thứ Ba, 19/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Lệ Thủy đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến các hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách trên địa bàn. Nhờ được tiếp cận các gói vay, nhiều hộ gia đình đã tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên khá giả.
 
“Cánh tay nối dài” của người nghèo
 
Chị Hồ Thị Thời, bản Cẩm Ly, xã Ngân Thủy trước đây là một trong những hộ nghèo của xã. Mặc dù có làm 1 mẫu ruộng, thế nhưng vì quá đông con khiến cuộc sống của gia đình chị lúc nào cũng lâm vào cảnh thiếu ăn. Chị Thời cho hay: “Nhà có làm ruộng nhưng năng suất không cao do lúc đó chỉ biết làm thủ công, sử dụng trâu bò để cày bừa. Cỏ, sâu bệnh cũng không có thuốc phun nên năng suất rất thấp”.
 
Tưởng như cái nghèo sẽ đeo bám cuộc sống gia đình chị, thì đến năm 2013 chị được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH để phát triển kinh tế. Kể về quá trình thoát nghèo, chị Thời tâm sự: Được vay gói thoát nghèo 20 triệu đồng, chị đầu tư thuê máy móc đào 5 hồ cá. Tiền còn thừa, chị đầu tư mua các giống cá, như: Mè, trôi, rô phi... để thả nuôi. Nhờ mô hình nuôi cá, mỗi năm gia đình chị lãi trên 40 triệu đồng, chị dần tích cóp được tiền trả nợ vay và có thêm được khoản tiết kiệm. Có tiền, gia đình chị bắt đầu thuê máy móc về để sản xuất lúa, năng suất lúa vì thế ngày càng nâng cao.
Nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ thoát cảnh đói ăn và vươn lên làm giàu.
Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu.

“Thấy nhiều hộ trong vùng chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế, trong khi đất vườn còn để hoang nhiều, tôi quyết định vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng CSXH để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Trung bình mỗi lứa, tôi nuôi khoảng 30 con lợn thịt và nuôi thêm 2 con lợn nái để nhân giống. Với 2 lứa lợn, mỗi năm gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên thời gian gần đây, do thức ăn chăn nuôi tăng giá, thu nhập từ chăn nuôi lợn có giảm nhưng gia đình tôi vẫn duy trì số lượng đàn nuôi”, chị Hồ Thị Thời tâm sự.

Từ một hộ nghèo không đủ ăn, đủ mặc, gia đình chị Hồ Thị Thời đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập cao tại địa phương. Cũng nhờ có nguồn vốn mà 7ha đất rừng vợ chồng chị khai hoang trước đây được chị thuê người để trồng keo tràm. Hiện tại, 7ha keo tràm của chị đã cho thu hoạch nhiều đợt với mức trung bình thu về khoảng 300 triệu đồng/đợt.
 
Có thể thấy những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với những bản làng dân tộc thiểu số xa xôi, giúp họ thoát cảnh đói ăn và vươn lên làm giàu. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình đã vực dậy phát triển kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh.
 
Sau khi bị ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, đàn vịt hàng trăm con của gia đình ông Phan Trọng Thoán, xã Phong Thủy bị chết, thiệt hại lên đến gần 200 triệu đồng. Kinh tế cả gia đình phụ thuộc vào nghề chăn nuôi vịt và kéo lưới trên sông, nay dịch bệnh khiến gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn, thất thu. Trong khi chưa biết làm cách gì để vực dậy kinh tế, ông được cán bộ PGD NHCSXH huyện giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH.
 
“Được vay 20 triệu đồng, tôi quyết định bỏ thêm vốn để mua 2 con bò. Từ 2 con bò, tôi nhân giống từ từ, cứ mỗi năm tôi lại thêm được 1 con bò mới. Cứ như vậy, đến nay gia đình tôi có một đàn bò 7 con. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi lãi khoảng 30 triệu đồng từ chăn nuôi bò. Có thêm nguồn vốn trong tay, tôi bắt đầu mở rộng thêm chăn nuôi. Thấy dê là loài phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, tôi bắt đầu mua 12 con dê để nuôi. Tuy nhiên, không may do lũ nên số dê này cũng bị nước lũ cuốn trôi. Không nản chí, tôi tiếp tục vay vốn tín dụng CSXH để nuôi thêm dê và bắt đầu nhân giống. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay gia đình tôi đã có thêm được 10 con dê”, ông Thoán chia sẻ.
 
Ngoài mô hình chăn nuôi bò và dê, hiện nay gia đình ông còn sản xuất thêm mô hình trồng sen lấy hạt. Ông cho hay, đầu năm 2021, thấy trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông mạnh dạn thuê 1,5ha đất ruộng kém hiệu quả của xã để cải tạo trồng sen. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ mọi người và thông tin trên mạng nên vụ đầu mỗi ha sen, gia đình ông lãi được 30 triệu đồng. Từ một hộ có thu nhập thấp, đến nay, nhờ mô hình tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm gia đình ông Thoán có nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.
 
Phát huy vai trò dẫn vốn đến với người dân
 
Huyện Lệ Thủy có diện tích tự nhiên 1.401,8km2, trong đó đồi núi chiếm 80% diện tích. Trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội của huyện phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ cộng với đợt dịch Covid-19 vừa qua khiến cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Số người chưa có việc làm và thiếu việc làm còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo một số xã còn cao. Trước những khó khăn của bà con nhân dân, PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy đã triển khai các chương trình vay theo các nghị định của Chính phủ nhằm giúp người dân có nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. 
Nguồn vốn tín dụng CSXH triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến người dân trên địa bàn huyện.
Nguồn vốn tín dụng CSXH triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến người dân trên địa bàn huyện.
Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy cho biết: Trong 20 năm qua, đơn vị đã quan tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 32,3 tỷ đồng. Đến nay, PGD NHCSXH huyện đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 đạt 557,1 tỷ đồng với 12.173 khách hàng đang vay vốn. Phương thức cho vay chủ yếu tại PGD NHCSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị-xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên huyện.
 
Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập 26 điểm giao dịch của NHCSXH tại 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng. Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của PGD NHCSXH huyện đều được niêm yết công khai tại bảng thông tin tín dụng chính sách. Khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị-xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) và chính quyền cấp xã. 
 
Trong những năm qua, mạng lưới tổ TK-VV đã phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn, cầu nối giữa người vay với NHCSXH. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 364 TK-VV; bình quân mỗi xã có 14 TK-VV, chất lượng tổ tương đối đồng đều, có 350 tổ không có nợ quá hạn.
 
Có được kết quả như trên, là nhờ sự nỗ lực của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện-một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công của tín dụng CSXH. Bên cạnh đó là vai trò lãnh đạo của chính quyền các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò của chủ tịch xã và trưởng các thôn (bản, tổ dân phố) trong việc quản lý, giám sát hoạt động của tổ TK-VV ở cơ sở bảo đảm tuân thủ đúng quy định.
 
Trong 20 năm hoạt động, với sự chỉ đạo tích cực của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cùng với sự quan tâm của các cấp ngành và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn huyện, toàn bộ tổ chức mạng lưới hoạt động tín dụng CSXH tại huyện Lệ Thủy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại PGD NHCSXH huyện Lệ Thuỷ đạt 559,2 tỷ đồng, tăng 526,9 tỷ đồng (gấp 16,3 lần) so với thời điểm ban đầu. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, giúp 34.698 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp 26.100 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho 4.565 lao động.
 
Đ.Nguyệt

tin liên quan

Chủ tịch nước: Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Lào

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam và Lào cần phát huy tiềm năng, nội lực để hợp tác thương mại, đầu tư có những bước đột phá mới, trở thành trụ cột vững chắc cho quan hệ hai nước.
 

Quảng Ninh: Ứng dụng chương trình cảnh báo sản lượng điện bất thường

(QBĐT) - Điều kiện thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu dùng các thiết bị làm mát, như: Quạt máy, điều hòa cũng như các loại thiết bị điện tử khác trong gia đình, cơ quan tại huyện Quảng Ninh tăng đột biến. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao cùng với chất lượng vật tư thiết bị của khách hàng không bảo đảm dễ dẫn đến nguy cơ sự cố chạm chập, thất thoát điện. Do vậy, Điện lực Quảng Ninh (ĐLQN) đã tập trung hỗ trợ khách hàng phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các sự cố, tránh tình trạng điện tăng bất thường.

Hơn 9.300 lượt hộ thoát nghèo nhờ chương trình tín dụng chính sách

(QBĐT) - Chiều 18/7, UBND TX. Ba Đồn tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.