Đầu ra bền vững cho nông sản miền núi

  • 06:56 | Thứ Hai, 04/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khu vực miền núi Quảng Bình có không ít nông sản giá trị cao, giàu tiềm năng để phát triển thị trường, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tại, riêng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cũng đã có nhiều nông sản đến từ các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa. Tuy nhiên, để nông sản miền núi đến tận tay khách hàng, tiếp cận các thị trường lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, không ít sản phẩm chủ yếu được phân phối “quẩn quanh”, đầu ra bó hẹp và mất dần tính cạnh tranh.
 
Đầu năm 2022, gạo sạch Mai Hóa (Tuyên Hóa) được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra nhiều cơ hội để đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
 
Nhưng theo chia sẻ của ông Chu Văn Tú, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Cổ Cảng, xã Mai Hóa, sản phẩm mới chỉ được phân phối trong địa bàn huyện Tuyên Hóa, chủ yếu là thị trấn Đồng Lê và một số xã lân cận. Hình thức phân phối chính là ai có nhu cầu thì liên hệ để được cung cấp hoặc qua “mối thân quen”, chưa có kênh phân phối hay marketing chuyên nghiệp.
 
Trên thực tế, do mới triển khai, nên năng suất sản lượng sản phẩm gạo sạch Mai Hóa còn thấp, năm 2021, sản lượng đạt từ 2-3 tấn, nên thị trường tiêu thụ còn nhỏ hẹp. Sản phẩm thường được thu mua trực tiếp từ các thành viên trong HTX, HTX chưa có diện tích canh tác tập trung, nên khó nâng cao năng suất, sản lượng.
 
Sắp tới, HTX dự định xây dựng khu vực canh tác sản phẩm riêng, đầu tư máy móc trang thiết bị để mở rộng sản xuất, tiếp đó, sẽ tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, đó chắc chắn sẽ là một bước đi dài hơi, đòi hỏi nhiều nỗ lực, HTX cần nhiều hỗ trợ nhất là về việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng quản lý, vận hành của nguồn nhân lực.
 
Tương tự như vậy là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh măng khô Cà Roòng của HTX Cà Roòng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch). Với kỳ vọng tạo sinh kế cho người dân khu vực miền núi, HTX với 31 thành viên có nhiều nỗ lực để đầu tư máy móc sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ bao bì, nhãn mác…
 
Sản phẩm rất được người dân ưa chuộng, nhưng do quy mô sản xuất còn nhỏ hẹp, địa bàn xã lại chưa có điện lưới, phải chạy máy nổ để sản xuất nên chi phí tăng, giá thành sản phẩm cao, chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Sản phẩm măng khô Cà Roòng cũng chỉ mới chủ yếu phân phối theo kênh truyền thống thông qua các mối quan hệ thân quen, chưa xây dựng được kênh phân phối riêng.
Sản phẩm măng khô của HTX Cà Roòng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) có nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm măng khô của HTX Cà Roòng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) có nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Hoàng Duy Hưng, Giám đốc HTX Cà Roòng chia sẻ, với địa hình vùng núi cao, HTX gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thêm nữa sản phẩm theo mùa, thời tiết thất thường nên việc duy trì sản xuất cũng không hề đơn giản. Thời gian qua, HTX cũng nỗ lực đưa sản phẩm đến một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, nhưng lượng sản phẩm chưa nhiều. Kỳ vọng thời gian tới, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX sẽ nỗ lực phát triển kênh phân phối, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm, nhất là những thị trường tiềm năng, tiếp cận kênh phân phối thương mại điện tử.
 
Ông Dương Thảo, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình cho biết, siêu thị tạo nhiều cơ hội cho các nông sản Quảng Bình nói chung, nông sản miền núi nói riêng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, riêng các mặt hàng nông sản miền núi địa phương có mặt tại siêu thị vẫn còn ít ỏi, nếu có cũng không được bền vững.
 
Nguyên nhân chính là bởi các HTX, cơ sở sản xuất chưa chủ động tìm đến siêu thị để giới thiệu sản phẩm, trong khi siêu thị rất quan tâm và tạo điều kiện, nhất là những sản phẩm đã có chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, siêu thị cũng thường xuyên hỗ trợ các cơ sở sản xuất để thực hiện thủ tục, giấy tờ cần thiết nhằm đưa hàng hóa vào siêu thị. Một hạn chế nữa là các nông sản miền núi thường yếu ở khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nên lượng tiêu thụ chưa được cao, chưa tạo được dấu ấn cho khách hàng.
 
Còn theo bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông, tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch An Nông ở TP. Đồng Hới, hai sản phẩm của bà con miền núi rất được khách hàng ưa chuộng, hầu như lấy về đến đâu, bán hết đến đó là măng tươi và mật ong của Tuyên Hóa. Bản thân bà cũng rất tâm huyết với mảng nông sản miền núi nhằm tạo sinh kế cho bà con, đa dạng hóa sản phẩm tiêu thụ, nhưng vẫn chưa nhiều nông sản miền núi được bày bán tại chuỗi cửa hàng nông sản sạch An Nông.
 
Thực tế cho thấy, dù có không ít nông sản tiềm năng, nhưng bà con miền núi vẫn chưa quen với lối sản xuất hàng hóa, quy mô còn nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, thiếu người đứng ra để làm đầu mối, phân phối đầu ra, xây dựng thương hiệu sản phẩm lâu dài. Một số sản phẩm tuy đã được đầu tư mẫu mã, nhãn hiệu và đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh nhưng khâu quảng bá lại yếu, nên ít đến được tay khách hàng. Đó là chưa kể đến những khó khăn khác đến từ tính thời vụ, chất lượng sản phẩm…
 
Thực tế trên cho thấy, để bảo đảm đầu ra cho nông sản, trước hết, các cơ sở sản xuất, HTX, tổ hợp tác ở khu vực miền núi phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, mạnh dạn thay đổi từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi, mở rộng dần quy mô. Từ đó, có cơ sở để xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, linh hoạt tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
 
Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, cần sự tự tin, mạnh dạn của các chủ thể để tìm cơ hội cạnh tranh các thị trường lớn, chủ động hơn với thương mại điện tử, không để lãng phí chứng nhận đã đạt được. Đồng hành với bà con, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan để nông sản vùng núi có cơ hội được vươn xa, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
 
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, một trong những hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh đối với các HTX miền núi chính là bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ nguồn nhân lực theo các chương trình bồi dưỡng nhân lực của đơn vị. Qua đó, ban quản trị các HTX miền núi được bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ, làm quen với các đổi mới trong quản lý HTX giai đoạn hiện nay, học hỏi, trao đổi các kinh nghiệm cần thiết. Kỳ vọng của Liên minh HTX tỉnh là được hỗ trợ thành lập Quỹ HTX, để có thể “trợ lực” về nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho các HTX nói chung, HTX miền núi nói riêng, nhất là trong bối cảnh vượt khó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Mai Nhân

tin liên quan

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Với nhiều cách làm sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ mới vào sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã thành công với các mô hình kinh tế hiệu quả.

Du lịch vào mùa cao điểm

(QBĐT) - Những hàng quán tấp nập. Bãi biển đông đúc người. Vào dịp cuối tuần, nhiều điểm, tuyến du lịch đón hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày... Du lịch Quảng Bình đã thực sự bước vào mùa cao điểm nhất trong năm.

Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch

(QBĐT) - Giữa mùa nắng hạn, trong khi nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt trở nên bức thiết thì tại nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình cấp nước hư hỏng, ngưng hoạt động khiến người dân thiếu nước sinh hoạt.