20 năm vì người nghèo

  • 07:13 | Thứ Ba, 05/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 20 năm thành lập và phát triển, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bố Trạch đã thực hiện tốt công tác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Sự ra đời của PGD NHCSXH huyện đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
 
“Phao cứu sinh” cho người nghèo
 
Đầu năm 2021, khi đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh thì dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh khiến ông Nguyễn Quang Trung (quê ở thôn Tân Nẫm, xã Cự Nẫm) và 2 người con phải khăn gói trở về quê hương. Trở về quê, dù an toàn với dịch bệnh nhưng ông Trung phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Được chính quyền xã tuyên truyền và tạo điều kiện cho tiếp cận gói vay giải quyết việc làm từ PGD NHCSXH huyện, ông đã mạnh dạn vay số tiền 60 triệu đồng để phát triển kinh tế.
 
Ông Nguyễn Quang Trung chia sẻ: Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài nên tôi và 2 người con bàn nhau trở về quê lập nghiệp. Đang trong lúc cần nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế thì được PGD NHCSXH huyện cho tiếp cận gói vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi. Có tiền vay ưu đãi, gia đình ông gom thêm ít vốn nữa để mở cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc và nuôi thêm gần 1.000 con gà, ngan và đào thêm 2 ao để nuôi cá.
Nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH đã đầu tư kinh doanh hiệu quả.
Nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH đã đầu tư kinh doanh hiệu quả.
Mô hình kinh doanh và chăn nuôi tổng hợp đã giúp ông và các con có nguồn thu nhập khá trong điều kiện dịch bệnh phức tạp và tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.
 
“Sau hơn 1 năm về quê lập nghiệp, hiện tại, công việc kinh doanh và chăn nuôi đang trên đà phát triển tốt, gia đình tôi đang có dự định mở rộng thêm cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc. Công việc ở quê ổn định nên tôi và các con không có ý định vào miền Nam để làm ăn nữa”, ông Nguyễn Quang Trung vui mừng cho biết.  
 
Không chỉ hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo, nguồn vốn tín dụng CSXH còn giúp nhiều người dân duy trì công việc, ngành nghề truyền thống của địa phương.
 
Trước đây, HTX Chế biến thủy sản Nhân Trạch của bà Phạm Thị Hoa, xã Nhân Trạch chỉ là cơ sở làm nước mắm nhỏ theo hộ gia đình. Sau một thời gian xây tạo dựng được chất lượng, nước mắm của gia đình bà được nhiều người ưa chuộng và biết đến. Với mong muốn xây dựng thương hiệu nước mắm Nhân Nam của quê hương bài bản và quy mô lớn hơn, bà đã quyết định thành lập HTX Chế biến thủy sản Nhân Trạch.
 
Bà Phạm Thị Hoa cho biết: “Để thành lập HTX, chúng tôi phải cần số vốn lớn. May mắn được PGD NHCSXH huyện Bố Trạch cho vay số tiền 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, chúng tôi đã đầu tư mua máy móc, nguyên liệu. Sau một thời gian, HTX đã xây dựng được thương hiệu nước mắm Nhân Nam với mẫu mã, bao bì, logo bài bản. Hiện sản phẩm nước mắm Nhân Nam của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trung bình mỗi năm, HTX bán ra thị trường 2.500 lít nước mắm”.
 
Ngoài xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Nhân Nam, HTX Nhân Trạch cũng mở rộng chế biến các sản phẩm hải sản như cá khô, ruốc quết mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, với mức hơn 60 triệu đồng/năm.
 
Nhiều chương trình vay vốn phát huy hiệu quả
 
Có thể nói, 20 năm qua, vốn tín dụng CSXH đã về đến với tất cả các thôn, xóm, bản làng trong toàn huyện Bố Trạch, đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhờ vậy, đời sống các hộ nghèo ngày càng được cải thiện và tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
 
Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết: Những ngày đầu thành lập, từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao của chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Kho bạc Nhà nước huyện, PGD NHCSXH huyện đã triển khai cho vay thêm 16 chương trình tín dụng chính sách mới.
 
Hiện PGD NHCSXH huyện Bố Trạch đang thực hiện 18 chương trình tín dụng ưu đãi. Các chương trình tín dụng đã được tổ chức thực hiện kịp thời và đúng đối tượng, gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo, vay hộ cận nghèo, vay hộ mới thoát nghèo; vay giải quyết việc làm; vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; vay xuất khẩu lao động; vay nước sạch và vệ sinh môi trường; vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định số 167/QĐ-TTg; vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg; vay thương nhân vùng khó khăn theo Quyết định số 92/QĐ-TTg; vay chuyển đổi nghề theo Quyết định số 755/QĐ-TTg...
PGD NHCSXH huyện Bố Trạch triển khai các hoạt động hướng về người nghèo.
PGD NHCSXH huyện Bố Trạch triển khai các hoạt động hướng về người nghèo.
Trong 18 chương trình tín dụng đang dư nợ, có nhiều chương trình tín dụng tăng mạnh so với năm 2002, như: Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tăng 117,6 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường tăng 147 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 91,6 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm tăng 37,6 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo tăng 44,4 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội Nghị định số 100/2015/NĐ-CP tăng 20,4 tỷ đồng; người sử dụng lao động trả lương ngưng việc, trả lương phục hồi sản xuất 3,3 tỷ đồng...
 
Đặc biệt, năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, PGD NHCSXH huyện đã kịp thời triển khai các chương trình cho vay được giao. Đến nay đã có 240 lượt khách hàng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 12 tỷ đồng.
 
Theo thống kê của PGD NHCSXH huyện Bố Trạch, tổng doanh số cho vay từ năm 2002 đến nay đạt 2.069,5 tỷ đồng với 128.037 nghìn lượt khách hàng vay, tăng 609,2 tỷ đồng so với năm 2002, bình quân cho vay 16,2 triệu đồng/khách hàng. Tổng dư nợ đến 31/5/2022 đạt 640,8 tỷ đồng, tăng 609,2 tỷ đồng so với năm 2002. Trên địa bàn huyện có 388 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 265 thôn, tổ dân phố, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác.
Qua 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đồng vốn cho vay của PGD NHCSXH huyện Bố Trạch đã và đang phát huy hiệu quả. Kết quả kiểm tra định kỳ hàng năm cho thấy, các hộ vay đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả kinh tế và cơ bản trả nợ, trả lãi theo đúng kỳ hạn đã thoả thuận với ngân hàng.
 
Định kỳ hàng năm, PGD NHCSXH huyện cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát hiệu quả vốn đầu tư. Theo đó, số hộ có đời sống cải thiện hơn trước là 196.048 hộ; số hộ thoát ngưỡng nghèo đói và ra khỏi danh sách hộ nghèo là 4.267 hộ, nâng tổng số lượt hộ thoát nghèo của huyện là 12.477 hộ; nâng dư nợ bình quân trên một hộ từ 2,24 triệu đồng (năm 2002) lên 42,5 triệu đồng (năm 2022).
 
Tính riêng trong năm 2022, PGD NHCSXH huyện đã cho 128.037 lượt hộ vay vốn, tạo việc làm cho trên 70 nghìn lao động có việc làm ổn định, thường xuyên; đã có 76.562 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, trong đó, đến nay còn 4.269 hộ nghèo, hộ cận mới thoát nghèo đang có dư nợ tại PGD NHCSXH.
 
20 năm qua, PGD NHCSXH huyện Bố Trạch cũng hỗ trợ chi phí cho 2.525 lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; 11.131 học sinh, sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về tài chính có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp; cho 21.986 lượt hộ gia đình vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng 21.986 công trình nước sạch, 21.986 công trình vệ sinh góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe.
 
Đ.Nguyệt

tin liên quan

Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Ngày 30/6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. 

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Với nhiều cách làm sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ mới vào sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã thành công với các mô hình kinh tế hiệu quả.

Du lịch vào mùa cao điểm

(QBĐT) - Những hàng quán tấp nập. Bãi biển đông đúc người. Vào dịp cuối tuần, nhiều điểm, tuyến du lịch đón hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày... Du lịch Quảng Bình đã thực sự bước vào mùa cao điểm nhất trong năm.