Giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách

  • 06:34 | Thứ Bảy, 09/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong đó, từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã chủ động vay vốn, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Quảng Ninh cho biết, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, PGD NHCSXH huyện đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình.
 
Với chị Nguyễn Thanh Nga, thôn Võ Tân, xã Xuân Ninh, nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình chị vượt qua khó khăn. Năm 2015, thông qua chương trình cho vay hộ cận nghèo của PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh, gia đình chị Nga đã vay 50 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay ban đầu, chị đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống để nuôi bò, lợn và vịt.
 
Năm 2017, chị tiếp tục vay thêm nguồn vốn từ các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường từ NHCSXH để phát triển quy mô chuồng trại. Hiện tại, gia đình chị đang nuôi 2 con bò lai, 6 con lợn nái, 300 con vịt cho thu nhập ổn định hơn 50 triệu đồng/năm.
 
Vui mừng với thành quả đạt được, chị Nga chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, tôi khó gây dựng được mô hình kinh tế ổn định như bây giờ. Thời gian tới, tôi sẽ vay thêm vốn để mở rộng quy mô gia trại cũng như phát triển thêm các loại hình dịch vụ khác”. 
Từ nguồn vốn vay chính sách xã hội, chị Nguyễn Thanh Nga, xã Xuân Ninh đã có thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Từ nguồn vốn vay chính sách xã hội, chị Nguyễn Thanh Nga, xã Xuân Ninh đã có thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh, vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã thật sự trở thành “phao cứu sinh” cho người nghèo, giúp bà con phát triển kinh tế. PGD NHCSXH huyện sẽ tập trung khai thác nguồn lực của Trung ương và địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã; phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng đã triển khai; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn để bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả… Hiện, tổng dư nợ NHCSXH ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội là gần 390 tỷ đồng.
 
Tiếp cận được nguồn vốn, nhiều hộ gia đình đã sử dụng hiệu quả vốn vay. Điển hình như gia đình chị Vũ Minh Hường ở thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Hường đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng các loại cây ăn quả. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện tại, trang trại chăn nuôi của gia đình chị Hường duy trì thường xuyên 6 hồ nuôi cá và tôm thẻ chân trắng, hơn 200 con ngan, vịt, ngỗng và hàng trăm gốc ổi, dừa xiêm, bưởi da xanh… cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, việc thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua NHCSXH đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách được ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục-đào tạo, chú trọng đầu tư vốn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn và trật tự xã hội tại địa phương.
 
Trong 20 năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh đã góp phần giúp cho 10.404 lượt hộ thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng; trên 2.000 lao động được tạo công ăn việc làm; 10.226 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 15.971 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa, xây dựng 998 căn nhà; 69 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở xã hội…
Đến tháng 6/2022, tổng nguồn vốn của PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh đạt hơn 383 tỷ đồng, gấp 13,5 lần so với năm 2003. Trong giai đoạn 2002-2022, đã có 72.343 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, doanh số cho vay trên 1.409 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 15,61%/năm, nguồn vốn vay được bảo toàn và phát triển, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (chiếm 0,06%/tổng dư nợ).
 
Lan Chi

tin liên quan

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường ven biển

(QBĐT) - Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình được các cấp, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, Dự án thành phần 1-Đường ven biển đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Giữ xanh rừng ven biển

(QBĐT) - Quảng Bình có hơn 116km bờ biển với tiềm năng và thế mạnh riêng có nhưng cũng đặt ra cho địa phương nhiều thách thức, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, chống cát bay, cát chảy, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai ở vùng ven biển. Và một trong những giải pháp hết sức quan trọng, căn cơ phải kể đến, đó là giữ xanh cho được những diện tích rừng ven biển.

6 tháng đầu năm có 19.463 lượt khách hàng vay vốn

(QBĐT) - Sáng 8/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ III, năm 2022.