Đồng hành cùng hàng Việt

  • 12:42 | Thứ Sáu, 03/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng hành với cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc sản xuất và sử dụng hàng Việt.
 
Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả, Sở NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc mua, bán và sử dụng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
 
Công tác tuyên truyền được thực hiện qua nhiều hình thức, như: Lồng ghép tuyên truyền về CVĐ trong các hội nghị tập huấn triển khai các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của ngành; đăng tin, bài giới thiệu sản phẩm OCOP trong tỉnh được công nhận lên trang ocop.quangbinh.gov.vn; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC-VTC10 thực hiện các phóng sự, tin bài, hình ảnh về chương trình OCOP; in ấn cẩm nang về sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020…
 
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở NN-PTNT cũng luôn chú trọng đến việc phát triển, mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt, đặc biệt là đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tỉnh.
 
Theo đó, sở đã phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam-Vinanutrifood giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP được công nhận trong tỉnh; phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các trang web của Trung ương như: ocopvietnam.gov.vn; ketnoiocop.vn.
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm OCOP trong tỉnh.
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm OCOP trong tỉnh.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh, Sở NN-PTNT luôn khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh từ “sản xuất-phân phối-tiêu dùng” gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.
 
Năm 2021, sở đã triển khai hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cho Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoai lang Lâm Hường và HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hải Nam với kinh phí 500 triệu đồng; hỗ trợ 400 triệu đồng thực hiện 2 mô hình nuôi lợn hữu cơ tại Tuyên Hóa, Lệ Thủy và một số mô hình khác.
 
Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đã tiếp nhận hồ sơ và cấp xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho các cơ sở kinh doanh đạt yêu cầu. Đến nay, toàn tỉnh có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) an toàn với 20 sản phẩm được chứng nhận.
 
Đặc biệt, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, quản lý lâm sản và chất lượng an toàn NLTS... nhằm phát hiện, ngăn chặn những hành vi sản xuất, kinh doanh trái pháp luật.
 
Năm 2021, toàn ngành đã tổ chức 122 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 1.556 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm NLTS và phát hiện 408 cơ sở vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về khai thác, vận chuyển mua bán lâm sản, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và một số quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, chế biến NLTS...
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết: "Để thực hiện có hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh hình thành liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, tăng cường công tác quản lý chất lượng NLTS; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh.
 
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất chân chính”.
 
Quảng Bình hiện có 52 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, HACCP, trong đó: 35 cơ sở trồng trọt, 14 cơ sở chăn nuôi, 1 cơ sở nuôi trồng và 2 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường hơn 4.000 tấn sản phẩm rau, thịt, thủy sản an toàn. Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng hàng Việt.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Ngày 27/5, HĐND tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Nghị quyết về bổ sung, điều chỉnh danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 27/5, HĐND tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết số 61/NQ-HĐND về bổ sung, điều chỉnh danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Quy hoạch, phát triển đô thị bền vững

(QBĐT) - Với định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, những năm qua, Quảng Bình luôn chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển đô thị bền vững.