Quảng Ninh: Tập trung sản xuất vụ hè-thu

  • 06:37 | Thứ Năm, 02/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngay sau khi hoàn thành thu hoạch vụ đông-xuân, bà con nông dân huyện Quảng Ninh khẩn trương làm đất, triển khai sản xuất vụ hè-thu, bảo đảm khung lịch thời vụ.
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, hơn 1.700ha lúa trên địa bàn huyện bị đổ, ngã. Nhiều diện tích lúa trổ gặp thời tiết bất thuận nên tỷ lệ hạt lép cao dẫn đến năng suất, sản lượng giảm. Năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 58 tạ/ha, giảm 5,8 tạ/ha so với vụ đông-xuân trước; sản lượng ước tính 30.224 tấn. Tổng sản lượng lương thực vụ đông-xuân đạt 30.815 tấn, giảm 3.153 tấn so với cùng kỳ.
 
Hiện nay, cùng với việc thu hoạch cây trồng vụ đông-xuân, nông dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh đang tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất vụ hè-thu với nhiều kỳ vọng.
 
Tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân xã Duy Ninh tập trung làm đồng, gieo sạ lúa vụ hè-thu. Bà Trần Thị Hà, thôn Trung Quán, xã Duy Ninh cho biết: “Vụ hè-thu năm nay, gia đình tôi làm 3 sào ruộng, chủ yếu là giống lúa HT1 và ADI168. Sau khi có thông báo của thôn, tôi tranh thủ xuống giống đúng khung lịch thời vụ nhằm bảo đảm cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế sâu bệnh gây hại. Bước vào đầu vụ, giá vật tư nông nghiệp có tăng nên mọi chi phí cho sản xuất cũng tăng theo.”
Người dân xã Duy Ninh (Quảng Ninh) sử dụng máy cấy lúa thay cho sạ tay để giảm chi phí.
Người dân xã Duy Ninh (Quảng Ninh) sử dụng máy cấy lúa thay cho sạ tay để giảm chi phí.
Vụ hè-thu năm 2022, toàn xã Duy Ninh gieo cấy 360ha lúa, tập trung vào các giống, như: HT1, HT6, PC6, ADI168... Ông Phạm Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết, thời điểm hiện tại, nông dân trên địa bàn xã đã gieo trồng được hơn 1/3 diện tích lúa. Cùng với việc tích cực áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến SRI, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vụ hè-thu này, xã phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 40ha.
 
Để bảo đảm vụ hè-thu đạt kết quả cao, huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét hệ thống kênh mương, tổ chức gieo cấy đạt và vượt kế hoạch giao; phấn đấu kết thúc gieo cấy trước ngày 5/6 và thu hoạch trước ngày 30/8 để tránh lũ cuối vụ.
 
Các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là chuột, ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ; bố trí giống phù hợp với từng chân đất, ưu tiên giống chất lượng cao, ngắn ngày được cơ cấu gieo trồng trong lịch thời vụ của tỉnh, huyện.
 
Các địa phương hướng dẫn người dân chủ động giảm lượng giống gieo trên đơn vị diện tích để tiết kiệm chi phí, hạn chế sâu bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất, chỉ nên gieo từ 3-4 kg/sào theo từng chân đất, loại giống.
 
Trên cơ sở kế hoạch huyện giao, UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và triển khai thực hiện. Đối với những chân ruộng lúa bị thiếu nước, kém hiệu quả chuyển sang sản xuất cây trồng, như: Dưa hấu, mướp đắng, dưa leo, ngô, đậu xanh...; cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, đất đang ẩm để nhanh chóng làm đất và triển khai gieo trồng kịp thời.
 
Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Ninh cho biết, vụ hè-thu năm 2022, huyện chú trọng gieo trồng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, như: HN6, PC6, HT1, KD18, DV108… Vùng ruộng vàn cao bố trí các giống có khả năng chịu hạn khá, như: KD18, DV108, Xuân Mai. Vùng thường hay ngập lụt cuối vụ bố trí các giống có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày và gieo sớm, như: PC6 để chạy lũ, tránh chuột di cư. Trên một xứ đồng chỉ bố trí sản xuất từ 1-2 loại giống, mỗi xã, thị trấn nên cơ cấu 2-3 giống để thuận tiện cho việc làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Đối với cây ngô, UBND huyện cơ cấu các giống chủ lực, chịu hạn, năng suất cao, như: NK6410, NK6101, ngô nếp HN88, Ngô nếp lai Tố nữ…
 
Các địa phương chấp hành nghiêm các quy định về giống, không đưa vào sản xuất những loại giống nguồn gốc không rõ ràng; giống không có tên trong danh mục được phép sản xuất của Bộ NN-PTNT; giống chưa được sản xuất trình diễn trên địa bàn tỉnh.
 
Xác định vụ hè-thu năm 2022 là vụ mùa khó khăn, nguy cơ thiếu nước cao, ngay sau khi thu hoạch vụ đông-xuân, huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các chi nhánh thủy nông trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý ngay từ đầu năm, có lịch tưới cụ thể để bảo đảm nguồn nước kịp thời phục vụ sản xuất.
 
Ông Nguyễn Thanh Phùng, Trưởng chi nhánh Thủy nông Quảng Ninh cho biết, chi nhánh quản lý 4 công trình hồ chứa, 2 đập dâng, 2 trạm bơm và hơn 50km hệ thống kênh chính và kênh cấp 1. Ngay từ đầu vụ hè-thu, chi nhánh đã cử cán bộ, công nhân viên trực ở các điểm đầu mối, trạm bơm, cuối nguồn vận hành để điều tiết nước, bảo đảm tưới tiêu. Đơn vị cũng đã tu sửa hệ thống máy bơm, sửa chữa công trình, nạo vét kênh mương để bảo đảm phục vụ tốt sản xuất vụ hè-thu, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất.
 
Ngoài ra, chi nhánh cũng đã phối hợp với các địa phương, hợp tác xã xây dựng phương án cấp nước cụ thể đối với từng vùng, quản lý chặt chẽ các nguồn nước, lập kế hoạch dùng nước với lịch tưới theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.
 
“Vụ hè-thu năm 2022, huyện Quảng Ninh dự kiến gieo trồng 3.300ha lúa, 30ha ngô, 50ha lạc…; chuyển đổi 80ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, như: Dưa hấu, mướp đắng, dưa leo... Bên cạnh việc chủ động về nguồn giống, vật tư, phân bón và nguồn nước cho sản xuất, huyện cũng chủ động điều tra dự tính dự báo, phát hiện, cảnh báo sớm dịch hại và đề ra các phương án phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng; áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn… với kỳ vọng sẽ có một vụ mùa thắng lợi”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, cho hay.
 
Lan Chi

tin liên quan

Quy chế quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá tại tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 20/5, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND về ban hành Quy chế quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá tại tỉnh Quảng Bình.

Đưa du lịch Quảng Bình bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới

(QBĐT) - Chiều nay, 31/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
 

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 31/5, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh tổ chức họp, bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2022.