Giữ rừng cho mai sau

  • 08:10 | Thứ Sáu, 03/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Rừng phòng hộ (RPH) không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà còn có giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhận thức đúng tầm quan trọng của RPH, Ban Quản lý RPH Quảng Trạch đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay và cho mai sau.
 
Phủ xanh đồi trọc bằng cây bản địa
 
Ban Quản lý RPH Quảng Trạch được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích 12.600ha tại huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn. Trong đó có gần 1.200ha cây bản địa được trồng tại các xã: Quảng Đông, Quảng Kim, Quảng Thạch, Quảng Hợp (Quảng Trạch) và Quảng Sơn (TX. Ba Đồn) do dự án JICA2 tài trợ. Giống cây được trồng là lát hoa, lim xanh và keo tai tượng. Rừng được trồng tại những nơi đất trống, đất chưa có rừng và trồng xen dưới rừng thông…
 
Ông Lê Ngọc Duẩn, Giám đốc Ban Quản lý RPH Quảng Trạch cho biết: “Trước đây, trên địa bàn có diện tích đất trống, đồi trọc khá lớn. Nhưng từ khi được dự án JICA2 hỗ trợ, chúng tôi đã tập trung trồng rừng cây bản địa. Hơn 6 năm trồng và chăm sóc, rừng cây này đã phát triển xanh tốt. Qua đó, góp phần giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao khả năng phòng hộ cho rừng, cải thiện môi trường, bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt và điều tiết lũ trên địa bàn, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương”…
Lực lượng Ban quản RPH Quảng Trạch đang đi kiểm tra rừng.
Lực lượng Ban quản lý RPH Quảng Trạch đang đi kiểm tra rừng.
Tiểu khu 182, khu RPH đầu nguồn hồ Trung Thuần, xã Quảng Thạch có trên 500ha RPH bằng cây bản địa sum suê, mọc lên cao vút xanh cả khu rừng. Trong đó, nhiều cây lim xanh có đường kính gốc gần 10cm, cao trên 6m. Xen vào đó là những hàng keo lai trồng tạo bóng có đường kính gốc từ 20cm-40cm. Dưới tán rừng, nhiều loại cây gỗ quý và thảm thực vật cũng đã hồi sinh.
 
Dẫn chúng tôi vào thăm rừng, anh Nguyễn Minh Giáp, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng (BVR) Quảng Thạch 2 chia sẻ: “Để RPH bằng cây bản địa phát triển, những năm đầu chúng tôi phải vun gốc, trồng dặm và xử lý thực bì. Khi cây phát triển, cạnh tranh được chất dinh dưỡng, ánh sáng thì chủ yếu là phòng cháy chữa cháy và bảo vệ không cho trâu, bò phá. Trong những ngày hè nắng nóng, anh em trong trạm phải ở trong rừng, thường xuyên canh lửa, tuyên truyền nhắc nhở người dân cẩn trọng khi ra vào rừng. Dù công việc khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bảo vệ tốt rừng cây bản địa này cho thế hệ mai sau.”
 
Giữ màu xanh cho rừng
 
Khoảng 25 năm về trước, người dân địa phương vẫn có thói quen phá rừng làm nương rẫy trồng sắn, lúa để giải quyết vấn đề lương thực trước mắt. Tuy nhiên, việc phá rừng đã gây tác động rất lớn đến môi trường khi nước khe suối dần cạn kiệt, hồ chứa thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến người dân phía hạ lưu. Khi bà con ngừng canh tác đã để lại nhiều diện tích đất trống, đồi trọc bạc màu. Đúng thời điểm đó, công tác BVR, nhất là RPH đầu nguồn được Nhà nước rất quan tâm. Năm 2003, hàng nghìn ha rừng tự nhiên trên địa bàn được giao cho Ban Quản lý RPH Quảng Trạch quản lý, bảo vệ và phát triển.
 
Ông Lê Ngọc Duẩn cho hay: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các tổ, trạm BVR thường xuyên kiểm tra, truy quét những nơi rừng có nguy cơ bị xâm hại. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý RPH Nam Hà Tĩnh tuần tra, kiểm soát rừng tại khu vực giáp ranh; tuyên truyền vận động bà con sống gần rừng tham gia công tác BVR, không dùng gỗ rừng để làm nhà và các công trình. Hàng năm, đơn vị đều xử lý thực bì ở những điểm có nguy cơ cháy rừng; sơn, sửa, phát quang lại các bảng tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, chòi canh lửa. Thời điểm nắng nóng, đơn vị đều phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại cửa rừng và các địa điểm người dân hay vào rừng; chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện nhằm chủ động xử lý khi có cháy rừng xảy ra.”
 
“Nhờ được quản lý, bảo vệ tốt nên thời gian gần đây, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn đơn vị quản lý đã giảm hẳn. Các vụ cháy rừng cũng không xảy ra, một số điểm phát lửa đã nhanh chóng được dập tắt. Trên 100ha đất RPH bị lấn chiếm để trồng rừng nguyên liệu đã được bà con ký cam kết trả lại sau khi thu hoạch”..., ông Lê Ngọc Duẩn, Giám đốc Ban Quản lý RPH Quảng Trạch cho biết thêm.
Đến thăm khu rừng được tái sinh tại khu vực Sỉa Trâu, thôn 2 Quảng Thạch, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trong rừng có rất nhiều cây dẻ, chẹo, lim, táu... mọc lên cao vút, tỏa bóng sum suê bên khe nước.
 
Anh Phạm Văn Thoải, Trạm trưởng Trạm quản lý BVR Quảng Thạch 1 chia sẻ: “Trước đây, khu rừng này nghèo kiệt lắm. Đến mùa khô thì khe nước Sỉa Trâu cạn phơi đáy. Nhưng từ khi được bảo vệ nghiêm ngặt, rừng đã dần được phục hồi, trữ lượng gỗ cũng tăng lên đáng kể. Nước khe chảy quanh năm, đất đai không còn bị xói mòn, chim, thú, ong cũng về ở trong rừng nhiều hơn. Hiện chúng tôi vẫn quyết tâm giữ rừng thật tốt để thế hệ mai sau không lo thiếu nước, thiếu dược liệu mà kinh tế nhiều hộ gia đình cũng sẽ được cải thiện trong mùa nhặt hạt dẻ.”
 
Theo anh Thoải, do rừng có trữ lượng gỗ lớn, lại gần khu vực dân cư nên cũng có nhiều người lăm le đến chặt phá. Tuy nhiên, qua quá trình bảo vệ, tuyên truyền, vận động của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý RPH Quảng Trạch nên người dân dần nhận thức được việc giữ rừng và không còn phá rừng như trước nữa.
 
Ông Phạm Văn Hoài, một hộ dân ở thôn 2, xã Quảng Thạch chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng hay phá rừng làm nương rẫy, lấy gỗ về bán hoặc làm nhà. Nhưng sau khi được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, tôi không còn phá rừng nữa. Nếu BVR tốt, rừng còn mang lại nguồn nước, dược liệu cho bà con. Đặc biệt, chúng tôi còn kiếm thêm được nguồn thu nhập khá từ việc đi nhặt hạt dẻ”...
 
Xuân Vương

tin liên quan

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 31/5, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh tổ chức họp, bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2022.

Quy hoạch, phát triển đô thị bền vững

(QBĐT) - Với định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, những năm qua, Quảng Bình luôn chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển đô thị bền vững.

Tăng cường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 30/5, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 913/UBND-KT về việc Tăng cường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2022.