"Chìa khóa vàng" phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

  • 07:00 | Thứ Tư, 22/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch Covid-19 bùng phát, lây lan rộng và kéo dài trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội (KT-XH). Để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NĐ-CP. Sau một thời gian triển khai, các chương trình của nghị quyết đã phát huy vai trò trong việc giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.
 
Nhiều đối tượng được thụ hưởng
 
Chị Trần Thị Bình, thôn Thanh Liêm, xã Trung Hóa (Minh Hóa) cho biết: Gia đình tôi có 2 cháu nhỏ, một cháu đang theo học lớp 6 Trường THCS và THPT Minh Hóa và một cháu đang lớp 4 Trường tiểu học Trung Hóa. Do gia đình thuộc diện hộ khó khăn của xã nên việc đầu tư trang thiết bị cho các cháu đi học còn hạn chế. Trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, theo yêu cầu của nhà trường, học sinh (HS) phải học trực tuyến để bảo đảm an toàn.
 
Tuy nhiên, do hoàn cảnh nên 2 cháu không có phương tiện để học tập trực tuyến mà phải học nhờ với một cháu nhà bà con. Được xã thông báo có gói vay chương trình HS, sinh viên (SV) mua máy tính, thiết bị học trực tuyến, tôi đã đăng ký và được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, tôi đã mua một máy tính cho 2 cháu học tập. Với lãi suất thấp, chỉ 1,2%/năm, kỳ hạn 3 năm thì đây là gói vay rất ưu đãi với hộ nghèo như gia đình tôi.
Hiện nay đã có 4 chương trình vay được giải ngân đến người dân có nhu cầu vay vốn.
Hiện nay đã có 4 chương trình vay được giải ngân đến người dân có nhu cầu vay vốn.
Nhận được gói vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (một trong 5 chương trình của Nghị quyết số 11/NĐ-CP), anh Đinh Văn Phong, thị trấn Quy Đạt vui mừng cho hay: “Không có khoản vay của Ngân hàng CSXH thì không biết đến lúc nào, gia đình tôi mới có nhà để ở. Lâu nay, do chưa xây được nhà riêng nên vợ chồng tôi cùng 2 đứa con phải ở nhờ nhà ông bà nội. Hiện các con đã lớn nên tôi cũng muốn có ngôi nhà riêng. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện tiếp cận vốn vay nhà ở xã hội, vợ chồng tôi đã quyết định xây nhà mới. Với số tiền được vay lên đến 500 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm, kỳ hạn tối đa 25 năm thì đây là gói vay rất phù hợp với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như vợ chồng tôi".
 
Cùng với những trường hợp được vay vốn để xây nhà, mua sắm trang thiết bị học tập cho con em, chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học cũng được Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân. Trường mầm non Alibaba, Lệ Thủy là một trong những trường đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục hồi hoạt động sau dịch Covid-19.
 
Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được Chính phủ triển khai gồm 5 chương trình: Nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chương trình HS, SV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; chương trình cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030. Khi các chương trình này triển khai, nhiều đối tượng là doanh nghiệp, người lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn, HS, SV được tiếp cận nguồn vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Chính sách ưu đãi
 
Đến nay, Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã giải ngân được 96.850 triệu đồng với 1.239 món vay, đạt 32,18% kế hoạch tăng trưởng.
Có thể nói, Nghị quyết số 11/NQ-CP được xem như là “chìa khóa vàng” nhằm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành, trên cơ sở nguồn vốn phân bổ của Ngân hàng CSXH, chi nhánh đã tập trung đẩy nhanh việc giải ngân nhằm đưa nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến kịp thời với người dân.
 
Theo phân bổ của Ngân hàng CSXH, Chi nhánh tỉnh Quảng Bình được phân giao tổng số tiền là 301 tỷ đồng. Các chương trình: Hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm; nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; HS, SV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập đã được Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình giải ngân. Hiện còn 1 chương trình chưa giải ngân được là cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do chưa có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay.
 
Ngay sau khi Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình giải ngân, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các địa phương đã nhanh chóng đưa nguồn vốn đến từng tổ chức, hộ dân.
 
Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lệ Thủy cho biết: Hiện nay, huyện Lệ Thủy đang thực hiện giải ngân 4 chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng; trong đó, cho vay nhà ở xã hội hơn 12 tỷ đồng. Huyện cũng đã giải ngân chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học công lập cho 1 đơn vị trường mầm non tư thục. Nghị quyết đã giúp nhiều người lao động và các trường học tư thục có nguồn vốn để khôi phục hoạt động phát triển kinh tế sau thời gian khó khăn bởi dịch bệnh; HS, SV có hoàn cảnh khó khăn được trang bị thiết bị, máy móc để học trực tuyến.
 
Đoàn Nguyệt
 

tin liên quan

Đồng hành cùng người nghèo

(QBĐT) - Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa được thành lập từ năm 2003. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH đã được triển khai đến những bản làng xa xôi nhất của huyện và trở thành chiếc "phao cứu sinh" giúp những hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. 

"Canh lửa" trong mùa khô

(QBĐT) - Hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, huyện Lệ Thủy cùng các lực lượng chức năng đang triển khai các phương án, chủ động bảo vệ rừng nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy rừng nghiêm trọng…

Áp lực xăng dầu, nhiều doanh nghiệp phải tăng giá cước

Cứ 10 ngày lại điều chỉnh một lần, giá xăng liên tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách "đứng ngồi không yên".