"Ngược sóng"...

  • 17:13 | Thứ Năm, 27/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Suốt một năm qua, đại dịch Covid-19 đã dồn lên đôi vai người nông dân những gánh nặng thử thách khắc nghiệt chưa từng có. Thế nhưng, không phải vì thế mà họ chồn chân, mỏi gối, buông bỏ. Như những “con thuyền” bơi “ngược sóng”, bằng nhiều cách khác nhau, họ vẫn âm thầm, bền bỉ lao động, sản xuất, tìm cho mình những lối rẽ để “vươn khơi”.
 
Chọn lối rẽ để thích ứng
 
Sau gần 4 năm thành lập, Hợp tác xã sản xuất-kinh doanh tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm (HTX sản xuất dược liệu Cự Nẫm) đã bước đầu gây dựng nên một “thiên đường dược liệu” trên vùng đất đồi khắc nghiệt phía Tây huyện Bố Trạch, với diện tích 9ha trồng các loại cây dược liệu, như: Cà gai leo, thìa canh, chè vằng. Các sản phẩm dược liệu chủ lực được HTX sản xuất, chế biến đã có mặt tại 43 điểm bán hàng trong nước và được người tiêu dùng tin cậy sử dụng. Trong đó, “Cao cà gai leo Thanh Bình” đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
 
Những tưởng “đầu xuôi đuôi lọt”, nhưng rồi đại dịch Covid-19 ập đến. Các sản phẩm của HTX không thể vận chuyển đi các nơi tiêu thụ vì một thời gian dài tuyến xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh không hoạt động. Hàng dồn ứ lại, buộc HTX phải sản xuất cầm chừng. Doanh thu sụt giảm gần 50%, từ 2,5 tỷ đồng năm 2020 xuống chỉ còn hơn 1 tỷ năm 2021. Với một HTX còn “non trẻ”, những khó khăn, thách thức đó là quá sức chịu đựng.
 
Thế nhưng, trong “cái khó lại ló cái khôn”, người sản xuất, kinh doanh không chỉ có đức tính cần cù, chịu khó, mà còn phải nhanh nhạy nắm bắt, “đón đường” nhu cầu thị trường và khách hàng. 
Cánh đồng cây dược liệu của HTX sản xuất dược liệu Cự Nẫm.
Cánh đồng cây dược liệu của HTX sản xuất dược liệu Cự Nẫm.
Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX sản xuất dược liệu Cự Nẫm cho biết, từ trong biến cố dịch bệnh, chị biết việc bảo vệ sức khỏe trở thành một vấn đề cấp thiết đối với mỗi người. Nắm bắt được điều đó, tháng 3-2021, HTX cho ra đời sản phẩm “Túi lá xông” có tác dụng giải cảm, thư giãn. Tháng 10 vừa qua, HTX tiếp tục tung ra thị trường sản phẩm “Trà ngủ ngon” có tác dụng an thần. Và điều quan trọng hơn, các sản phẩm này có thể tiêu thụ ngay tại thị trường trong tỉnh. Nhờ đó, thu nhập và việc làm của 8 thành viên trong HTX không bị đứt quãng. 
 
Hiện tại, HTX đang triển khai dự án trồng và chế biến cây xuyên tâm liên, một loại cây có tác dụng hỗ trợ đường hô hấp và tạo kháng thể tự nhiên, đã được các nghiên cứu khoa học khẳng định. Mặc dù, chưa thể bù lấp được “khoảng trống” thiệt hại, song nói như chị Nguyễn Thị Giang, lấy đa dạng hóa sản phẩm thay vì tăng quy mô số lượng là cách để HTX thích ứng với khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất.
 
“Có những biến cố, thử thách không thể chủ động lường trước được. Điều quan trọng là lựa chọn cách khác, một lối rẽ khác để vượt qua giai đoạn khó khăn, thích nghi và phát triển”, chị Giang chia sẻ.
 
Tìm cơ hội giữa thách thức
 
Dự kiến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung của anh Nguyễn Xuân Vũ và Nguyễn Văn Trung ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) sẽ được đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, các thủ tục đầu tư đã được chính quyền các cấp phê duyệt. Tổng diện tích mở rộng trang trại là 3ha, với tổng nguồn vốn đầu tư là 25 tỷ đồng.
 
2 ông chủ trang trại mong muốn, hàng năm dự án này sẽ cung ứng đàn lợn giống chất lượng từ 5.000-6.000 con cho nông dân trên địa bàn và nâng dần quy mô chăn nuôi lợn thịt so với hiện tại. Như vậy, cùng với việc chăn nuôi lợn thịt, trang trại còn hướng đến phân khúc sản xuất con giống. “Chăn nuôi là ngành dễ bị “tổn thương” trước những biến động.
 
Liệu có quá liều lĩnh khi dịch bệnh đang hoành hành?”, tôi hỏi. Anh Nguyễn Văn Trung trả lời: “Đó là sự liều lĩnh đã được tính toán và chuẩn bị từ trước. Vượt qua nghịch cảnh cũng là một cách khẳng định giá trị”.  
 
Từ khi đi vào hoạt động năm 2016, trang trại gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thời điểm năm 2017, đàn lợn hơn nghìn con đến kỳ xuất chuồng, nhưng giá bán rớt thê thảm, xuống chỉ còn 50%.
 
Anh Trung nhớ lại, lúc đó, anh em phải chạy khắp nơi tìm đầu mối tiêu thụ, mới vớt vát, bù trừ được chút vốn. Từ đó, các anh mới bàn tính đến câu chuyện tiêu thụ, chứ không chỉ chăm lo “phần ngọn” chăn nuôi như trước. Chắc chắn một trang trại lợn hơn nghìn con không thể tiêu thụ nhỏ lẻ theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” như cách truyền thống được. Nếu theo cách cũ, không sớm thì muộn, trang trại sẽ bị những biến động của thị trường đánh sập hoặc bị “nuốt chửng”.
 
Với ngành Nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, người nông dân khó có thể quyết định giá trị và giá cả sản phẩm. Vì thế, bấy lâu nay, người chăn nuôi vẫn còn loay hoay, chật vật, thậm chí là bế tắc giữa 2 nguồn đầu ra và đầu vào.
 
Để giải quyết vấn đề này, 2 anh đã tìm đến “gõ cửa” liên kết với siêu thị Co.opmart và VinMart. Năm 2018, sau khi hoàn thành quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP và chuẩn hóa sản phẩm, đầu tư xây dựng lò mổ, thịt lợn của trang trại đã lọt qua “khe cửa hẹp” này. Ngay sau đó, một hợp đồng bao tiêu sản phẩm thịt lợn được các siêu thị bán lẻ lớn nhất tỉnh và một số cửa hàng thực phẩm sạch ký kết bao tiêu nguyên năm.
 
Hàng tháng, khoảng 70% lợn thịt xuất chuồng được tiêu thụ tại đây. Nhờ đó, 2 năm qua, dịch Covid-19 không thể cản trở đàn lợn 1.200 con của trang trại lớn lên. Cứ như vậy, hết lứa lợn này đến lứa lợn khác gối lên nhau, lấp đầy những ô chuồng khép kín, có điều hòa rộng 1.600m2 này.  
 
Họ đã đi qua giữa muôn trùng khó khăn trong 1 năm qua và có thể trên con đường phía trước, họ sẽ còn gặp nhiều thử thách hơn thế nữa. Thế nhưng, điều quan trọng là họ đã dũng cảm để tiếp tục bước lên phía trước, như những con thuyền “ngược sóng” vươn ra biển lớn. Nói như anh Nguyễn Văn Trung, chủ trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung: “Không thể cứ ngồi yên chờ đợi cơ hội đến với mình. Cơ hội chính là sự tìm kiếm và nỗ lực vượt qua thử thách đó”.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Mai Văn Minh cho biết: “Dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã “làm khó” cho nền nông nghiệp và người nông dân. Tuy nhiên, từ trong khó khăn, nhiều nông dân đã nỗ lực vượt khó, chuyển đổi, đa dạng hóa mô hình sản xuất, mở ra nhiều hướng đi mới; đồng thời, tìm kiếm, phát triển, cho ra đời những sản phẩm mới từ nhu cầu thực tế của thị trường. Điều đó chứng tỏ rằng, việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ và sản xuất liên kết theo chuỗi trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng, mà còn là một lợi thế để người nông dân vượt qua được những khó khăn, thử thách”.

Dương Công Hợp

 

tin liên quan

Rộn ràng vào vụ Tết

(QBĐT) - Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Trầm hương Hưng Phát, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) đang chạy đua với thời gian để hoàn thành những đơn hàng hương trầm cuối cùng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dịp Tết của người tiêu dùng.

Thúc đẩy phát triển thương mại và xuất nhập khẩu

(QBĐT) - Khép lại năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Công thương Quảng Bình đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022, Sở Công thương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Bài ca vỡ đất…

(QBĐT) - Phía Tây huyện Lệ Thủy, trong đó có xã Trường Thủy xưa nổi tiếng là vùng đất trồng chè của Nông trường Đại Giang. Nay, xã Trường Thủy đã rộng lớn hơn khi sáp nhập với xã Văn Thủy. Giờ đây các đồi chè rộng lớn đã thưa dần, thay vào đó là những cánh rừng trồng bạt ngàn, vườn cây ăn quả xanh mướt mắt. Từ một vùng quê nghèo, người dân Trường Thủy đã thay đổi cung cách phát triển kinh tế để làm giàu...