Bài ca vỡ đất…

  • 06:25 | Thứ Năm, 27/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phía Tây huyện Lệ Thủy, trong đó có xã Trường Thủy xưa nổi tiếng là vùng đất trồng chè của Nông trường Đại Giang. Nay, xã Trường Thủy đã rộng lớn hơn khi sáp nhập với xã Văn Thủy. Giờ đây các đồi chè rộng lớn đã thưa dần, thay vào đó là những cánh rừng trồng bạt ngàn, vườn cây ăn quả xanh mướt mắt. Từ một vùng quê nghèo, người dân Trường Thủy đã thay đổi cung cách phát triển kinh tế để làm giàu...
 
Từ rừng… xây nhà tiền tỷ
 
Ngôi nhà mới rộng 160m2 xây theo kiểu biệt thự trị giá hơn 1,5 tỷ đồng vừa được xây xong của gia đình anh Trần Văn Trường (thôn Đông Xuân, xã Trường Thủy) khiến cho nhiều người trong thôn ngưỡng mộ. Bởi lẽ, đó là công sức, mồ hôi sau hơn 10 năm gia đình anh vất vả với những cánh rừng trồng.
 
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trường tâm sự: “Mấy năm trước, gia đình tôi cũng thuộc diện nghèo khó của địa phương, 4 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào 6 sào lúa nước. Cuộc sống của gia đình vì vậy cũng bấp bênh, bữa đói, bữa no. Trằn trọc mãi, tôi bàn với vợ, chắc gia đình mình phải đi vào những vùng đất sỏi đá, cằn cỗi để khai hoang trồng rừng...”.
 
Nói là làm, bám rừng cả năm trời, năm 2010, những cây keo đầu tiên được gia đình anh trồng xuống trên vùng đất tử địa. Buổi đầu, do chưa nắm hết kỹ thuật, cây keo chết dần đi, không nản chí, anh Trường lại lao vào những cánh rừng, trồng dặm lại. Sau nhiều năm tập trung chăm sóc, những cánh rừng keo giờ đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Người dân xã Trường Thủy đã chuyển đổi trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Người dân xã Trường Thủy đã chuyển đổi trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong lúc trò chuyện, chị Trần Thị Lệ (vợ anh Trường) bưng lên một dĩa lớn đựng đầy trái chuối, ổi mời khách. Chị bảo rằng, đấy là sản vật của nhà làm ra, rồi góp chuyện với chúng tôi: “Gia đình giờ có hơn 20ha rừng trồng keo. Không chỉ trồng rừng ở xã Trường Thủy, gia đình còn khai khẩn, trồng rừng ở xã Kim Thủy khoảng ha rừng keo nữa. Mỗi năm, gia đình cũng tiết kiệm được chút tiền. Ngoài tiền làm nhà cũng còn lưng vốn cất giữ nữa. Nay, cái nghiệp rừng đã bám vào người rồi!”.
 
Rời thôn Đông Xuân, chúng tôi ngược về thôn Giang Sơn, nơi có hơn 200 hộ dân, không còn hộ nào nằm trong diện hộ nghèo của địa phương. Ở đây, chỉ thấy đâu đâu cũng là nhà hiện đại mới làm, nhiều hộ có ô tô đắt tiền đỗ trong sân. Ông Nguyễn Văn Đức, một hộ dân trồng rừng ở thôn cho biết, gia đình ông có khoảng 60ha rừng trồng, mỗi năm, gia đình cũng có hơn 10ha rừng cho thu hoạch, thu nhập sau khi trừ chi phí cũng đạt ngót nghét vài trăm triệu đồng, như vậy cũng thuộc hộ gia đình giàu có ở địa phương. Ông Đức bảo với chúng tôi, khi kinh tế hộ gia đình được ổn định, việc trồng rừng gỗ lớn sẽ được chú trọng để tăng thu nhập từ rừng, vì rừng gỗ lớn có thu nhập cao hơn, tiết kiệm được chi phí cây giống, công lao động...
 
Câu chuyện từ rừng xây nhà tiền tỷ được ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết thêm rằng: Trước đây, nói đến Trường Thủy là nhắc chuyện đói nghèo, hộ nghèo của địa phương luôn ở mức cao. Rồi chuyện giao đất, giao rừng, khai hoang như làn gió mới thổi qua vùng đồi khô cằn, cây bụi này. Mồ hôi, nước mắt người dân đổ xuống cho những cánh rừng đầu tiên mọc lên. Hiện, Trường Thủy có diện tích rừng trồng trên 1.900ha, thu nhập từ kinh tế rừng mỗi năm của địa phương gần 14 tỷ đồng.
 
Cũng theo ông Tường, khi địa phương triển khai chủ trương phát triển kinh tế lâm nghiệp, người dân đồng lòng ủng hộ và quyết tâm thực hiện. Nhờ phát triển kinh tế rừng mà đời sống người dân được cải thiện như hôm nay, nhiều hộ gia đình đã xây được nhà, nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn. Xã chỉ còn 3,3% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 50,4 triệu đồng/người, năm 2021, ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng thu nhập bình quân tăng lên 54,3 triệu đồng. Cũng trong năm 2021, toàn xã, có gần trăm hộ làm nhà mới, tất cả đều nhờ rừng…
 
Để những vườn đồi tỏa sáng!
“Về lâu dài, địa phương sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chú trọng đa cây, đa con, trong đó, tập trung vào các loại cây trồng có múi để tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích, nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con…”, Chủ tịch xã Trường Thủy Phan Hữu Tình cho biết.

4 năm trước, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã chọn vùng đất Trường Thủy để thực hiện dự án phục tráng giống cam mật Hiền Ninh và cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu. Sau hơn 4 năm thực hiện, xã Trường Thủy có gần 50% hộ dân cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu có thu nhập cao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kiên (thôn Hương Thi), bám vùng rừng Động Ngang từ những năm 90 của thế kỷ trước. Là gia đình tiên phong thực hiện dự án của trung tâm, giờ đây, những cây cam đã lên xanh tốt, hàng nối hàng, thẳng tắp. Cùng chúng tôi đi thăm khu vườn kiểu mẫu của gia đình, bà Kiên bảo rằng: “Các anh nhìn xem, cỏ dại được làm sạch, cây cam được che phủ bằng lớp rơm rạ để chống nắng hạn, tăng độ ẩm cho đất, lứa cam quả bói đầu tiên cũng sai lắm, nhưng tôi cũng cắt hết như kỹ thuật đã được hướng dẫn...”.
 
Bà Kiên cũng chia sẻ thêm rằng, vụ cam vừa rồi, dù việc tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch, nhưng con số thu về vẫn lớn, với diện tích gần 0,5ha cam, đã cho thu hoạch 5 tấn quả và bán được 100 triệu đồng. Ngoài trồng cam, gia đình còn trồng bưởi da xanh, chè, ổi, tiêu…để tăng thu nhập.
 
Rời gia đình bà Kiên, chúng tôi tới thăm gia đình bà Trần Thị Mai (thôn Giang Sơn), một trong những hộ dân được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình. Theo chia sẻ của bà Mai, khi bắt tay vào xây dựng vườn mẫu với diện tích hơn 0,5ha, gia đình bà đã "quy hoạch” thành các “phân khu” trồng cam, trồng thanh long ruột đỏ…
 
“Lúc nhận hơn 60 gốc cây cam mật Hiền Ninh về trồng gia đình cũng lo lắng lắm. Mình chưa thấy, chưa biết đến giống cam này ra sao nên cũng phân vân. May có cán bộ kỹ thuật của trung tâm thường xuyên đến thăm, chỉ bảo cách trồng, chăm bón nên cũng vững tâm. Vụ cam vừa rồi cây trĩu quả, thương lái hay tin đến mua tận vườn, sản lượng được gần 2,5 tấn, bán thu được gần 50 triệu đồng…”, bà Mai cho biết.
 
Được biết, từ dự án của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, một doanh nghiệp đã đầu tư phát triển giống cam mật Hiền Ninh trên vùng đất xã Trường Thủy để cung cấp giống cây chất lượng cao và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
 
Ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy nói thêm với chúng tôi: “Địa phương cũng đã có định hướng cho bà con thực hiện mô hình mẫu để nắm vững quy trình, tích lũy kinh nghiệm trước khi mở rộng diện tích trồng cam. Toàn xã, hiện có trên 40ha diện tích trồng cam đã cho thu hoạch. Nhiều hộ gia đình có đất vườn rộng vài ha đã bắt đầu chuyển hướng sang làm vườn mẫu, trồng cam...”.
Ngọc Hải

tin liên quan

Nông dân Lệ Thủy: Linh hoạt trong chăn nuôi, vượt khó mùa dịch

(QBĐT) - Đối mặt với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân huyện Lệ Thủy nỗ lực vượt khó với nhiều cách làm sáng tạo để giảm bớt chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị nông sản.

Quảng Ninh: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng đến với người dân. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần tạo việc làm cho các lao động địa phương.

"Lộc biển" cuối năm

(QBĐT) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trong tỉnh vươn khơi đón "lộc biển". Niềm vui của ngư dân là những khoang tàu đầy ắp cá tôm, báo hiệu một cái Tết no ấm, đủ đầy.