HTX Trầm hương Hưng Phát:

Rộn ràng vào vụ Tết

  • 10:21 | Thứ Năm, 27/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Trầm hương Hưng Phát, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) đang chạy đua với thời gian để hoàn thành những đơn hàng hương trầm cuối cùng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dịp Tết của người tiêu dùng.
 
Thời gian trước đây, cây gió bầu được người dân vùng gò đồi huyện Lệ Thủy trồng rất nhiều để tạo trầm hương. Thế nhưng, khi cây đã lớn bà con không biết cách làm thế nào để cây ra được trầm, không biết kích thuốc tạo trầm. Riêng ở xã Trường Thủy có trên 20ha cây gió bầu hơn 15 năm tuổi nhưng chưa được khai thác.
 
Năm 2016, tình cờ được một người quen ở Quảng Ngãi, hiện sinh sống tại thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) chỉ cho cách tạo trầm hương từ cây gió bầu và cách làm hương trầm sinh học, anh Châu Ngọc Hải, xã Trường Thủy đã mạnh dạn học hỏi và bén duyên với nghề từ đó. Cũng chính vì duyên nghề mà nay anh đang cùng HTX Hương trầm Hưng Phát sản xuất sản phẩm hương trầm phục vụ nhu cầu tâm linh cho rất nhiều gia đình Việt.
 
Công nhân đang tìm trầm từ các cây gió bầu.
Công nhân đang tìm trầm từ các cây gió bầu.
Sau 3 năm kích thuốc sinh học, các vườn cây gió bầu đã cho ra trầm. Năm 2019, anh Hải bắt đầu mua sắm thiết bị, thuê nhân công để sản xuất các loại hương từ cây trầm. Theo anh Hải, nghề làm hương trầm không quá khó nhưng đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ và dày dặn kinh nghiệm cùng với máy móc hiện đại mới cho ra các sản phẩm chất lượng. Bột hương trầm Hưng Phát được làm từ trầm hương miếng, hoặc từ gỗ trầm hương được ủ kín để có vị thơm ngọt, sau thời gian ủ đưa ra phơi khô, nghiền nát và xay mịn, trộn cùng bột cây bời lời có chất keo tự nhiên và nước theo tỷ lệ để tạo thành phẩm.
 
Đặc biệt, nguyên liệu để tạo ra hương trầm Hưng Phát luôn được lựa chọn, phân loại và loại bỏ tạp chất kỹ lưỡng trước khi cho vào máy xay nhỏ, nhằm tạo mùi hương trầm đặc trưng sau khi ra sản phẩm. Khách hàng ngày nay rất tinh tế, mùi hương trầm tự nhiên rất khác với mùi hương trầm nhân tạo nên sản phẩm của HTX được ưa chuộng.
 
Trầm hương được phơi nắng trước khi đóng gói tiêu thụ
Trầm hương được phơi nắng trước khi đóng gói tiêu thụ
Anh Hải cho biết: "Lúc mới sản xuất, sản phẩm chưa được nhiều người biết đến nên tiêu thụ chậm. Sau một năm, khách hàng tăng nhiều vì hương của tôi cháy lâu, mùi thơm thư thái, dễ chịu, không có mùi hóa chất”. Năm 2020, nhằm tạo dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ, anh cùng một số người dân thành lập HTX Trầm hương Hưng Phát. Sản phẩm chính của HTX là các loại hương trầm từ cao cấp đến bình dân có giá từ vài triệu đồng đến vài trăm nghìn đồng/hộp.
 
Hiện nay, dù mới tạo lập được thương hiệu nhưng sản phẩm từ trầm hương của HTX không còn gói gọn trong tỉnh mà mở rộng ra TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Nam Định… Theo anh Hải, để có được thành công này, trong quá trình sản xuất hương, bản thân anh luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến của người tiêu dùng để đúc kết kinh nghiệm, sản xuất theo nhu cầu của khách hàng.
 
Ngoài sản xuất mặt hàng chính là hương trầm, HTX cũng tận dụng nguồn nguyên liệu để sản xuất thêm các loại như bột trầm khâm lượm, rượu trầm, tro bỏ lư hương… Đến nay, HTX đã đầu tư các thiết bị hiện đại để sản xuất liên tục, đều đặn, sản lượng ngày càng tăng do khâu tiêu thụ được đẩy mạnh. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, HTX có lợi nhuận trên 500 triệu đồng, bên cạnh đó tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 6 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
 
Sản phẩm chính của HTX là các loại hương trầm từ cao cấp đến bình dân có giá từ vài triệu đồng đến vài trăm nghìn đồng/hộp.
Sản phẩm chính của HTX là các loại hương trầm từ cao cấp đến bình dân có giá từ vài triệu đồng đến vài trăm nghìn đồng/hộp.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hải cho biết: Đến nay, HTX sản xuất kinh doanh ổn định, sản phẩm hương trầm đang dần tạo được thương hiệu trên thị trường, bảo đảm cuộc sống, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX cũng như người trồng cây gió bầu. Tuy nhiên, HTX vẫn còn một số khó khăn, nhất là nguồn vốn để thu mua nguyên liệu. Được biết, một cây gió bầu trên 15 năm tuổi có giá 1,2 triệu đồng/cây, sau khi kích thuốc tạo trầm thêm 3 năm nữa thì giá lên đến 2,5 triệu đồng nên để dự trữ nguồn nguyên liệu cho nhiều năm thì cần nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, cây gió bầu trên 10 năm mới kích được thuốc để tạo trầm, thời gian thu hoạch kéo dài nên hiện nay người dân không mấy mặn mà trồng loại cây này, tương lai sẽ thiếu nguồn nguyên liệu.
 
Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, cho biết, đây là mô hình sản xuất hương trầm đầu tiên của địa phương. Hương trầm của HTX Trầm hương Hưng Phát chất lượng cao với nguyên liệu tự nhiên, không có yếu tố hóa chất độc hại. Hiện sản phẩm đã có chứng nhận sản phẩm an toàn sinh học, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc… Xã luôn khuyến khích anh Hải tiếp tục đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất và thị trường để tạo công ăn, việc làm cho người dân lao động, đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi, lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ nguồn khuyến công để hỗ trợ HTX phát triển.
 
"Hiện trên địa bàn huyện Lệ Thủy có nhiều vườn gió bầu trên 20 năm tuổi nhưng vẫn chưa được khai thác. Một số hộ dân do dùng các biện pháp “quá đà” để tạo trầm, như: Khoan, cắt, bơm thuốc kích thích axit… vào thân cây, nên chỉ vài năm sau đó, hàng loạt cây gió bầu đã bị chết đứng", anh Hải cho biết thêm.
                                                                                       Thanh Hoa                  
     
 
 
 
 
 

tin liên quan

Thúc đẩy phát triển thương mại và xuất nhập khẩu

(QBĐT) - Khép lại năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Công thương Quảng Bình đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022, Sở Công thương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Bài ca vỡ đất…

(QBĐT) - Phía Tây huyện Lệ Thủy, trong đó có xã Trường Thủy xưa nổi tiếng là vùng đất trồng chè của Nông trường Đại Giang. Nay, xã Trường Thủy đã rộng lớn hơn khi sáp nhập với xã Văn Thủy. Giờ đây các đồi chè rộng lớn đã thưa dần, thay vào đó là những cánh rừng trồng bạt ngàn, vườn cây ăn quả xanh mướt mắt. Từ một vùng quê nghèo, người dân Trường Thủy đã thay đổi cung cách phát triển kinh tế để làm giàu...
 
 

"Lộc biển" cuối năm

(QBĐT) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trong tỉnh vươn khơi đón "lộc biển". Niềm vui của ngư dân là những khoang tàu đầy ắp cá tôm, báo hiệu một cái Tết no ấm, đủ đầy.