Hợp tác xã chuyển mình trong đại dịch

  • 07:33 | Thứ Năm, 07/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 đặt ra thách thức lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Một số HTX đã buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí đóng cửa. Đáng mừng, không ít HTX đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với những khó khăn, từ đó, tìm ra lối đi an toàn, hiệu quả.
 
Bài 1:  Đối mặt thách thức
 
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều HTX trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng khó khăn khi không tìm được đầu ra, khó chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, gian nan khâu vận chuyển hàng hóa... Không ít HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, thủy sản và giao thông vận tải phải hoạt động cầm chừng, thậm chí là đóng cửa.
 
Khó tìm đầu ra
 
Mặc dù mới được thành lập gần 2 năm, nhưng sản phẩm mật ong Tân Hội (xã Liên Trạch, Bố Trạch) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các tỉnh phía Nam. Để có được kết quả đó, ngay từ khi ra đời, HTX Nông nghiệp ong mật Tân Hội đã chú trọng đầu tư xây dựng chất lượng, nhãn mác, mã QRCode...cho sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm đã xây dựng được uy tín với các doanh nghiệp và người tiêu dùng phía Nam. Với quy mô lên đến 1.500 đàn ong, hàng năm, HTX xuất bán vào thị trường này khoảng 20 tấn mật ong và mang về lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, đầu ra cho sản phẩm mật ong Tân Hội dường như cũng “đóng băng”.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều HTX trên địa bàn tỉnh gặp khó trong việc tìm đầu ra.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều HTX trên địa bàn tỉnh gặp khó trong việc tìm đầu ra.
Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp ong mật Tân Hội cho biết: “Gần 5 tháng qua, sản phẩm mật ong Tân Hội không thể xuất bán được vào các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân là do các tỉnh này đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giao thông vận tải bị hạn chế nên số lượng hàng xuất bán của HTX bị ùn ứ. Hiện nay, số lượng mật ong này đang được chúng tôi lưu lại kho. Sau khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, chúng tôi sẽ xuất bán trở lại. May mắn mật ong là sản phẩm tự nhiên, dễ bảo quản nên việc lưu kho không ảnh hưởng đến chất lượng hay giá thành của sản phẩm”.
 
Theo ông Nguyễn Đình Thuyến, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, Quảng Bình có 372 HTX, trong đó có 155 HTX dịch vụ nông nghiệp; 12 HTX thủy sản; 16 HTX vận tải... Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, một số HTX trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp hoạt động cầm chừng, một số HTX vận tải phải tạm ngừng hoạt động...

Với những HTX trong lĩnh vực thủy hải sản thì việc tìm thị trường tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh cũng là vấn đề nan giải. Do không tìm được đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, một số HTX ở TP. Đồng Hới, Bố Trạch đã buộc phải đóng cửa.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc HTX Chế biến bảo quản thủy hải sản Phương Hiền (TP. Đồng Hới) cho hay, các sản phẩm của HTX gồm hải sản khô và đông lạnh. Trước đây, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Nhưng khi xuất hiện dịch bệnh, khâu vận chuyển gặp khó nên HTX nghỉ hoạt động gần 4 tháng nay. Đối với những sản phẩm hải sản khô thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng với các loại hải sản tươi đông lạnh, nhất là ghẹ, việc cấp đông dài ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành chỉ còn một nửa. Tuy nhiên, giờ đây, HTX cũng phải chấp nhận lưu kho dài ngày và chịu lỗ.

 
Không chỉ chịu lỗ vì giá bán giảm mà việc thuê kho cấp đông trong thời điểm dịch bệnh đang là vấn đề khó khăn của những HTX chế biến hải sản. Hiện tại, HTX Chế biến bảo quản thủy hải sản Phương Hiền đang tồn kho khoảng 8 tấn hải sản đông lạnh. Tuy nhiên, kho đông của HTX chỉ đáp ứng được số lượng một nửa, nên HTX phải thuê kho đông để bảo quản số hải sản còn lại.
 
Buộc phải đóng cửa
 
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, không chỉ riêng với các HTX nông nghiệp lâm vào khó khăn mà thời gian qua nhiều HTX vận tải cũng trong tình trạng phải hoạt động cầm chừng và buộc phải đóng cửa.
 
Sau hơn 4 năm hoạt động tương đối hiệu quả, đến đầu năm 2020 và đặc biệt là năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, HTX Dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Đông Thành (HTX Đông Thành) không thể hoạt động và buộc phải đóng cửa.
 
Ông Phan Văn Hà, Giám đốc HTX Đông Thành chia sẻ: “Sau khi nghỉ hưu, nhận thấy tiềm năng của ngành Du lịch tỉnh nhà, nhất là du lịch tại TP. Đồng Hới, tôi cùng một số thành viên đã bàn nhau thành lập HTX vận tải du lịch chuyên về xe điện. Vào những mùa cao điểm, từ tháng 4 đến tháng 9, HTX hoạt động hết công suất và mang về doanh thu lớn. Trung bình, doanh thu hàng năm của HTX đạt từ 100-150 triệu đồng/người. Ngoài ra, hàng năm, vào mùa cao điểm, HTX đã tạo việc làm và thu nhập thêm cho nhiều ngư dân vào thời điểm không vươn khơi. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, HTX buộc phải ngừng hoạt động hoàn toàn do tác động của dịch bệnh. 20 chiếc xe ô tô điện thường ngày chạy phục vụ du khách giờ phải nằm im lìm”.
 Một số HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải buộc phải ngừng hoạt động.
Một số HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải buộc phải ngừng hoạt động.
Không chỉ riêng HTX Đông Thành, nhiều HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn tỉnh cũng có chung hoàn cảnh. Tại Bố Trạch, đã gần 5 tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19, bùng phát trở lại, HTX Dịch vụ vận tải Nam Gianh (HTX Nam Gianh, xã Thanh Trạch) cũng buộc phải đóng cửa. Là HTX vận tải chuyên phục vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định TP. Vinh (Nghệ An)-TP. Huế (Thừa Thiên-Huế), nên khi các tỉnh này xuất hiện dịch bệnh, số lượng khách có nhu cầu đi lại cũng giảm hẳn. Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn, HTX cũng dừng hoạt động.
 
Ông Trần Văn Thân, Giám đốc HTX Nam Gianh cho hay: "HTX Nam Gianh được thành lập cách đây hơn 10 năm. Đến nay, HTX đã dần mở rộng quy mô và số lượng phương tiện vận tải. Hiện HTX có 30 chiếc xe phục vụ chở khách tuyến Vinh- Huế và phục vụ hành khách trong tỉnh. Ngoài ra, HTX mở thêm dịch vụ đưa đón các em học sinh trên địa bàn huyện. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là sự bùng phát trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nên các tuyến chạy liên tỉnh, nội địa và dịch vụ đưa đón học sinh cũng buộc phải ngừng hoạt động. HTX không hoạt động nên không có nguồn thu nhập, đời sống của các thành viên vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước đây, thu nhập của họ vào khoảng 8 triệu đồng/người/tháng thì thời gian này, thu nhập hầu như không có. Để có thêm thu nhập trong thời gian HTX ngừng hoạt động, các thành viên phải tìm công việc khác để làm thêm".  
 
Đ.Nguyệt
 
Bài 2: Thích ứng để phát triển

tin liên quan

Minh Hóa: Chủ động bảo vệ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão

(QBĐT) - Hiện nay, Minh Hóa có hơn 35 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt hơn 245 tấn/năm, đem đến nguồn thu nhập hiệu quả cho nhiều hộ dân. Để kịp thời ứng phó với mùa mưa bão năm nay, người dân tại đây đang tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát đạt đỉnh trong cuối năm

IMF cho rằng lạm phát toàn phần sẽ đạt đỉnh trong những tháng cuối của năm 2021 và sẽ trở về mức tương đương trước đại dịch vào giữa năm 2022, ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
 

Lãnh đạo ngành du lịch: "An toàn đến đâu mở cửa đến đó"

Trên lộ trình dần mở cửa lại các hoạt động du lịch cả nước, làm thế nào để di chuyển, kết nối thông suốt giữa các vùng xanh liên tỉnh vẫn đang là "nút thắt" đối với lữ hành cũng như cơ quan quản lý.